- Để có tiền tiếp tục theo học, những sinh viên này đã chấp nhận làm những công việc vô cùng nặng nhọc và cả những công việc mà bình thường không ai muốn làm.
Phụ hồ, mua đồng nát, dọn nhà vệ sinh
7h tối, quốc lộ 32 đoạn qua cổng làng Nguyên Xá bụi mù mịt, gạch đá, cát…ngổn ngang. Một thanh niên gò lưng đẩy chiếc xe cải tiến chở đầy gỗ bạch đàn tươi qua đường. Hà Nội mấy hôm nay trời trở lạnh, vậy mà chiếc áo quân sự đã phai màu của cậu ướt đẫm mồ hôi.
Thật bất ngờ khi biết người thanh niên ấy là sinh viên trường Đại học Công nghiệp, tên là Đỗ Tiến Phố (quê Thanh Hóa).
Khi cậu gỡ đồ trên xe cải tiến, tôi đếm được tất cả 40 cây gỗ to như bắp chân và dài đến hơn 15m. Phố vừa lau mồ hôi vừa kể: “Hôm nay trời mát mẻ còn đỡ đấy, chứ những hôm nắng 40 độ, cởi áo vắt được cả mồ hôi. Xe kéo gặp ổ gà khựng lại, phải gồng hết sức mà kéo tiếp. Nghiến răng, mắt thì trợn ngược cả lên... ".
|
Để có tiền tiếp tục theo học, nhiều sinh viên đã chấp nhận làm những công việc vô cùng nặng nhọc và cả những công việc mà bình thường không ai muốn làm - Ảnh minh họa: Nguồn Internet |
Phố kể, hôm vừa rồi đang đẩy xe xuống dốc thì va vào một đứa trẻ chạy ngang đường. May là nó không sao, nhưng cậu vẫn phải đền 300 nghìn. Xe thì đổ chỏng chơ, Phố bị cán xe thúc vào bụng đến giờ vẫn đau.
Là con út trong gia đình có 4 anh em trai, mẹ già, bố đã mất. Các anh của Phố đều đã lập gia đình nhưng ai cũng có hoàn cảnh khó khăn, hầu như không giúp được gì cho cậu.
“Mỗi lần về quê, mẹ lại lặng lẽ bán lúa lấy tiền cho mình đi. Cho đến giờ nghĩ lại cái cảnh mẹ chạy theo ra cổng, run run dúi cho mình nắm tiền lẻ là mình vẫn không cầm lòng được” - Phố nói.
Thế là Phố và cậu bạn cùng phòng đã mất mấy ngày lang thang ở khu Nhổn tìm việc. Việc thì ít mà người xin thì nhiều, cậu đành vào làm cho một ông chủ thầu xây dựng. Công việc của cậu là vận chuyển gỗ, gạch, cốt pha cho công trình. Cậu bạn kia sau một tuần đã bỏ việc vì không chịu nổi. Bây giờ cậu học một buổi, một buổi đi làm, mỗi tháng cũng kiếm được hơn 1 triệu đồng.
“Chi tiêu tiết kiệm cũng đủ cả tháng, mẹ không phải gửi tiền ra nữa. Mình còn đang để dành tiền để mùa đông này mua cho mẹ cái áo ấm” – Phố chia sẻ.
Dọc tuyến đường Diễn – Nhổn có hàng chục công trình đang xây dở. Tương ứng số công trình đó là những tổ thợ đang hối hả làm việc. Tôi phát hiện những gương mặt còn khá trẻ. Một tổ trưởng nhóm thợ quê Hải Dương cho biết, có không ít sinh viên đang làm phụ hồ, phu gạch cho các công trình này.
Anh Ninh, quê Hưng Yên cũng là sinh viên trường Đại học Công nghiệp khoe với tôi đôi bàn tay đen đúa, bị xi măng ăn mòn móng. Năm đầu ngón tay trăng trắng như bị mốc và móng tay thì như chực bong ra. Đôi bàn chân cũng cùng chung số phận, vì đôi dép tông không thể giúp gì khi anh trộn vữa, xách hồ.
“Sao anh không đi giày bata?”. Anh cười: “Đi dép chân ướt rồi lại khô, chứ đi giày vào lép nhép khó chịu lắm!”.
Khi tôi ngỏ ý muốn xin vào làm bếp, ca 12-19h thì bác tổ trưởng đưa ra “yêu cầu tuyển dụng” gắt gao là “khuân 10 viên gạch lên tầng 5 rồi đi xuống, vì vào đây làm không phải chỉ nấu cơm mà những lúc rảnh còn phải phụ khuân gạch, xách vữa… không khỏe sao làm được!”. Mỗi viên gạch bán phương nặng hơn 2kg, 10 viên là hơn 20kg, sức tôi chắc không làm nổi!
Anh Ninh cảnh báo tôi về những “tai nạn” khi khuân gạch: “có lần gạch đè bẹp ngón tay, tóe máu. Quay ròng rọc cũng cực kỳ nguy hiểm, xếp đầy một chút kéo lên là gạch rơi vù trước mặt”.
Không giống như Ninh, Phố, bạn gái Mai Thị Thủy, sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Thanh Hóa đã chấp nhận công việc dọn vệ sinh mỗi ngày để lấy tiền đóng học. Nhà nghèo, bố mẹ không thể chu cấp đủ cho hai chị em Thủy. Bà chủ nhà trọ khi biết được hoàn cảnh khó khăn của Thủy đã gợi ý việc đi dọn nhà vệ sinh cho các trường học và một số nhà xung quanh đó.
“Ban đầu, khi nghe bà chủ bảo đi dọn nhà vệ sinh, mình thấy cũng ngại, xấu hổ. Nhỡ gặp bạn thì biết làm thế nào. Nhưng nghĩ lại, đó cũng là việc kiếm tiền chính đáng, lại không mất nhiều thời gian nên mình đồng ý” - Thủy nói.
Thế là chiều chiều sau khi tan lớp, Thủy bịt khẩu trang vào dọn khu vệ sinh của các trường học và gần 10 hộ dân quanh đó. “Nhà vệ sinh của nhà người ta thì còn đỡ, chứ của trường thì bẩn lắm, cả trường có hai cái mà. Kỳ cọ mãi mới đỡ mùi hôi. Về nhà là rửa ráy thật kỹ nhưng có hôm phải dọn cái nhà bẩn quá, tối về không ăn được cơm, cứ thấy lờm lợm”.
Mỗi tháng, Thủy nhận được 1 triệu đồng từ công việc này và số tiền đó đủ để Thủy sinh hoạt tiết kiệm trong vòng 1 tháng.
Ngoài ra, còn có những sinh viên ngày ngày vẫn đi mua đồng nát về nhập cho các cửa hàng thu mua sắt vụn, hay đi giặt quần áo thuê cho các nhà quanh xóm trọ…
Mơ một tương lai sáng
Tất cả những công việc trên đều rất nặng nhọc, thậm chí thiếu an toàn, vệ sinh. Cả Phố, Ninh và Thủy đều khẳng định sẽ cố gắng làm việc đến khi ra trường hoặc ít nhất là đến khi tìm được một công việc mới. Nhưng xem ra, cơ hội để họ tìm công việc khác không nhiều. Ai cũng khẳng định chỉ làm việc này tạm thời.
|
Một sinh viên làm thêm bằng việc phát tờ rơi trên đường phố - Ảnh minh họa: Nguồn Internet |
“Có vất vả một chút cũng cố chịu, vì mình có thể kiếm đủ tiền học, tiền ăn ở mà không phải xin bố mẹ. Tất cả chỉ vì mục đích duy nhất là tiếp tục được đi học” – Ninh nói.
Vất vả là thế nhưng họ đều cố gắng học tốt. Phố là lớp trưởng 2 năm liền và kết quả học tập luôn đứng đầu lớp.
Cũng chính từ những công việc ấy, may mắn đã đến với họ. Cô bạn Thủy trong một lần đến dọn vệ sinh cho nhà nọ phát hiện bà chủ bị ngất ngoài hành lang. Với kiến thức sẵn có ở trường y tế, Thủy đã nhanh chóng sơ cứu và chăm sóc bà chu đáo.
Bà chủ hết sức cảm động và đã nhận đỡ đầu cho Thủy. Năm nay Thủy học năm cuối. Bà hứa sẽ tìm cho Thủy một công việc trong bệnh viện đa khoa tỉnh ngay khi Thủy tốt nghiệp. Ông chủ của Phố cũng rất quý cậu bởi sự chịu khó, thật thà. Ông đã gợi ý cho cậu những công việc hấp dẫn sau khi ra trường. Với tầm quen biết của ông, Phố có thể dễ dàng vào làm ở một công ty cơ khí với đúng chuyên ngành cắt gọt kim loại mà cậu học.
“Giờ mình chỉ mong sao cho chân cứng đá mềm, lúc nào cũng khỏe mạnh để tiếp tục công việc thôi. Làm gì cũng được, miễn là kiếm được đồng tiền chân chính, miễn là vẫn được đi học” – nói rồi, Phố cầm chiếc mũ đứng dậy. Khuôn mặt sạm đen, khắc khổ nhưng ánh lên cái nhìn rất sáng.
Tôi rất thích mấy câu triết lý mà Thủy viết ở trang bìa quyển vở: “Những giọt mồ hôi rơi xuống hôm nay để làm cháy lên hy vọng về ngày mai tươi sáng. Những nhọc nhằn hôm nay sẽ khiến thành công ngày mai thêm ý nghĩa. Tất cả vì ngày mai!”.
Tôi cũng tin thành công sẽ đến với những người như họ.
Mai Hoa