Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Hữu Độ đã ký và ban hành Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT công bố hết hiệu lực các điều: 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 của Thông tư số 17/2012/TT-BGDĐT ngày 16 tháng 5 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định về dạy thêm, học thêm.
Các điều hết hiệu lực trong Thông tư 17 gồm:
- Tổ chức dạy thêm, học thêm ngoài nhà trường (Điều 6).
- Yêu cầu đối với người dạy thêm (Điều 8).
- Yêu cầu đối với người tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 9).
- Cơ sở vật chất phục vụ dạy thêm, học thêm (Điều 10).
- Thẩm quyền cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 11).
- Hồ sơ cấp giấy phép tổ chức dạy thêm, học thêm (Điều 12).
- Trình tự, thủ tục cấp giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 13).
- Thời hạn, gia hạn, thu hồi giấy phép tổ chức hoạt động dạy thêm, học thêm; Đình chỉ hoạt động dạy thêm, học thêm (Điều 14).
Lý do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố hết hiệu lực các quy định về dạy thêm, học thêm là vì căn cứ pháp lý của quy định này tại khoản 3 Điều 74 Luật Đầu tư đã hết hiệu lực từ ngày 1.7.2016.
Nhưng như thế không có nghĩa là các cá nhân, tổ chức không được cấp phép dạy thêm nữa.
Nếu như trước đây, các cá nhân, đơn vị muốn mở cơ sở dạy thêm - học thêm thì phải đăng ký với Sở Kế hoạch - đầu tư và Sở GD-ĐT, thì nay, theo Luật đầu tư, việc dạy thêm ngoài nhà trường không thuộc danh mục những ngành nghề kinh doanh có điều kiện.
Vì vậy, bây giờ các tổ chức, cá nhân chỉ cần đăng ký với Sở Kế hoạch - đầu tư để xin dạy thêm mà thôi, không cần phải xin phép Sở GD-ĐT như trước nữa.
Việc dạy thêm, học thêm phải được thực hiện đúng theo các nguyên tắc:
- Hoạt động dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh; phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và không gây nên tình trạng vượt quá sức tiếp thu của người học.
- Không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khóa.
- Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm.