Nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật phá sản 2014

Chủ đề   RSS   
  • #417775 07/03/2016

    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1721 lần


    Nghị quyết hướng dẫn thi hành Luật phá sản 2014

    Luật phá sản 2014 được ban hành và đi vào thực tiễn áp dụng đến nay đã hơn 01 năm, tính đến thời điểm hiện nay thì mới chỉ có 02 văn bản hướng dẫn Luật này: 1 về quy chế làm việc của các Tổ thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản, 2 về quản tài viên và hành nghề quản lý, thanh lý tài sản.

    Còn những vấn đề khác vẫn chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể, đặc biệt là về thẩm quyền giải quyết phá sản của TAND, tham khảo quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc tương tự, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời…Nay Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao hòan chỉnh dự thảo Nghị quyết hướng dẫn về các vấn đề này.

    hướng dẫn Luật phá sản 2014

    Tại nội dung Nghị quyết này có một số vấn đề quan trọng cần lưu ý:

    1. Về tài sản ở nước ngoài và người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài theo Khoản 1 Điều 8 Luật phá sản 2014

    -  “Tài sản ở nước ngoài” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật phá sản là tài sản được xác định theo quy định của Bộ luật dân sự ở ngoài biên giới lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

    -  “Người tham gia thủ tục phá sản ở nước ngoài” theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 8 của Luật phá sản là người tham gia thủ tục phá sản thuộc một trong các trường hợp sau:

    + Là người nước ngoài, người không quốc tịch không định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

    + Là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài có mặt hoặc không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

    + Là người nước ngoài định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

    + Là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở Việt Nam nhưng không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

    + Cơ quan, tổ chức không phân biệt là cơ quan, tổ chức nước ngoài hay cơ quan, tổ chức Việt Nam mà không có trụ sở, chi nhánh, văn phòng đại diện tại Việt Nam vào thời điểm Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

    2. Về tính chất phức tạp của vụ việc theo khoản 1 Điều 8 của Luật phá sản

    “Tính chất phức tạp của vụ việc” quy định tại điểm d khoản 1 Điều 8 của Luật phá sản được xác định khi vụ việc phá sản thuộc một trong các trường hợp sau:

    - Doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản là doanh nghiệp, hợp tác xã không có người đại diện theo quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật phá sản.

    - Doanh nghiệp bị yêu cầu mở thủ tục phá sản có từ 300 (ba trăm) lao động trở lên hoặc có vốn điều lệ 100.000.000.000đ (một trăm tỷ đồng) trở lên.

    - Việc tuyên bố phá sản tổ chức tín dụng; việc tuyên bố phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình kinh tế, xã hội của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

    - Doanh nghiệp Nhà nước hoặc doanh nghiệp có phần vốn góp, cổ phần do Nhà nước nắm giữ bị yêu cầu mở thủ tục phá sản; liên hiệp hợp tác xã hoặc doanh nghiệp, hợp tác xã do cá nhân, cơ quan, tổ chức nước ngoài nắm giữ 100% vốn điều lệ.

    - Doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản có khoản nợ được Nhà nước bảo đảm hoặc có liên quan đến việc thực hiện các Hiệp định, văn bản thỏa thuận về đầu tư với cơ quan tổ chức nước ngoài.

    - Vụ việc phá sản mà phải giải quyết tranh chấp về khoản nợ, giải quyết các tranh chấp bị tạm đình chỉ, tuyên bố giao dịch vô hiệu theo quy định tại  Điều 41, Điều 59 của Luật phá sản.

    - Vụ việc phá sản mà Tòa án phải tiến hành xác minh, thu thập tài liệu, chứng cứ ở nhiều tỉnh, thành phố khác nhau hoặc ở nhiều huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc các tỉnh, thành phố khác nhau.

    - Các trường hợp khác mà pháp luật có quy định.

    3. Về tham khảo quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc phá sản tương tự theo khoản 14 Điều 9 của Luật phá sản

    Quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc phá sản tương tự quy định tại khoản 14 Điều 9 của Luật phá sản là quyết định giải quyết vụ việc phá sản được công bố là án lệ theo Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP.

    Việc tham khảo quyết định giải quyết phá sản trước đó trong vụ việc phá sản tương tự được thực hiện theo nguyên tắc áp dụng án lệ trong xét xử được hướng dẫn tại Điều 8 của Nghị quyết 03/2015/NQ-HĐTP.

    4. Căn cứ để áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời theo khoản 1 Điều 70 Luật phá sản 2014

    - Cho bán hàng hoá dễ bị hư hỏng, hàng hoá sắp hết thời hạn sử dụng, hàng hoá không bán đúng thời điểm sẽ khó có khả năng tiêu thụ; cho thu hoạch, cho bán hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết phá sản mà có hoa màu hoặc sản phẩm, hàng hoá khác là tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán ở thời kỳ thu hoạch hoặc không thể bảo quản được lâu dài.

    - Kê biên, niêm phong tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản có căn cứ cho thấy người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã có hành vi tẩu tán, hủy hoại tài sản.

    Tài sản bị kê biên, niêm phong được thu giữ, bảo quản tại cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền hoặc lập biên bản giao cho doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc người thứ ba quản lý cho đến khi có quyết định của Tòa án.

    - Phong tỏa tài khoản của doanh nghiệp, hợp tác xã tại ngân hàng, phong tỏa tài sản ở nơi gửi giữ được áp dụng nếu việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán trong quá trình giải quyết phá sản.

    - Niêm phong kho, quỹ, thu giữ và quản lý sổ kế toán, tài liệu liên quan của doanh nghiệp, hợp tác xã được áp dụng nếu việc áp dụng biện pháp này là cần thiết để bảo toàn tài sản, tài liệu của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, bảo đảm cho việc giải quyết phá sản.

    - Cấm chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được áp dụng nếu có hành vi chuyển dịch quyền về tài sản đối với tài sản đó cho người khác.

    - Cấm thay đổi hiện trạng đối với tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ án, người đang chiếm hữu hoặc giữ tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã có hành vi tháo gỡ, lắp ghép, xây dựng thêm hoặc có hành vi khác làm thay đổi hiện trạng tài sản đó.

    - Cấm hoặc buộc doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, tổ chức khác có liên quan thực hiện một số hành vi nhất định được áp dụng nếu trong quá trình giải quyết vụ việc phá sản có căn cứ cho thấy doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân, tổ chức khác có liên quan thực hiện hoặc không thực hiện một số hành vi nhất định làm ảnh hưởng đến việc giải quyết phá sản hoặc quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có liên quan trong vụ việc phá sản đang được Tòa án giải quyết.

    - Buộc người sử dụng lao động tạm ứng tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp cho người lao động được áp dụng nếu việc giải quyết phá sản có liên quan đến yêu cầu trả tiền lương, tiền công, tiền bồi thường, trợ cấp tai nạn lao động hoặc bệnh nghề nghiệp và xét thấy yêu cầu đó là có căn cứ và cần thiết

    - Các biện pháp khẩn cấp tạm thời khác.

    Ngoài ra, Nghị quyết này còn hướng dẫn cụ thể về quyết định tuyên bố phá sản của các Ngân hàng, tổ chức tín dụng….

    Xem chi tiết tại dự thảo Nghị quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao về hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật phá sản 2014.

     
    13345 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận