Nếu như kiểm toán độc lập đã có
mặt ở Việt Nam được hơn 10 năm thì cho đến nay, khái niệm kiểm toán nội bộ vẫn
còn xa lạ với nhiều nhà quản lý. Tuy nhiên, yêu cầu hội nhập WTO, sự phát triển
nhanh chóng của thị trường chứng khoán và những vụ bê bối về quản trị cho thấy
sự cần thiết của kiểm toán nội bộ ở doanh nghiệp.
Trên thế giới, kiểm toán nội bộ đã ra đời từ lâu nhưng chỉ phát
triển từ sau các vụ gian lận tài chính ở Công ty Worldcom và Enron (Mỹ) những
năm 2000-2001 và đặc biệt là khi Luật Sarbanes-Oxley của Mỹ ra đời năm 2002.
Luật này quy định các công ty niêm yết trên thị trường chứng khoán Mỹ phải báo
cáo về hiệu quả của hệ thống kiểm soát nội bộ công ty.
Trong khi hoạt động của kiểm toán độc lập giới hạn ở việc kiểm
tra báo cáo tài chính (mức độ trung thực và hợp lý), hoạt động của kiểm toán nội
bộ không bị giới hạn ở bất kỳ phạm vi nào trong công ty, từ mua hàng, sản xuất,
bán hàng đến quản lý tài chính, nhân sự hay công nghệ thông tin. Mục đích của
kiểm toán nội bộ là phục vụ cho công tác quản lý doanh nghiệp, chứ không phải
cho đối tác bên ngoài. Kiểm toán nội bộ không chỉ đánh giá các yếu kém của hệ
thống quản lý mà còn đánh giá các rủi ro cả trong và ngoài công ty.
Lợi ích của kiểm toán nội bộ
Kiểm toán nội bộ có thể đem lại cho doanh nghiệp rất nhiều lợi
ích. Đây là công cụ giúp phát hiện và cải tiến những điểm yếu trong hệ thống
quản lý của doanh nghiệp. Thông qua công cụ này, ban giám đốc và hội đồng quản
trị có thể kiểm soát hoạt động tốt hơn, quản lý rủi ro tốt hơn, tăng khả năng
đạt được các mục tiêu kinh doanh. Một doanh nghiệp có kiểm toán nội bộ sẽ làm
gia tăng niềm tin của các cổ đông, các nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán về
hệ thống quản trị ở đây. Các thống kê trên thế giới cho thấy các công ty có
phòng kiểm toán nội bộ thường có báo cáo đúng hạn, báo cáo tài chính có mức độ
minh bạch và chính xác cao, khả năng gian lận thấp và cuối cùng là hiệu quả sản
xuất kinh doanh cao hơn so với các công ty không có phòng kiểm toán nội bộ.
Tuy nhiên, có một thực tế là không phải doanh nghiệp nào cũng
thấy hết các lợi ích trên và có biện pháp để hiện thực hóa các lợi ích đó. Nhiều
doanh nghiệp theo đuổi mục tiêu tăng trưởng nóng và đã không cân bằng được ba
mục tiêu bắt buộc của phát triển bền vững. Đó là tăng trưởng, hiệu quả và kiểm
soát. Kết quả là tam giác ba mục tiêu này không thực sự mở rộng ở cả ba góc
trong quá trình tăng trưởng một cách đồng bộ. Thay vào đó là bị co méo ở hai góc
kia, tăng trưởng tuy có đạt, nhưng hiệu quả và kiểm soát lại giảm sút hoặc không
ngang tầm với sự tăng trưởng.
Để phát triển bền vững, bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải cân
bằng cả ba mục tiêu trên. Đây là bài toán thực sự của quản trị. Doanh nghiệp nào
xem nhẹ một trong ba mục tiêu trên thì sớm muộn cũng phải trả giá.
Thực tế kiểm toán nội bộ ở Việt Nam
Hiện nay khung pháp lý cao nhất cho hoạt động kiểm toán nội bộ
là Luật Doanh nghiệp (cũ và mới). Khái niệm đầu tiên liên quan đến kiểm toán nội
bộ quy định trong luật là ban kiểm soát do cổ đông bầu ra. Tuy nhiên, vai trò,
chức năng, trách nhiệm của ban kiểm soát còn quá mơ hồ, làm công việc của thanh
tra mang tính chất đột xuất, theo yêu cầu hơn là thường xuyên.
Các doanh nghiệp nhà nước có thêm một quy định, hướng dẫn về vấn
đề kiểm toán nội bộ (Quyết định 832/TC/QQĐ/CĐKT năm 1997). Theo đó, phòng kiểm
toán nội bộ vẫn báo cáo lên tổng giám đốc như một bộ phận thuộc sự điều hành của
tổng giám đốc. Điều này làm giảm tính độc lập của phòng kiểm toán nội bộ, vì
toàn bộ hệ thống quản lý trong doanh nghiệp (do ban giám đốc quy định) đều là
đối tượng đánh giá của kiểm toán nội bộ. Trong khi đó, theo thông lệ phổ biến
trên thế giới, phòng kiểm toán nội bộ chịu trách nhiệm báo cáo trực tiếp lên cho
ban kiểm soát hoặc hội đồng quản trị, tức là cấp cao hơn ban giám đốc.
Ở Việt Nam, trong những năm qua, ban kiểm soát ở các doanh
nghiệp nhà nước và một số ngân hàng đã hoạt động nhưng chưa mang lại hiệu quả do
vai trò, chức năng, trách nhiệm chưa rõ ràng và còn thiếu công cụ để thực hiện
công tác giám sát.
Ở các loại hình công ty khác, hoạt động kiểm toán nội bộ ít
nhiều đã hình thành khi các công ty thực hiện hệ thống quản lý chất lượng hay
môi trường (ISO). Các công ty có được chứng chỉ ISO bắt buộc phải thực hiện đánh
giá nội bộ (thực chất là kiểm toán nội bộ) ít nhất mỗi năm một lần về mức độ
tuân thủ các tiêu chuẩn ISO. Việc đánh giá này thường do một ban hay một bộ phận
- thường gọi là ban ISO hay ban bảo đảm chất lượng - thực hiện và báo cáo lên
tổng giám đốc. Tuy nhiên, do đánh giá nội bộ chỉ giới hạn ở việc tuân thủ các
tiêu chuẩn của ISO (chủ yếu về mặt thủ tục, văn bản), nên hầu như không giúp cải
tiến nhiều về hệ thống kiểm soát ở công ty. Trong thực tế, nhiều doanh nghiệp
thực hiện ISO đã nhận ra điều này và đã thiết lập bộ phận đánh giá nội bộ ở cấp
độ cao hơn, đầy đủ hơn và thực chất hơn.
Ở Việt Nam, việc xây dựng kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp
chắc chắn sẽ phát triển trong thời gian tới cùng với sức phát triển của thị
trường chứng khoán Việt Nam. Sự đòi hỏi của các nhà đầu tư về một hệ thống quản
trị chuyên nghiệp sẽ buộc các doanh nghiệp phải chú ý xây dựng hệ thống kiểm
toán nội bộ sao cho thật hiệu quả.
Xu hướng thiết lập hệ thống kiểm toán nội bộ cũng sẽ phát triển
trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam. Các
doanh nghiệp này đang ngày càng có đóng góp cao về doanh thu, lợi nhuận đối với
công ty mẹ ở nước ngoài. Và rất nhiều công ty mẹ đó đang niêm yết trên thị
trường chứng khoán Mỹ hay ở các thị trường chứng khoán lớn khác trên thế giới.
Do đó, dần dần, các công ty nước ngoài ở Việt Nam cũng buộc phải tuân thủ những
quy định như Luật Sarbanes-Oxley của Mỹ, tức là phải thực hiện kiểm toán nội bộ.
Các công ty này sẽ ngày càng nhận được nhiều chương trình kiểm toán nội bộ do
công ty mẹ thực hiện hoặc sẽ phải xây dựng bộ phận kiểm toán độc lập của riêng
mình.
Làm sao xây dựng bộ phận kiểm toán nội
bộ?
Việc xây dựng bộ phận kiểm toán nội bộ trong doanh nghiệp phải
được thực hiện qua nhiều bước. Trước hết, doanh nghiệp phải xác định được nhu
cầu cụ thể và mục đích cụ thể của bộ phận này. Kế đó là phải xác định rõ ràng cơ
cấu tổ chức, vai trò, chức năng và quyền hạn của bộ phận kiểm toán nội bộ, có
thể bao gồm cả một văn kiện như điều lệ kiểm toán để bảo đảm đủ tính độc lập cho
bộ phận kiểm toán nội bộ hoạt động. Việc tiếp theo quan trọng không kém là tuyển
dụng kiểm toán viên trưởng, kiểm toán viên và đào tạo họ. Một điều cần lưu ý là
nghiệp vụ kiểm toán nội bộ khác nhiều kiểm toán độc lập và đòi hỏi trình độ
chuyên môn và kinh nghiệm rất cao. Sau cùng, bộ phận kiểm toán nội bộ cần thực
hiện kiểm toán thí điểm và tốt nhất là có sự đánh giá của một công ty tư vấn độc
lập, để rút kinh nghiệm trước khi bắt đầu xây dựng chiến lược và kế hoạch kiểm
toán dài hạn.
Kiểm toán nội bộ là hoạt động đánh giá và tư vấn nội bộ trong
doanh nghiệp, có tính chất độc lập và khách quan, nhằm đem lại giá trị và cải
tiến công tác quản lý ở doanh nghiệp thông qua việc tăng cường kiểm soát nội bộ
và quản lý rủi ro.
Theo Thời báo kinh
tế Sài Gòn