Nghề luật sư trong thời kinh tế khó khăn

Chủ đề   RSS   
  • #242649 30/01/2013

    Khongtheyeuemhon
    Top 100
    Male
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/05/2010
    Tổng số bài viết (772)
    Số điểm: 9636
    Cảm ơn: 691
    Được cảm ơn 816 lần


    Nghề luật sư trong thời kinh tế khó khăn

    Tôi không thấy có luật sư nào thành đạt và có uy tín xã hội mà không phải là người có tâm lớn. Đó cũng chính là niềm tự hào hay vinh quang của nghề luật. Bởi thế, luật sư cũng như bác sỹ, nhà giáo, xưa nay vốn là những nghề được người đời nể trọng.

    Trong một bài phỏng vấn gần đây, Biên tập viên mục Hot Job Corner đã có dịp trò chuyện cùng Luật sư Nguyễn Tiến Lập về nghề luật sư gắn liền với bối cảnh kinh tế Việt Nam hiện tại. Bài nói chuyện là một thước phim chân thực về nghề dưới con mắt của một vị luật sư tâm huyết. Những chia sẻ và lời khuyên từ ông chắc chắn sẽ là những kiến thức và trải nghiệm quý báu với các bạn trẻ, điều mà không cuốn cẩm nang nghề luật nào có thể tóm lược hay bao quát cho bạn.

    PV: Kỳ thi tuyển sinh đại học vừa trôi qua, và cũng như các năm tuyển sinh gần đây, chất lượng đầu vào của sinh viên ngành luật thường không cao, đồng thời những khoa có điểm chuẩn tuyển sinh cao nhất lại không thuộc những trường chuyên đào tạo cử nhân luật. Theo ông, điều đó có liên quan đến việc đội ngũ luật sư đông đảo hiện nay vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu xã hội hay không?

    Trước hết, hãy xem nước ta có đông đảo luật sư hay chưa. Theo thống kê, hiện thời cả nước có khoảng 7,200 người được cấp thẻ hành nghề luật sư. Chia trên dân số thì có chừng 1 luật sư/12,000 người dân, trong khi, tỷ lệ này ở Israel là 1/170 (cao nhất thế giới), Mỹ là 1/265, Nhật Bản là 1/400,Singapore là 1/1000 và Thái Lan là 1/1.526. Như vậy, nếu nhìn vào con số để so sánh thì ta có thể cho rằng rất ít, và như thế dễ dàng kết luận một cách chủ quan rằng nhu cầu xã hội đối với nghề luật sư vô cùng lớn.

    Thực tế có phải vậy không? Dựa vào con số các tổ chức hành nghề luật sư đã đăng ký và theo ước tính của cá nhân tôi, chỉ có khoảng tối đa 60% số luật sư thực sự hành nghề, tức có công việc thường xuyên, và trong số đó, số luật sư cung cấp dịch vụ tốt, có uy tín và thu nhập tương đối cao chỉ chiếm khoảng một nửa là cùng.

    Tại sao như vậy? Hãy so sánh với trường hợp bác sỹ, một nghề cũng chuyên nghiệp và tự do tương tự. Con người ai cũng ốm và nếu ốm là cần bác sỹ, bất kể sống trong một nước giàu hay nghèo và thuộc chế độ chính trị nào, do đó nhu cầu bác sỹ ở đâu và bao giờ thường cao. Nghề luật sư không chỉ gắn với một nhu cầu xã hội ban đầu mang tính hình thức là số lượng các vụ bị xâm phạm quyền hay tranh chấp pháp lý mà người dân vướng phải; nó có cấp thiết cho xã hội và người dân hay không còn phụ thuộc vào việc luật sư có thể giúp gì cho khách hàng của mình nếu được cần đến.

    Có nghĩa rằng, để tiếp cận luật sư người dân trước hết phải tin vào pháp luật và khi được luật sư hỗ trợ, họ phải tìm kiếm được công lý mà mình đòi hỏi. Suy rộng ra, môi trường pháp lý là yếu tố quan trọng và căn bản nhất để xác định xem nhu cầu của xã hội đối với luật sư là cao hay thấp. Sau đó, đương nhiên là các yếu tố thói quen và văn hóa và khả năng chi trả phí dịch vụ. Khía cạnh sau cùng này không kém phần quan trọng, bởi chỉ đối với người nghèo khi có vụ việc rắc rối, họ thường không có lối thoát nào khác là trông cậy vào pháp luật, nhưng chính họ lại ít có khả năng trả tiền cho luật sư nhất.

    Phân tích như vậy để thấy rằng việc số sinh viên học luật có xu hướng giảm trong bối cảnh kinh tế - xã hội đang có sự suy thoái như hiện nay là dễ hiểu. Khác với khoảng hơn mươi năm trước đây, với bùng nổ về kinh tế và sự kỳ vọng tràn trề vào tăng trưởng và việc đất nước hóa rồng hóa hổ, không chỉ là kỷ lục về số lượng mà còn có cả những học sinh tốt nghiệp phổ thông giỏi nhất, tất cả dường như đều muốn thi vào ngành luật. Rất có thể một hiện tượng như vậy lại có cơ hội tái diễn trong tương lai, và tôi nghĩ điều đó là bình thường.

    Trong bối cảnh xã hội Việt Nam hiện nay, không ít sinh viên luật khi tốt nghiệp rất khó để mưu sinh bằng chính nghề nghiệp được đào tạo. Bằng chứng là nhiều bạn trẻ đã phải từ bỏ giấc mơ theo đuổi nghề luật. Ông đánh giá thế nào về thực trạng này và đôi lời khuyên dành cho những sinh viên mới tốt nghiệp thực sự muốn theo đuổi nghề luật sư nói riêng và nghề luật nói chung?

    Về việc khó khăn trong tìm kiếm việc làm trong nghề luật, tôi cho rằng cần xét từ cả hai phía: thị trường lao động và bản thân người tìm việc. Thị trường lao động hiện nay đang xuống đáy, cả khu vực nhà nước và tư nhân, do kinh tế khủng hoảng. Và điều này đúng cho tất cả các ngành nghề, không chỉ lĩnh vực luật. Tuy nhiên, về bản chất, với tư cách là một người làm nghề luật hơn 20 năm, bao gồm cả làm cán bộ nhà nước, nghiên cứu, giảng dạy và làm luật sư, tôi coi trọng hơn các yếu tố chủ quan của những người đã qua đào tạo luật và muốn trở thành luật sư.

    Luật sư luôn luôn là một nghề tự do và chuyên nghiệp, do đó những người đã hoặc muốn trở thành luật sư trước hết cần phải có năng lực tự tìm việc hoặc tạo việc cho mình. Nếu bạn tiếp cận một chủ doanh nghiệp và nói rằng hãy cho tôi một chỗ làm việc thì ở thời điểm như hiện nay, khi rất nhiều doanh nghiệp đang loay hoay để tránh đóng cửa hoặc phá sản, chí ít cũng là cắt giảm lao động thì đương nhiên câu trả lời sẽ là “Không”.

    Tuy nhiên, nếu bạn có khả năng nói rằng “Doanh nghiệp ông đang có vấn đề gì về pháp lý mà tôi có thể hỗ trợ giải quyết?”, thì 99,9% bạn sẽ được tiếp nhận. (Bởi trong bối cảnh “khủng hoảng” này các doanh nghiệp đang có quá nhiều rắc rối về tài chính, pháp lý cần giải quyết). Nói một cách khác, hãy chứng minh bạn là “nhà cung cấp dịch vụ” chứ không đơn giản là “người xin việc”.

    Tuy nhiên, trên thực tế, rất tiếc rằng các cử nhân luật của chúng ta lại không được đào tạo để có các kỹ năng cũng như khả năng nói trên. Lỗi thực sự ở chương trình đào tạo và phương pháp tư duy. Một nghề đòi hỏi sự chủ động, bởi anh sinh ra để giúp người khác giải quyết vấn đề kia mà, trong khi lại khởi đầu bằng một thái độ và thói quen thụ động thì làm sao thành công và kiếm được việc làm?

    Như vậy, lời khuyên đối với các bạn học luật và có tâm huyết với nghề là hãy đừng nản chí, cần học thêm nữa cả về chuyên môn lẫn các vấn đề của cuộc sống hàng ngày, sau đó dẫn thân vào bất cứ công việc gì, có thể ở một doanh nghiệp hay nếu may mắn thì ở một văn phòng luật sư để kiếm sống và trau dồi nghề nghiệp. Bằng cách đó, bạn sẽ trở thành nhà cung cấp dịch vụ mà xã hội luôn luôn cần đến.

    Ngoài chuyên môn giỏi, một người luật sư chắc chắn cần phải có một tinh thần thép, một “bộ não” luôn tỉnh táo, tư duy logic, khả năng phân tích và nhìn nhận vấn đề sắc sảo?

    Đương nhiên là vậy, bởi đó là các yêu cầu về năng lực và kỹ năng tối thiểu của việc hành nghề luật. Người ta vẫn hãy nói đùa rằng nếu bạn không có vấn đề gì mà gặp luật sư thì sau đó sẽ thấy có rất nhiều vấn đề để đau đầu (bởi luật sư là người có khả năng phát hiện ra vấn đề), còn nếu bạn đang có chuyện rắc rối mà gặp luật sư thì sau đó thấy chẳng còn chuyện gì nữa (bởi luật sư là người có khả năng giải quyết vấn đề). Nói thế để thấy rằng người nào có thói quen tư duy đơn giản và dễ thỏa mãn thì chắc chắn không thể làm nghề luật sư thành công được. Nhưng đó cũng vẫn là nguyên lý chung hay “lý thuyết”.

    Thực tế thì để có khả năng tư duy nhiều chiều và sắc sảo trong công việc, không phải là câu chuyện năng khiếu có tính bẩm sinh của một người đâu mà chính là sự đào tạo cộng với quá trình rèn luyện, trải nghiệm và suy ngẫm về các vấn đề mình vấp phải, được nghe thấy hoặc chứng kiến. Óc quan sát của một luật sư cần phải như cái màn hình rada có khả năng quét rộng, để không bỏ sót bất cứ cái gì mà mình thấy cần quan tâm cho công việc. Ngoài ra, hãy cần học nhiều từ các chuyên ngành liên quan và từ cuộc sống.

    Nếu bạn muốn là luật sư của doanh nghiệp mà không hiểu kinh doanh, ít nhất về nguyên lý, chưa nói là phải biết và “khôn” hơn cả người quản lý doanh nghiệp nữa, hay ít ra phải thể hiện được như vậy, thì ai sẽ sẵn lòng thuê bạn làm tư vấn và trả tiền ? Đáng tiếc rằng, hệ thống đào tạo luật của chúng ta đang bắt đầu bằng các học sinh tốt nghiệp phổ thông, vốn chưa từng trải nghiệm gì cả.

    Tiếp sau đó, rất nhiều thày dạy luật lại cũng chưa từng làm gì khác ngoài học luật và sau đó đi dạy chính cái điều mình đã học chứ không phải cái mà mình biết, minh hiểu và mình tin. Nếu không hiểu cuộc sống, hiểu đời và hiểu người, bạn sẽ không thể hiểu được bản chất của các điều luật, để rồi sau đó có thể giúp gì nữa cho người và cho đời (!?).

    Nói đến “cái Tâm” của người luật sư, nên chăng là một người xử lý các vấn đề của thân chủ mình ngay cả hậu quả của vấn đề đó hay thuyết phục được các khách hàng rằng họ đang có rủi ro về pháp lý, tìm ra được các rủi ro pháp lý có thể xảy ra với thân chủ mình?

    Câu chuyện về “cái Tâm” luôn luôn hay vì nó cần cho tất cả ai muốn sống và làm việc tử tế. Cái Tâm trong nghề luật, như tôi đã từng chia sẻ với nhiều bạn luật sư trẻ, chính là lòng trắc ẩn. Lòng trắc ẩn cần phải có trong bạn, hình thành từ tấm bé, rằng bạn luôn luôn quan tâm đến người khác, không phải là hạnh phúc mà là nỗi đau của họ, những rắc rối và phiền toái, và trên nữa là bất công mà họ phải gánh chịu. Chính vì sự trắc ẩn với con người và thân phận của họ, bạn sẽ tự nguyện lựa chọn nghề luật như là một giải pháp để đưa con người tiếp cận công lý, nếu đó là điều họ đòi hỏi.

    Theo đuổi nghề luật là sự dấn thân vào sự nghiệp đấu tranh cho lẽ phải và công bằng. Và đó, rất tiếc rằng, sẽ chính là nỗi khổ và sự thiệt thòi, nếu có mà bạn phải chịu đựng. Đơn giản nhất là bởi vì bạn không dứt được hay ngủ ngon giấc nếu các rắc rối của khách hàng vẫn chưa được giải quyết; phức tạp hơn là các phiền toái do bị gây sức ép bởi các đối tượng liên quan nào đó muốn bạn bóp méo sự thật và đi chệch con đường công lý.    

    Tôi không thấy có luật sư nào thành đạt và có uy tín xã hội mà không phải là người có tâm lớn. Đó cũng chính là niềm tự hào hay vinh quang của nghề luật. Bởi thế, luật sư cũng như bác sỹ, nhà giáo, xưa nay vốn là những nghề được người đời nể trọng.

    Khi các vấn đề về dân chủ và quyền lợi cơ bản của con người ngày càng được người dân và giới trẻ nhận thức một cách sâu sắc, theo ông, nghề luật sư có thể giúp được họ những gì trong việc đảm bảo mọi người bình đẳng như nhau về mọi quyền lợi và nghĩa vụ?

    Theo tôi, nghề luật sư dường như không thể tách rời chính trị, hiểu theo nghĩa không phải là đời sống chính quyền hay sự nghiệp quan trường, mà là bảo vệ các quyền công dân và con người. Cũng có nhiều luật sư thành đạt bằng việc kiếm tiền giỏi có quan điểm ngược lại, với tôi đó là tầm thường hóa nghề luật. Tuy nhiên, nghề luật sư lại cần sự tỉnh táo và sáng suốt để sử dụng các công cụ pháp lý cho mục tiêu công việc mà không sa vào các tình huống mà trong đó bản thân hay công việc của mình bị chính trị hóa. Ranh giới đó mỏng manh và nhiều khi cần tới cả nghệ thuật ứng xử.

    Dù sao trên thực tế đất nước ta, đội ngũ luật sư hiện thời đã và đang đóng góp rất tích cực vào quá trình dân chủ hóa đời sống xã hội, xử lý các tranh chấp và vi phạm pháp luật, qua đó bảo vệ được kỷ cương pháp luật và các quyền cơ bản và lợi ích chính đáng của người dân. Cũng có thể nói một cách hình ảnh rằng, nhìn từ bình diện hội nhập hóa nền kinh tế với thế giới bên ngoài, nếu trong thời chiến, chúng ta cần bộ đội để bảo vệ chủ quyền quốc gia thì trong thời bình, chính luật sư là các chiến sỹ bảo vệ chủ quyền và lợi ích kinh tế của đất nước.     

    PV: Trong quá trình hội nhập hiện nay, nhiều người cho rằng ngoại ngữ là kỹ năng còn yếu nhất của phần lớn đội ngũ luật sư Việt Nam? Ông nhận thấy quan điểm này thế nào?

    Tôi không có thông tin chính xác về số lượng các luật sư thành thạo ngoại ngữ (đặc biệt tiếng Anh) để sử dụng cho công việc của họ nhưng tin rằng con số đó là rất nhỏ. Thậm chí ở một hội thảo có người còn nói rằng số luật sư Việt Nam có khả năng tương tác quốc tế, tức có thể làm việc với đồng nghiệp nước ngoài, tham gia đàm phán hay tranh tụng quốc tế, ước chừng chỉ 20 người. Nói vậy, có thể hơi quá, nhưng có hàm ý đúng ở khía cạnh rằng giỏi ngoại ngữ không đồng nghĩa với khả năng tương tác nghề nghiệp quốc tế. Về cơ bản, có thể nói rằng Việt Nam đang rất thiếu các luật sư được đào tạo quốc tế và đạt tới trình độ được các đồng nghiệp nước ngoài công nhận. Ngoài việc được học ở nước ngoài, anh còn cần có thời gian cùng làm việc với các luật sư quốc tế nữa để xâm nhập sâu vào các kỹ năng nghề nghiệp theo các tiêu chuẩn quốc tế. Và đó là một yêu cầu rất khó đối với số đông các luật sư hiện nay.

    Tuy nhiên, học ngoại ngữ sẽ là bước đi đầu tiên, bởi trước hết, trong hoàn cảnh nền khoa học pháp lý kém phát triển như ở nước ta, nếu thiếu ngoại ngữ, các sinh viên luật sẽ không thể tiếp cận các tài liệu và giáo trình của các nền luật pháp tiên tiến vốn dễ kiếm được nhưng lại phải đọc bằng tiếng nước ngoài. Và như vậy, không chỉ khả năng giao tiếp mà kiến thức của bạn cũng sẽ bị giới hạn, thậm chí tụt hậu.

    Rất tiếc rằng hạn chế này đối với các sinh viên luật dường như vẫn chưa có hướng khắc phục cơ bản. Phải chăng, có một lý do là chính các thầy dạy luật cũng đang còn yếu về ngoại ngữ, và như thế, học trò khó có điều kiện để khá hơn.

    Trên thực tế, vì số lượng luật sư Việt Nam được “quốc tế hóa” còn ít, họ vẫn đã và đang tạo ra một nhóm “đặc quyền” có cương vị nghề nghiệp khá tốt với thu nhập cao, chủ yếu hoạt động trong khu vực đầu tư và doanh nghiệp. Trong khi đó, các luật sư khác giàu kinh nghiệm nhưng không thành thạo ngoại ngữ, thường hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực tranh tụng hình sự hoặc dân sự./.

    PV: Xin cảm ơn ông về buổi trò chuyện!

    Đôi nét về Luật sư Nguyễn Tiến Lập: Ông tốt nghiệp Đại học Luật ở Đức. Ông có 7 năm làm việc tại Bộ Tư pháp trước khi chính thức hành nghề luật sư vào năm 1993. Đã từng tham gia thành lập một trong những công ty luật đầu tiên ở Việt Nam là Investconsult Legal Services, là Phó Tổng Giám đốc và Phó Chủ tịch Nhóm các công ty tư vấn đầu tư và sở hữu trí tuệ Investconsult Group, và hiện là thành viên sở hữu của Văn phòng Luật sư NHQuang và Công sự và Chủ tịch Công ty tư vấn Viet-Pro Consultants.

    Ngoài hành nghề luật, luật sư Lập đã từng là giảng viên bộ môn Luật Kinh tế nhiều năm của Khoa Luật Đại học quốc gia Hà Nội và hiện đang giảng dạy bộ môn Môi trường pháp lý kinh doanh của Đại học Anh Quốc tại Việt Nam, đồng thời làm Trưởng Nhóm và/hoặc chuyên gia của nhiều dự án nghiên cứu cải cách pháp luật Việt Nam do các tổ chức quốc tế tài trợ.

    Với nghề luật nói riêng, luật sư Nguyễn Tiến Lập thuộc thế hệ đầu tiên của các luật sư Việt Nam cộng tác với luật sư của các hãng luật quốc tế hàng đầu như Baker & McKenzie, Clifford Chance, Freshfields và Coudert Brothers trong việc tư vấn cho các dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

    Nguồn: Dantri.com 

     

    Cập nhật bởi Khongtheyeuemhon ngày 30/01/2013 02:27:29 CH

    Có những lúc anh mơ được gặp lại em lúc ban đầu...

     
    15414 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận
  • #244299   18/02/2013

    danusa
    danusa
    Top 25
    Female
    Cao Đẳng

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:12/07/2008
    Tổng số bài viết (2776)
    Số điểm: 32598
    Cảm ơn: 943
    Được cảm ơn 1127 lần


    Nghề luật sư trước đây được gọi "thầy cãi" có chữ "thầy" thì nghĩa là thể hiện sự tôn trọng như "thầy thuốc".

    Nhưng trong thời buổi kinh tế vì vật chất, vì tiền bạc thì không biết chữ "thầy" liệu có còn giữ được.

    Một vấn đề nữa đó là niềm tự hào khi được làm luật sư, không biết các bạn thấy sao nhưng khi tôi tiếp xúc với các luật sư tại các quốc gia nổi tiếng về đào tạo các chức danh tư pháp và luật sư như Mỹ, Anh, SIngapore... tôi thấy họ có vẻ rất khác luật sư tại Việt Nam.

    Họ thể hiện uy quyền, phong thái của một viên chức cấp cao, họ được gọi là "ngài", công việc họ làm, mỗi lời họ nói làm cho ai cũng phải thán phục và tin tưởng.

    Còn tại Việt Nam, nhiều lúc luật sư tư vấn cho khách hàng, khách hàng liền thể hiện ngay sự nghi ngờ dù đó là luật sư tư vấn lâu năm của họ, ngay cả tại phiên tòa vị thế của luật sư cũng dường như bị lép vế trong những phiên tòa hình sự.

    Không biết mọi người nghĩ sao? Các luật sư, những người đang và sẽ cần đến sự hỗ trợ của luật sư và các bạn luật sư tương lai...

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn danusa vì bài viết hữu ích
    Khongtheyeuemhon (19/02/2013)
  • #366476   07/01/2015

    Khongtheyeuemhon
    Khongtheyeuemhon
    Top 100
    Male
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/05/2010
    Tổng số bài viết (772)
    Số điểm: 9636
    Cảm ơn: 691
    Được cảm ơn 816 lần


    Thêm một tâm tình của người trong cuộc về Nghề Luật sư: 

    Khi nền kinh tế chuyển đổi thì vấn đề đào tạo nhân lực để đáp ứng cho công việc trở nên cấp bách hơn bao giờ hết. Người sử dụng lao động không chú ý nhiều đến tấm bằng đỏ hay trung bình mà cần nhất là sinh viên ra trường có làm được việc hay không. Bởi nhiều bạn với kết quả học xuất sắc nhưng ra trường không bắt nhịp được với công việc nên không đáp ứng được yêu cầu của nhà quản lý. Điều đó không phải tôi mà các nhà quản lý lao động cùng thừa nhận vì họ cần người làm đem lại lợi nhuận cho họ chứ không như cơ chế Nhà nước( dù giỏi dù dốt vẫn cứ đến tháng lĩnh lương, cứ đến hẹn là lên lương). Sự thật đó là một đòi hỏi rất ngặt nghèo cho ai nhìn xa trông rộng khi còn ngồi trên giảng đường cũng như các bậc phụ huynh khi cho con học, con thi, con chọn trường. Hãy trả lời câu hỏi : học ở đâu, học như thế nào, học để làm ở đâu, làm gì và làm như thế nào để có cuộc sống ổn đinh ngay sau khi tốt nghiệp….
    Khi chọn ngành luật, các em học sinh thường chỉ nghĩ đến học luật là để làm luật sư, nhưng thực tế các em có thể làm được rất nhiều nghề khác như: thẩm phán, kiểm sát viên, công an, công chứng viên, thừa phát lại, thi hành án, chuyên viên pháp luật, hành chính nhân sự, thậm chí làm cả nghề kinh doanh…
    Trong số các nghề trên, có thể nói nghề luật sư là “khó khăn” nhất. Cái nghề mà phải vượt qua đến 5 lần thi đầu vào, đầu ra cho hơn 4 năm đại học, 1 năm nghiệp vụ, 1 năm tập sự mới có thể trở thành luật sư. Nếu tính cả thời gian chờ đợi thủ tục, nhanh nhất chắc cũng phải mất khoảng 7 năm tính từ khi vào đại học, bạn mới chính thức hành nghề luật sư được.
    Với nội dụng chương trình và cách thức đào tạo và tập sự hành nghề luật sư hiện nay, với nhiều năm làm hướng dẫn tân sinh viên thực tập, tập sự luật sư, tôi nhận thấy, sau 7 năm học và tập sự, các tân luật sư chưa thể hành nghề một cách độc lập và tự tin được.  Ngoại trừ số hiếm các luật sư được “thăng” ngang từ các ngành tố tụng khác như tòa án, viện kiểm sát hoặc công an.
    Khó khăn là vậy, mà thu nhập của luật sư chủ yếu do chính năng lực của mình tạo ra, anh giỏi thì có thu nhập cao và ngược lại, nhưng mặt bằng chung là thấp. Để có thu nhập cao, trước hết luật sư đó phải giỏi, giỏi ở đây không chỉ dừng lại ở góc độ chuyên môn mà anh cần phải có tố chất, bản lĩnh, đầy đủ kỹ năng của một người luật sư. Rất nhiều người đã trở thành luật sư, nhưng không tạo ra được thu nhập, nhìn lại mới thấy mình không phù hợp, nên đành phải chuyển nghề… và họ vẫn giữ cái mác luật sư cho oai!? (không ít các tổ chức hành nghề luật sư chỉ có “một mình một ngựa “không nuôi nổi 1 thư ký giúp việc trong khi cái cô chủ quán gội đầu cũng có dăm ba nhân viên… )
    Luật sư giỏi, theo cách hiểu tiêu cực, là luật sư biết quan hệ, chạy chọt để thắng án, đó là cách hiểu sai lệch nghiêm trọng về nghề này. Có những luật sư họ không làm án, tức không tham gia bảo vệ, bào chữa tại tòa án, nhưng thu nhập của họ cũng cả nghìn, thậm chí cả chục nghìn USD một tháng, đó là những luật sư chỉ chuyên về tư vấn, chạy án. Còn những luật sư làm án hay còn gọi là luật sư tranh tụng chỉ hành nghề bằng năng lực, bản lĩnh, trí tuệ của mình, bất chấp tiêu cực khiến các cơ quan tố tụng phải nể trọng. 
    Thành công của luật sư trong một vụ án không phải đánh giá trên kết quả thắng – thua, mà là bản lĩnh, trách nhiệm và sự sắc bén của luật sư trong vụ án đó. Vì cái nghề, không phải lúc nào luật sư cũng bảo vệ cái đúng mà còn phải có trách nhiệm bảo vệ cả cái sai, bảo vệ cái sai không phải là sai, mà là bảo vệ cái đúng, cái phù hợp trong cái sai để giảm thiệt hại do cái sai gây ra.

    Hội tụ nhiều kiến thức...
    Đối với những vụ án, luật sư đứng về cái đúng nhưng vẫn thua, nhưng cái thua không phải do lỗi chủ quan của luật sư, mà do các yếu tố khách quan hoặc chủ quan của người có quyền quyết định vụ án đó, tất nhiên là tôi không đề cập đến những luật sư thiếu kinh nghiệm và trách nhiệm. Trong trường hợp này, ngoại trừ có lỗ hổng trong các quy định của pháp luật, còn lại nếu đi đến cùng của vụ án, cái đúng sẽ thuộc về cái đúng, đó là chân lý.
     
    Để theo nghề luật sư, điều đầu tiên bạn cần lưu ý, ngoại hình và phong cách bên ngoài của mình có phù hợp không, kế đến bạn suy nghĩ xem mình có đủ đam mê, nhiệt huyết về nghề này không, sau nữa bạn cần xem xét mình có các kỹ năng và điều kiện vật chất mà mà một luật sư cần có không?( 4 năm học luật, 3 năm học nghiệp vụ,tập sự luật sư chưa thể nuôi nổi bản thân nên cần có sự đầu tư về kinh phí trợ giúp của gia đình người thân để theo đuổi nghề - Sẽ là nguy hiểm khi đi học việc làm việc quá lo cho cuộc sống thường ngày để nóng vội, để thiếu yên tâm học việc, làm việc bởi học nghề mà muốn đốt cháy giai đoạn ra nghề sớm sẽ chết yểu. Chưa hết, học hành khó khăn tốn kém là vậy đến khi có  đươc chứng chỉ hành nghề luật sư phải xin ra nhập vào một Đoàn luật sư với một khoản đóng góp không hề nhỏ ( Vào đoàn Luật sư Hà Nội phải nộp 10 triệu đây là số tiền không hề nhỏ nếu không nói là quá lớn đối với sinh viên  Luật  tự lập sau 7 năm đèn sách)

    Luật sư cần một vẻ ngoài phong cách chững chạc, cứng cỏi, điềm đạm, lịch thiệp, có ngoại hình thì càng tốt. Vì cái khó khăn, gian khổ của nghề nên đòi hỏi bạn cần phải có sự đam mê, tâm huyết và quyết tâm để theo nghề. Nghề luật sư cần rất nhiều kỹ năng, trong đó kỹ năng viết và kỹ năng nói có vai trò quan trọng nhất. Và cuối cùng là kiến thức, ngoài kiến thức chuyên môn vững chãi, bạn cần phải trang bị cho mình nhiều kiến thức tổng hợp khác như kinh tế, khoa học, xã hội, tâm lý, y khoa, ngoại ngữ, vi tính để phục vụ cho nghề của mình. Nếu bạn có đầy đủ các yếu tố trên bạn đã cấu thành một luật sư giỏi .

    Các em sinh viên luật đam mê trở thành luật sư có những yếu tố hội đủ như trên phân tích cần làm gì khi học ở giảng đường và sau khi tôt nghiệp.
    - Khi còn ở trường: cần xác định rõ mục tiêu, yêu cầu, thực trạng  đạo tạo nhìn nhận đào tạo đại học ở Việt Nam còn mang nặng lý thuyết nên ngoài học ở giảng đường các em cần đọc nhiều sách báo viết về pháp luật, tích lũy kiến thức kinh nghiệm qua internet, qua bạn bè người thân. Rèn luyện kỹ năng viết, kỹ năng nói, kỹ năng giao tiếp.  đến năm thứ 3 nên tìm đến các văn phòng luật sư công ty luật… để học việc ( cần tìm hiểu và tiếp cận nơi nào có tâm truyền nghề cho thế hệ sau tránh bị lợi dụng sinh viên – nguôn nhân lực không phải trả tiền khi học việc). Hiện nay luật sư giỏi ngoại ngữ rất ít nên nhiều sinh viên đầu tư học ngoại ngữ để hy vọng có cơ hội kiếm việc sau khi ra trường cũng cần cân nhắc ( về lý thuyết hoc Ngoại ngữ không thừa nhưng cần biết khả năng của minh, cơ hội tiếp cận sau khi ra trường…bởi học trong nước, con em nông thôn khó có điều kiên so sánh với sinh viên luật học ở nước ngoài, hay thành phố lớn.)
    - Khi ra trường các em mong ước trỏ thành luật sư rất cần một tổ chức hành nghề phù hợp với năng lực sở trường của mình và cần lắm một người thầy đúng nghĩa dìu dắt kèm cặp giúp đỡ. Các em cần kiên trì bình tĩnh đúc rút kiến thức kinh nghiệm, không vội đi vào chuyên sâu một lĩnh vức mà cần học hỏi nhiều lĩnh vực để hình dung công việc của luật sư làm gì làm như thế nào. Cần trau dồi đạo đức nghề nghiệp không nên quá đề cao đồng tiền, tìm kiếm đồng tiền chính đáng bằng sức lao động chân chính của mình. cần mở rộng quan hệ với các chuyên gia, các chức danh Tư pháp để nâng cao kiến thức, học hỏi kinh nghiêm của họ .Nhanh chóng tìm cách cho mình một hướng đi, một quyết tâm sau vài năm lặn lội thực tiễn…

    Có một câu chuyện có thực 100% với tôi về kinh nghiệm, thực tiễn và sự so sánh mà các bạn cần ngẫm nghĩ: Quyết định bỏ Nhà Nước sau gần 30 năm công tác thăng trầm cả về công việc cả về đời tư tôi ra Hà Nội để theo nghề luật sư hy vọng “đổi đời”, tôi phải đi làm thuê cho 4 văn phòng luật sư mỗi nơi tôi làm 6 tháng, lương lậu tôi không dám đòi hỏi mặc cả vì mình cần kinh nghiệm cần có cái để thực hành. Khi đó tôi phải đi ở nhờ luật sư Ngô Ngọc Thủy (ở khu nhà vườn anh nuôi thú và trồng cây cảnh ở xã  Xuân Đỉnh, Từ Liêm trông nhà cho anh luôn ). Với tình cảm quê hương lúc khó khăn, anh vui vẻ nhận lời giúp tôi chỗ ở và công việc, Anh đưa tôi đi từ nhà lên đường Bưởi chạy băng băng đi vòng vèo rẽ ngõ này ngõ nọ rồi đến khu vườn rông gần 1000m2 ở giữa làng , tôi chạy xe máy theo cứ nghĩ sao anh Thủy giỏi vậy đường ngoắt nghéo thế mà đi vèo vèo không quên… còn tôi đi 2, 3 lần vẫn phải hỏi mãi mới tới nhà ...
    Sao mình kém thê !? mãi sau tôi nghĩ ra rằng anh Thủy chẳng hơn gì mình,còn mình đâu kém gì chỉ vì mình đi ít con anh đi nhiều sẽ nhớ !!!
    Vậy nên các bạn đừng choáng ngợp khi thấy các luật sư đi trước giỏi thế , mình ngu thế…hãy làm nhiều không ngại khó khăn, lao vào thực tế … kinh nghiệm sẽ đến, sẽ có với bạn … và giỏi lúc nào không hay. Cuộc sống công việc luôn công bằng và luôn mỉm cười với ai tìm đến nó, kiên trì tìm đến nó !!!
    Qua bài viết này tôi muốn gửi đến các em sinh viên luật, các bậc phụ huynh một chút chia sẻ của người đã từng đắn đo thi cử học hành làm việc nhiều trường nhiều nghề .. và gắn bó tâm huyết với nghề luật và cũng “tình cờ” trở thành luật sư. Chúng ta cần tự đánh giá mình để quyết định đúng sở thích, sở trường và tương lai nghề nghiệp không nên “nửa chừng xuân”.

    Bài viết bởi: Luật sư Trần Xuân Tiền - Trưởng Vpls Đồng Đội

    website: http://dongdoilaw.vn

     

    Có những lúc anh mơ được gặp lại em lúc ban đầu...

     
    Báo quản trị |  
    1 thành viên cảm ơn Khongtheyeuemhon vì bài viết hữu ích
    trinhmonhon (14/03/2015)
  • #384127   20/05/2015

    Khongtheyeuemhon
    Khongtheyeuemhon
    Top 100
    Male
    Lớp 7

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:19/05/2010
    Tổng số bài viết (772)
    Số điểm: 9636
    Cảm ơn: 691
    Được cảm ơn 816 lần


    • Luật sư Nguyễn Ngọc Bích:

    • LS. NGUYỄN NGỌC BÍCH – Đoàn Luật sư TPHCM

      Tôi viết bài này cho các bạn đang tập sự (Luật sư tập sự – Civillawinfor), để bạn biết mình đang ở mức độ nào trong nghề nghiệp của mình và biết phải trau dồi thêm về mặt nào trong 18 tháng “vác củi” này. Công việc của luật sư là vận dụng luật để tư vấn hay bào chữa; nhưng để làm được việc đó bạn phải đi qua hai bước là biết và hiểu luật. Vậy ta sẽ đi từ đầu.

    • Tuesday, 21 October 2014, 03:29:28 PM
    • I. Biết điều “bí mật” của luật pháp

      Mục đích chính của luật pháp là duy trì trật tự xã hội theo một đường lối chính trị nào đó (thể chế chính trị) để cho mọi người sống an tâm. Trong tâm lý của mình, con người cần sự an tâm để sống và làm việc cho ngày hôm nay; lo toan cho ngày mai và tạo dựng tài sản để sử dụng cho mình bây giờ và cho con cái sau này. Các nhu cầu ấy của họ phải được bảo vệ. Và luật pháp làm việc đó. Để làm, nó có một cách làm hay có một kỹ thuật, và kỹ thuật này được các nhà soạn thảo luật sử dụng khi soạn luật.

      Kỹ thuật kia, đối với một số bạn, nó là còn là một bí mật; vì nó có đấy nhưng các bạn chưa để ý! Còn các vị đàn anh của các bạn thì họ biết nó rõ như biết bàn tay của mình (không phải là biết vân tay đâu!)

      Khi đọc một văn bản quy phạm pháp luật, ta thấy chúng thường bắt đầu bằng phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng. Phạm vi là các vấn đề, sự việc, công việc… mà luật điều chỉnh; còn đối tượng là người thực hiện các công việc đó và luật cũng chi phối họ luôn. Đó là hai kỹ thuật mà luật sử dụng. Biết chúng bạn sẽ hành nghề dễ dàng. Và đó là “biết luật”.  Ta đi vào từng cái.

      A. Ấn định trách nhiệm

      Khi sống thì con người, chậu hoa, con chó hay cái xe… đều có thể gây thiệt hại cho người khác. Vì thế, luật pháp phải ấn định trách nhiệm cho mỗi thứ ấy. Trách nhiệm sẽ buộc anh A phải đền cho anh B, khi làm B bị thiệt hại, và mục đích của đòi hỏi ấy là lập lại trật tự đã bị vi phạm.

      Thí dụ, bạn – là B – đang quét sân trước cửa nhà mình, thì gió thổi làm cho chậu hoa của người hàng xóm – là A – rơi vào đầu bạn. Bạn bị chảy máu đầu rồi thấy nhức đầu. Trước lúc chậu hoa rơi, bạn lành lặn, không đau đớn chỗ nào. Đấy là trật tự đã có. Khi chậu hoa rơi vào đầu bạn thì trật tự kia đã bị vi phạm. Vậy ông A phải đền tiền cho bạn để đi khâu chỗ da bị rách; uống thuốc cho hết đau…; nghĩa là lập lại cái trật tự đã bị vi phạm. Trách nhiệm của A được luật gọi là trách nhiệm dân sự. Đến đây, bạn sẽ bảo tôi: “Cái này tôi biết thừa rồi!” Tôi nhắc nó lại ở đây để bạn nhớ trách nhiệm là gì, nó phục vụ ai và mục đích gì. Tôi đã thấy câu “chịu trách nhiệm trước pháp luật” ở mẫu hợp đồng công chứng (dân sự) nên nhân thể nhắc các bạn đừng phạm như người đứng ra làm… mẫu cho ta.

      Trên cuộc đời này có nhiều trật tự lắm và chúng nằm trong những lãnh vực khác nhau. Thí dụ, trật tự trong buôn bán, thuê nhà, làm việc, vay mượn tiền, sử dụng điện thoại, đầu tư, môi trường… Mỗi việc đó được luật gọi là hành vi bị điều chỉnh; nhưng nó là một giao dịch trong cuộc sống hàng ngày. Và ta sẽ gọi nó như thế. Trong sách vở, giao dịch được gọi là quan hệ xã hội, mối tương quan pháp lý… Tuy ba nhưng mà một. Khi nói chuyện với khách, bạn phải thoát khỏi sách vở để nói cho họ dễ hiểu. Bạn không thoát được sách vở thì bạn chưa biết luật! Và sợ nói sai.

      Trong mỗi giao dịch có ít ra hai người can dự, và người nọ có thể gây thiệt hại cho người kia. Để mỗi giao dịch diễn biến suôn sẻ, đạt được mục đích của các bên; luật quy định nội dung giao dịch (gọi là hành vi điều chỉnh) và mỗi bên can dự phải làm gì (đối tượng điều chỉnh). Chuyển ra thực tế thì khi một bên làm, bên kia được hưởng; vậy bên làm có trách nhiệm, còn bên hưởng có quyền lợi; cả hai bên đều có những trách nhiệm và những quyền lợi nhất định. Ai không thực hiện trách nhiệm của mình thì người ấy làm thiệt hại người kia. Thí dụ, trong hợp đồng mua bán tài sản, bên mua không trả tiền thì  bên bán bị thiệt hại. Và trong thực tế bạn biết người sau sẽ làm gì. Luật pháp từ chữ nghĩa chuyển sang thực tế là như thế. Bạn cần nhớ “cặp đôi” này vì nó là bước đầu để vận dụng luật pháp.

      Luật ấn định đối tượng điều chỉnh tức là định ra người thực hiện giao dịch. Từ đó – trong thực tế – mỗi người có một “tư cách”. Và ở trong mỗi tư cách, người ta có trách nhiệm lẫn quyền lợi. Bạn nhớ, trách nhiệm của người này tạo nên quyền lợi cho người kia. Ấn định “tư cách” là một kỹ thuật của luật pháp.

      Danh từ “tư cách” trong luật khác ý nghĩa với “tư cách” trong luân lý. Cái trước là vị trí của mỗi người trong một giao dịch; cái sau là cách thức cư xử hay hành vi của một người nhất định (có triết gia gọi là cử thái, tiếng Anh là “behavior”). Tư cách theo nghĩa luân lý cho biết một người nào đó có đàng hoàng, đứng đắn hay không. Thí dụ như bạn nói “Ông ấy có tư cách”. Thế nhưng cũng nói câu y chang trong lãnh vực luật pháp thì nó có ý nghĩa ông ấy ở trong một vị trí nhất định và có quyền lợi và nghĩa vụ phù hợp. Khi học ở trường luật, tư cách của một người được gọi là “địa vị pháp lý”. Từ ngữ này cho thấy bạn đứng từ ngoài và nói về một người khác không dính dáng gì tới bạn.
      Khi hành nghề ta phải đi tìm tư cách của khách hàng mình trong giao dịch liên quan, để xác định trách nhiệm rồi quyền lợi của họ. Đó là “lợi ích hợp pháp” của họ mà họ thuê bạn… bảo vệ. Bạn dùng danh từ “tư cách” thì  dễ nhập vào làm một với họ trong suy nghĩ của mình.

      B. Quy định giao dịch

      Giao dịch xuất phát từ hai nguồn gốc. Một là sinh hoạt tự nhiên của dân chúng trong xã hội như buôn bán, làm nhà, chơi hụi, sinh con đẻ cái. Hai là những hoạt động do luật pháp đặt ra hay thiết lập vì chúng cần thiết cho sinh hoạt của xã hội, nhưng chưa tồn tại, hay chỉ mới manh nha trong thực tế. Thí dụ, trước năm 1987, ở ta không có người nước ngoài đầu tư; sau đó Quốc hội ban hành Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và lập ra công ty liên doanh. Sau này luật thiết lập thị trường chứng khoán rồi sàn giao dịch bất động sản…

      Về các sinh hoạt tự nhiên vốn đã có từ lâu trong đời sống xã hội, thì luật pháp “điều chỉnh” chúng; nghĩa là luật xác định chúng; bằng cách định nghĩa chúng là gì, thực hiện thế nào; các bên liên quan làm gì, trách nhiệm ra sao… Thí dụ Bộ Luật Dân sự năm 1995 của ta (LDS).

      Đối với các giao dịch chưa có hay mới manh nha xuất hiện trong đời sống xã hội, thì luật đặt ra chúng rồi điều chỉnh chúng giống như các hoạt động đã có sẵn. Tuy nhiên, trong trường hợp này luật thường dễ thay đổi để cho phù hợp với cuộc sống hơn, hay để đáp ứng với các điều kiện mới.

      Luật xác định hay đặt ra các giao dịch theo nhu cầu của cuộc sống; nhưng các luật gia luật phân loại chúng thành quy phạm, chế định, ngành luật tạo để nên hệ thống luật, hầu giúp chúng ta dễ nhớ khi học.

      Tóm lại, hai kỹ thuật luật pháp sử dụng là đặt ra các giao dịch, rồi ấn định tư cách của các người thực hiện giao dịch đó. Và đó là chữ nghĩa.

      C. Luật đi vào cuộc sống

      Trong cuộc sống hàng ngày mỗi người có nhiều tư cách. Thí dụ, ở nhà với bố mẹ, ông A là con (Luật Hôn nhân gia đình; quan hệ huyết thống); đến trường dạy học ông ta là thầy giáo, hiệu trưởng (Luật Giáo dục, quan hệ hành chính); ra chợ mua hàng thì là người mua (Luật Dân sự – quan hệ mua bán). Luật gọi là các bên; nhưng khi vận dụng luật ta phải chuyển mỗi bên thành một “tư cách”. Thí dụ, đọc thấy bên mua (hay Bên A) trong hợp đồng mua bán, thì bạn phải đổi họ thành “người mua”, hay “người bán. Như vậy, là khám phá ra “bí mật” của luật pháp!  Tất nhiên, bạn có thể nói: “Tôi gọi là bên mua, bên bán; còn ông gọi là người mua, người bán, thế thì có khác gì nhau?” Tất nhiên là không, nhưng nếu có nhiều bên khác tham gia thì tiếng “bên” sẽ dễ làm bạn lẫn lộn trong suy nghĩ, và không nhận ra ngay bổn phận và quyền lợi của mỗi người.  Luật sư phải suy nghĩ rạch ròi.

      Trong thí dụ chậu hoa rơi, bạn là chủ nhà, mua chậu hoa về để trên ban công lúc chiều, đến đêm nó rơi vào đầu ông hàng xóm. Ở đây, khi đứng ở vị trí của chậu hoa kia mà nói, bạn là “ông chủ chậu hoa”. Bạn không còn là “ông chủ nhà”! Phải là chủ chậu hoa thì mới bắt bạn đền được; còn nếu nói bạn là “chủ nhà” thì bạn sẽ chối ngay “tôi chẳng dính dáng gì đến chậu hoa cả!” Khi là “chủ chậu hoa” thì lúc đền, tư cách của bạn thành “người gây thiệt hại” và phải bồi thường cho nạn nhân. Bạn thấy không, chỉ trong một hoàn cảnh đơn giản như vậy, bạn có ba tư cách; mỗi tư cách làm cho bạn có nghĩa vụ và quyền lợi khác nhau. Việc bồi thường của bạn được quy định trong LDS về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Luật của Pháp gọi là lỗi (faute); luật Anh, Mỹ gọi là lầm lẫn (tort) hay công bằng (equity). “Tư cách” là cái mối rối nhất của một cuộn dây dài bị rối. Gỡ nó ra được thì gỡ cuộn dây rối được. Gỡ cuộn dây là giải quyết một sự tranh chấp.

      Như đã đề cập, mỗi giao dịch trong cuộc sống thì sách vở gọi là quan hệ xã hội. Gọi như thế là để trừu tượng hóa các loại giao dịch thành một. Tương tự, nó cũng được gọi là “quan hệ pháp lý” hay “tương quan pháp lý”.

      Nói “quan hệ pháp lý”, “pháp lý”… nhiều người dễ nghĩ đến tính chất long trọng của nó; thực ra nó chỉ là một sự việc, một vấn đề được luật quy định và bị buộc phải tuân theo. Tuân thủ luật pháp không phải vì nó là luật pháp, mà vì cái mục đích mà luật muốn phục vụ. Tôi xin mở rộng điểm này một tí để chúng ta không còn bị “hỏa mù” về “tính pháp lý”. Các bạn bằng lòng chứ?

      Khi nghe ai nói Luật Thừa kế quy định về các điều kiện hình thức và nội dung của bản di chúc để cho nó có giá trị pháp lý, không được sai sót. Nghe thế, ta thường sợ vì là “pháp lý”! Hãy khoan! Ta đặt câu hỏi: “Có giá trị với ai?” “Có phải với cơ quan chính quyền hay tòa án?” Thoạt nghĩ, bạn sẽ bảo ”với tòa án”, với “luật pháp”. Nghĩ kỹ hơn thì không phải vậy. Luật pháp hay tòa án có tranh chấp di sản với người thừa kế đâu; mà chính là các người kia với nhau và họ đem nhau ra tòa đấy chứ.  Bên bảo “di chúc không có giá trị”; bên nói “có chứ”. Thực sự họ tranh chấp nhau về tài sản thừa kế; còn hình thức di chúc chỉ là cái cớ. Vậy tòa án phải quyết định hình thức di chúc đúng hay sai? Nhìn ra trước các sự tranh chấp kia, luật quy định các điều kiện của di chúc. Cứ soạn đúng như thế  thì khỏi cãi nhau!  Suy ra, “giá trị pháp lý của bản di chúc” là loại bỏ tranh chấp.

      Nhấn mạnh tính pháp lý của tờ di chúc vì tính chất long trọng của nó là chưa hiểu luật. Các quan chức hành chánh thường làm như thế. Là luật sư bạn cần nắm rõ vấn đề. Nếu các thừa kế nhìn nhận bản di chúc là ý muốn của bố mẹ họ, thì việc chứng thực mà luật buộc trở thành vô nghĩa!

      Trở lại đề tài, quan hệ xã hội hay tương quan pháp lý tạo ra tư cách. Tư cách ấn định trách nhiệm và quyền lợi. Quyền lợi phải đi đôi với trách nhiệm. Đó là các “bí mật” của luật pháp. Khi xem hợp đồng của khách hàng giao, bạn sẽ hoán chuyển: giao dịch cam kết thành vụ việc – các bên thành tư cách mỗi người. Nắm được tư cách, bạn sẽ bảo vệ được thân chủ mình vì biết ông ta có quyền lợi gì và với ai. Tư cách giúp mở tung vấn đề.

      Tuy nhiên, sau khi xem một giao dịch thì ta cũng phải xác định nó nằm trong lãnh vực nào: dân sự (trách nhiệm theo nghĩa vụ; theo hợp đồng và ngoài hợp đồng, lao động, thương mại); hành chính, hay hình sự. Thông thường, trách nhiệm dân sự buộc phải thực thi bằng tiền nếu vi phạm; trách nhiệm hành chánh thì cũng bằng tiền hay phải chấm dứt hoạt động; trách nhiệm hình sự thì bằng tiền, tù hay cả hai, tùy sự vi phạm. Câu viết ”tôi cam kết sẽ chịu mọi trách nhiệm” thì thực sự chỉ là một trong ba loại trách nhiệm trên.

      II. Vận dụng luật pháp

      Ở đây tôi chỉ đề cập LDS tức là trách nhiệm dân sự.

      Các bạn đã học luật vậy đương nhiên các bạn biết luật. Đó là mức độ thứ nhất của người đã học luật. Khám phá ra “bí mật của luật” như tôi đã kể ở trên – mà đó là phần rất nhỏ – thì là bước đầu cho sự hiểu luật. Khi hiểu luật nhiều thật nhiều thì bạn dạy luật được. Vậy hiểu luật là mức độ thứ hai. Nhưng chỉ ở mức này thì chưa giúp gì được cho việc tái lập trật tự xã hội mà đã bị phá vỡ do sự vi phạm luật của một ai đó. Một phần trong vai trò của luật sư là tái lập trật tự.

      Tái lập trật tự xã hội về mặt dân sự là làm sao cho người thiệt hại được bồi thường. Vậy ngoài hai bên liên can phải có người thứ ba và bằng chứng, để giải thích, hay bắt buộc “người vi phạm” đền cho “nạn nhân” và người này phải biết vận dụng luật. Luật sư và thẩm phán nói chung (bao gồm kiểm sát viên) làm việc này. Ở đây tôi chỉ đề cập luật sư.

      Trở lại chậu hoa rơi thì việc vận dụng luật là:

      (i) Xác định ngành luật, phân tích khung cảnh (thời gian, không gian, chủ nhân) của sự việc chậu hoa hoa rơi, khiến gây thương tích;
      (ii) Người phải chịu trách nhiệm, chiếu theo quy định về “cây cối gây ra” hay “sức khỏe bị xâm phạm”;
      (iii) Bằng chứng; và
      (iv) Mối liên hệ nhân quả.

      Chọn ra một điều khoản nhất định của một văn bản luật nào đó áp dụng cho một sự việc nhất định, với những người nhất định, để ấn định trách nhiệm hầu tái lập trật tự là vận dụng luật pháp. Một người hiểu luật có thể có một trình độ cao, như tiến sĩ luật; nhưng sự hiểu biết ấy khó áp dụng trong thực tế vì luật chỉ áp dụng cho những người và cảnh nhất định đã xảy ra và phải làm sao thuyết phục được các người liên quan, vốn ít hiểu luật.

      Tôi xin lấy một thí dụ để làm rõ các mức độ: Biết luật, hiểu luật và vận dụng luật qua một số hành vi bị luật điều chỉnh. Ấy là: đi xe, quẹo xe và tránh xe ngược chiều. Luật Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định thế này.
      “Điều 9. Quy tắc chung
      Người tham gia giao thông phải đi bên phải theo chiều đi của mình, đi đúng làn đường, phần đường quy định và phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.
      …………
      Điều 15. Chuyển hướng xe
      1. Khi muốn chuyển hướng, người điều khiển phương tiện phải giảm tốc độ và có tín hiệu báo hướng rẽ.
      2. Trong khi chuyển hướng, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng phải nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ cho xe chuyển hướng khi quan sát thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác.
      3. Trong khu dân cư, người lái xe, người điều khiển xe máy chuyên dùng chỉ được quay đầu xe ở nơi đường giao nhau và nơi có biển báo cho phép quay đầu xe.
      4. Không được quay đầu xe ở phần đường dành cho người đi bộ qua đường, trên cầu, đầu cầu, gầm cầu vượt, ngầm, trong hầm đường bộ, đường cao tốc, tại nơi đường bộ giao nhau cùng mức với đường sắt, đường hẹp, đường dốc, đoạn đường cong tầm nhìn bị che khuất.
      Điều 17. Tránh xe đi ngược chiều
      1.Trên đường không phân chia thành hai chiều xe chạy riêng biệt, hai xe đi ngược chiều tránh nhau, người điều khiển phải giảm tốc độ và cho xe đi về bên phải theo chiều xe chạy của mình.
      2. Các trường hợp nhường đường khi tránh nhau quy định như sau:
      a) Nơi đường hẹp chỉ đủ cho một xe chạy và có chỗ tránh xe thì xe nào ở gần chỗ tránh hơn phải vào vị trí tránh, nhường đường cho xe kia đi;
      b) Xe xuống dốc phải nhường đường cho xe đang lên dốc;
      c) Xe nào có chướng ngại vật phía trước phải nhường đường cho xe không có chướng ngại vật đi trước.
      3. Xe cơ giới đi ngược chiều gặp nhau không được dùng đèn chiếu xa.”
      Áp vào ba mức độ đã nêu thì:

      1. Biết luật.

      Là biết các quy định trên trong thực tế. Đi xe máy trên đường (tham gia giao thông) thì phải đi như thế nào; lúc quẹo phải làm gì; và tránh xe đi ngược chiều thế nào.

      2. Hiểu luật.

      Một người hiểu luật thì biết rằng luật kia nhằm giữ cho mọi người an toàn khi đi đường. Nguyên tắc chung là mỗi người phải ở bên phải theo chiều đi của mình và khi đi như thế thì có ưu tiên vì được người khác nhường. Ai không nhường là vi phạm luật dù chưa đụng ai; còn mình đi không đúng thì cũng phạm luật dù cảnh sát chưa bắt.
      Khi muốn rẽ tay phải hay tay trái thì phải giảm tốc độ và ra dấu hiệu báo hướng rẽ. Hơn nữa, khi rẽ thì nhường quyền đi trước cho người đi bộ, người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, nhường đường cho các xe đi ngược chiều và chỉ rẽ khi thấy không gây trở ngại hoặc nguy hiểm cho người và phương tiện khác. Phải làm như thế vì mất ưu tiên khi đi.

      Nếu đi trên cầu xuống thì phải nhường đường cho xe đang lên dốc cầu. Phải làm vậy vì khi xe mình đi xuống, thì không phải đạp, hay không phải nhấn ga; tức là được an nhàn, kiểm soát được xe mình, và vì thế khó bị ngã. Trong khi ấy, khi người đi lên dốc cầu phải làm ngược lại, bánh trước cao, bánh sau thấp, khó kiểm soát  nên dễ bị ngã. Luật áp dụng đạo đức con người là người mạnh phải nhường cho người yếu.
      Người hiểu luật sẽ giải thích các quy định của luật, tại sao nó có và có thể mở rộng thêm bằng cách giảng luân lý, người đối xử với người; hay tập tục trên thế giới về việc lái xe theo bên phải hay bên trái. Lúc đó sẽ là thầy giáo giỏi.

      3. Vận dụng.

      Người vận dụng luật là khi phải giải quyết một vụ tranh chấp. Thí dụ, anh A đang đi xe đạp bên tay phải trên đường Cách mạng Tháng Tám, khu quận 3, gần đến ngã tư Võ Văn Tần. Đến sát ngã tư, A bị ngã vì B đi xe máy, vượt lên để rẽ phải, áp sát và đụng anh ta. B thấy đèn vàng bèn chạy nhanh lên vì có bảng ghi “Cấm rẽ phải khi đến đỏ”. A đến nhờ bạn thưa B.

      Muốn làm bạn phải vận dụng luật, giống như trình bày ở vụ chậu hoa rơi. (Tôi không thể dùng vụ lai chậu hoa rơi ở đây được vì nó không có thí dụ cho việc biết và hiểu luật). Bạn phải xác định ngành luật phù hợp. Ở đây bạn không nhảy sang Bộ Luật Hình sự (Điều 108); mà phải tìm Luật Giao thông đường bộ. Bạn sẽ thấy B vi phạm Điều 15.2. Vậy là xác định vi phạm (hành vi bị điều chỉnh). Đi tiếp, bạn phải tìm cách để B đền tiền cho A? Bạn không thể làm một luận án như tiến sĩ ở đây! Luật sư khác tiến sĩ ở chỗ này. Bạn sẽ vận dụng điều 15.2 kia vào trường hợp cụ thể,  tức là của A.
      Để vận dụng luật bạn phải biết đặt câu hỏi pháp lý. Đặt câu hỏi như thế là một vấn đề căn bản của mọi luật sư. Và bạn phải làm sau khi đã xem xét nội vụ.

      Câu hỏi ấy có thể là: “B có vi phạm luật không?”. Thường thì các bạn hỏi như vậy. Hỏi như thế, đối tượng bạn nhắm vào là luật pháp, tức là Điều 15.2 kia (vi phạm luật mà). Nhưng ở đây là A cơ. Vậy bạn nên hỏi: “Khi làm A ngã, thì B đã đi phải hay đi trái?” Đi phải hay trái cũng là dựa theo luật, nhưng bạn đã đưa A vào cuộc. Thực ra, hỏi theo câu trước hay sau thì cũng là đặt câu hỏi pháp lý vì chúng đều dựa vào luật. Nhưng cách sau cho câu trả lời nhanh hơn.

      Hỏi theo câu đầu thì câu trả lời lần lượt theo logic sẽ là: (i) B có vi phạm luật; (ii) vì luật buộc B phải nhường quyền đi trước cho người người đi xe đạp đang đi trên phần đường dành riêng cho họ, tức là A; (iii) vậy B phạm lỗi với A và phải đền cho A. Bạn thấy không, bạn nhắm vào luật thì bạn phải nêu luật ra, rồi mới đưa B vào được.

      Hỏi theo cách sau thì câu trả lời là: B đi trái luật nên làm ngã A; vậy phải đền cho A. Trong câu hỏi sau bạn nhắm vào B, nên câu trả lời nhanh hơn, xác định vi phạm rõ hơn.

      Bạn có thể phản đối tôi, vì thế tôi nói “nên hỏi”. Ai giải quyết vấn đề đúng và nhanh thì hiệu quả hơn người làm chậm. Luật sư là một người làm kỹ thuật. Luật là một thực tế. Ai làm hiệu quả hơn thì người ấy giỏi.

      Vậy, khi đọc bài này xong, bạn có thể biết mình đang ở mức độ nào. Vai trò của luật sư là vận dụng luật pháp. Chúng ta dễ gặp người biết luật; nhưng họ thường chưa hiểu luật; còn vận dụng được thì phải mất nhiều công. Bởi thế các tòa án ở Mỹ, họ chỉ cho phép luật sư tham dự các vụ tranh chấp. Sở dĩ vậy vì luật sư biết cách đặt câu hỏi pháp lý, biết cách tranh tụng để đưa ra chân lý, giúp tòa ra bản án chấp chóng vánh và thuyết phục. Dạy cách vận dụng luật chưa được chú trọng trong các trường luật của ta. Các bạn nên biết cách này, nếu muốn hành nghề thành công. Tôi sẽ trở lại với các bạn trong các đề tài khác. Các bạn có thể trao đổi với tôi về đề tài này, nếu muốn. Ngồi uống nước ở sân trước của Đoàn (Một chiều mưa tầm tả chẳng hạn… nhưng ai rủ thì phải bao tôi).

    • P/s: Luật sư Nguyễn Ngọc Bích vừa xuất bản cuốn sách chia sẻ về kỹ năng hành nghề của luật sư cho những luật sư trẻ với tựa đề: Tư duy pháp lý của Luật sư. Cuốn sách tái bản và có chỉnh sửa dựa trên 2 cuốn sách rất thành công trước đó là: Suy nghĩ kiểu luật sư (2005) và Tài ba của Luật sư (2010). Thông tin thêm cho bạn nào say mê nghề luật và muốn tìm tòi học hỏi phát triển nghề.

    Có những lúc anh mơ được gặp lại em lúc ban đầu...

     
    Báo quản trị |