Lễ 30/4 sắp đến rồi, năm nay, lễ lại gần những ngày nghỉ cuối tuần, hơn nữa lại thêm ngày giỗ tổ Hùng Vương, thế là các ngày gần như sát nhau. Nhiều doanh nghiệp (ngoài quốc doanh) hoang mang không biết phải sắp xếp lịch nghỉ như thế nào cho thỏa đáng, vì các ngày nghỉ và làm việc cứ cách nhau 1 – 2 ngày.
Dưới đây, Dân Luật sẽ giải đáp các thắc mắc về ngày nghỉ bù của doanh nghiệp trong thời gian gần đây.
1/ Nguyên tắc nghỉ bù như thế nào?
Nếu ngày nghỉ lễ trùng vào ngày nghỉ hằng tuần, thì người lao động được nghỉ bù vào ngày kế tiếp.
(Khoản 3 Điều 115 Bộ luật lao động 2012)
|
- Đối với doanh nghiệp làm việc cả ngày thứ 7:
Ngày nghỉ lễ trùng vào ngày thứ 7, người lao động được nghỉ ngày thứ 7 đó và sẽ không có nghỉ bù.
- Đối với doanh nghiệp không làm việc ngày thứ 7:
Ngày nghỉ lễ trùng vào ngày thứ 7, người lao động được nghỉ ngày thứ 7 đó, đồng thời sẽ được nghỉ bù vào ngày thứ 2 kế tiếp.
2/ Có được hoán đổi ngày nghỉ bù vào ngày khác trong tuần không?
Người sử dụng lao động và người lao động có thể thỏa thuận việc hoán đổi ngày nghỉ bù vào ngày khác trong tuần mà không phải là ngày thứ 2 kế tiếp.
3/ Nếu người lao động làm việc vào ngày nghỉ bù thì trả lương như thế nào?
5. Người lao động làm thêm giờ vào ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần quy định tại Điều 110 của Bộ luật Lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ lễ, tết. Người lao động làm thêm giờ vào ngày nghỉ bù khi ngày lễ, tết trùng vào ngày nghỉ hằng tuần theo quy định tại Khoản 3 Điều 115 của Bộ luật Lao động được trả lương làm thêm giờ vào ngày nghỉ hằng tuần.
(Căn cứ Khoản 5 Điều 25 Nghị định 05/2015/NĐ-CP)
|
Như vậy, trường hợp nếu những ngày nghỉ bù đó người lao động làm việc thì sẽ được hưởng lương theo ngày nghỉ hằng tuần, ít nhất bằng 200% lương ngày đó.