Hàng loạt trang web, blog sử dụng tên miền trùng với tên của các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước VN xuất hiện trên mạng Internet.
Các trang web mạo danh trang thông tin cá nhân các vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước
Trên mạng Internet đang xuất hiện gần 20 tên miền, blog tự xưng là trang thông tin cá nhân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Chẳng hạn một loạt tên miền: www.nguyentandung.org, www.nguyentandung.biz, www.nguyentandung.us, www.thutuongnguyentandung.net,www.thutuongnguyentandung.org, www.thutuongnguyentandung.info, www.thutuongnguyentandung.biz đều dẫn về cùng một trang thông tin với tên “Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng”.
Mạo danh Thủ tướng!
Nội dung các trang thông tin này là những hoạt động của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các hoạt động của Chính phủ VN được phân chia theo các lĩnh vực: chính trị, kinh tế, thế giới, đối ngoại, nhân sự, khoa học, chính sách, cải cách, biển đảo, điểm nóng...
Ngôn ngữ hiển thị chủ yếu là tiếng Việt, bên cạnh đó còn có tiếng Anh. Bài viết trong các chuyên mục vừa có tác giả viết đứng tên, vừa có lấy lại từ các nguồn báo mạng trong nước và đều được “đăng bởi ban biên tập” (!?).
Thống kê trên website cho thấy lượng khách truy cập đã hơn 8,7 triệu lượt đến từ gần 30 quốc gia khác nhau. Trong đó lượng truy cập đông nhất chủ yếu từ VN và Mỹ.
Bên cạnh đó, trang web trên còn liên kết đến các trang thông tin dạng blog trên các mạng xã hội nổi tiếng: Facebook, Multiply, Blogspot, Blog, Wordpress, Flickr, Twitter... và cũng đều xuất hiện dưới tên trang tin cá nhân của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Đặc biệt trên mạng YouTube cũng có trang thông tin hoạt động của Thủ tướng như một kênh truyền hình riêng.
Được biết Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hiện nay chỉ có trang thông tin duy nhất tại địa chỉ thutuong.chinhphu.vn. Trang thông tin này được chính thức công bố từ tháng 8-2007 và được Cổng thông tin điện tử Chính phủ xác nhận “là trang tin chính thức, duy nhất của Thủ tướng được xây dựng như một trang thành viên của Cổng thông tin điện tử Chính phủ”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ngoài Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, các vị lãnh đạo cấp cao khác như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, các vị bộ trưởng, thứ trưởng các bộ, Bí thư Thành ủy TP Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh... đều bị mạo danh trang thông tin cá nhân.
Cùng một đối tượng thực hiện?
Đặc điểm chung của các trang mạng mạo danh trang thông tin cá nhân của các vị lãnh đạo trên là đều được thiết kế dạng trang thông tin trực tuyến, có bố cục trình bày rất giống nhau và đều có nội dung là các thông tin hoạt động trong công việc của các vị lãnh đạo.
Ông Võ Đỗ Thắng, giám đốc Trung tâm đào tạo và an ninh mạng Athena, phân tích: “Về mặt kỹ thuật, các trang web trên đều có địa chỉ mạng ở nước ngoài, máy chủ lưu trữ thông tin cũng đang đặt ở nước ngoài, có chức năng giấu chủ sở hữu tên miền.
Các trang đều được thiết kế theo dạng web tin tức, có nhiều mục cung cấp thông tin đa dạng, bố cục rõ ràng để người đọc dễ tìm, nhiều hình ảnh minh họa, thông tin được cập nhật liên tục... chứng tỏ người làm web này có kiến thức và kinh nghiệm làm web khá tốt. Hơn nữa việc các trang đều được thiết kế giống nhau nên có thể chúng đều chung một chủ nhân”.
Về việc xác định chủ nhân của các trang web trên, ông Trần Minh Tân, phó giám đốc Trung tâm Internet VN (VNNIC), cho biết các tên miền trên đều là tên miền quốc tế nên VNNIC không thể can thiệp về mặt kỹ thuật đến các trang mạng trên được.
Các chuyên gia an ninh mạng đều nhận định việc mạo danh trang thông tin hoạt động của các vị lãnh đạo Nhà nước ẩn chứa hiểm họa khôn lường. Một chuyên gia thiết kế web phân tích: “Chủ trang web muốn tạo được sự quan tâm, tin tưởng từ phía người đọc, trước tiên luôn tạo ra uy tín bằng cách cung cấp những thông tin nhanh và đúng như các tờ báo chính thống tại VN. Sau một thời gian khi mức độ uy tín tăng lên, niềm tin người đọc gửi vào đó càng lớn, chủ trang web có thể đưa lên những thông tin có sức tác động không nhỏ với người đọc. Chỉ cần một thông tin thất thiệt về chính sách từ trang này cũng đủ gây xáo trộn không nhỏ trong xã hội”.
Có thể tìm được chủ sở hữu
Thiếu tướng Nguyễn Viết Thế, cục trưởng Cục Công nghệ tin học nghiệp vụ, Bộ Công an, cho rằng thông tin đăng tải trên những trang web này là thông tin không chính thống, không thể kiểm duyệt, kiểm soát được.
Tuy nhiên việc xử lý các trang web này rất khó vì đó có thể là trang web đặt ở nước ngoài. Ông Thế cho biết về mặt kỹ thuật, các cơ quan an ninh mạng, cơ quan kỹ thuật hoàn toàn có thể kiểm tra bằng các thao tác kỹ thuật Internet để biết trang web đó ở đâu, do ai đăng ký.
Ông Nguyễn Minh Đức, giám đốc bộ phận an ninh mạng Bkav, cũng khẳng định về kỹ thuật hoàn toàn có thể tìm được các trang web đặt ở đâu, server đặt tại nước nào. Tuy nhiên, hiện nay việc tìm kiếm chủ tên miền cũng khó khăn vì có một số nhà cung cấp dịch vụ không công khai chủ sở hữu.
Theo Tuoitre.vn