Người giỏi không muốn theo học, nhiều trường không tuyển đủ chỉ tiêu, điểm chuẩn liên tục giảm... là thực trạng đào tạo các ngành thuộc khối xã hội - nhân văn.
#ff0000;height:300px;width:400px;" src="http://www.tienphong.vn/ImageHandler.ashx?ThumbnailID=51240&Width=400" alt="Sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) trong một tiết học. Ảnh: Lưu Công Nguyên (Thanh Niên)" /> |
Sinh viên trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) trong một tiết học. Ảnh: Lưu Công Nguyên (Thanh Niên). |
Không còn hấp dẫn
Những năm gần đây, số lượng thí sinh (TS) đăng ký dự thi vào nhóm ngành xã hội - nhân văn ngày càng giảm. Tại trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) vào năm 2008 có tới 17.466 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng đến năm 2009 chỉ còn 12.947 và năm 2010 là 12.752. Tỷ lệ chọi vì vậy cũng giảm, từ 6,26 (2008) xuống còn 4,62 (năm 2009) và 4,55 (năm 2010).
Theo Sở GD-ĐT Hà Nội, năm 2010 chỉ có 5,2% TS nộp hồ sơ vào khối C (trong khi đó khối A chiếm 55,4%; khối D chiếm 21,5% và khối B chiếm 13,4%).
Cơ quan đại diện Bộ GD-ĐT tại TP.HCM cũng cho biết năm 2010, tại đây nhận được hơn 24.000 hồ sơ đăng ký dự thi nhưng trong đó có chưa tới 1.200 hồ sơ khối C (trong khi khối A là 14.000 hồ sơ, khối B và D1 mỗi khối hơn 4.000). Đặc biệt, số lượng hồ sơ riêng khối C giảm gần một nửa so với năm 2009.
|
Điểm đầu vào của trường này cũng giảm theo thời gian tới mức cận với điểm sàn. Năm 2010, trường này có tới 16 ngành và chuyên ngành lấy điểm chuẩn nguyện vọng 1 ở mức 14. Điểm trung bình của TS dự thi vào trường cũng thấp nhất trong toàn ĐHQG TP.HCM: 12,45 điểm (năm 2009, cao nhất là trường ĐH Bách khoa: 16,61) và 12,25 (năm 2010, cao nhất là trường ĐH Kinh tế - Luật: 14,65). Thậm chí, nhiều ngành của trường không tuyển đủ chỉ tiêu. Cụ thể từ năm 2006 - 2010, ngành Triết học chưa bao giờ tuyển đủ chỉ tiêu, ngành Thư viện thông tin chỉ duy nhất năm 2008 là tuyển đủ, ngành Ngữ văn Đức chỉ tuyển được 45% chỉ tiêu vào năm 2009... So với năm 2010, trường có tới 15 ngành có điểm chuẩn thấp hơn năm 2005.
Trường ĐH Văn hóa TP.HCM cũng phải thông báo điểm trúng tuyển NV3 của 10 ngành bậc ĐH với mức điểm 13 - 14 nhưng nhiều ngành vẫn không tuyển đủ chỉ tiêu. Một số trường ngoài công lập đào tạo các ngành xã hội cũng lấy điểm chuẩn ở mức điểm sàn như ĐH Văn Hiến, ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Hùng Vương TP.HCM…, nhưng vẫn không tuyển đủ người học.
Lựa chọn hạng 2
"Các ngành xã hội nhân văn cần phải là những ngành phát triển đi đầu để định hướng xã hội. Nếu xem nhẹ và không có sự đầu tư thì hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng."
PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang - Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ
|
Tiến sĩ Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM - cho rằng điểm đầu vào khối C thấp một phần quan trọng là do đối tượng dự thi phần đông từ nông thôn. Ông phân tích: “Mỗi năm có khoảng 100.000 TS dự thi khối C, chiếm khoảng 10% tổng số TS của cả nước. Trong số đó, theo số liệu thống kê chỉ có khoảng 3.000 TS dự thi khối này là từ các thành phố lớn, còn lại hầu hết đều từ khu vực nông thôn. Hơn nữa, đây còn là khối thi duy nhất có 3 môn không phải tính toán, không thi trắc nghiệm mà chỉ học thuộc bài. Do vậy, không phải vơ đũa cả nắm nhưng đây là khối thi chủ yếu dành cho học sinh khu vực nông thôn với kết quả học tập tương đối thấp, nên kết quả thi của khối C khá thấp”.
Trong khi đó, T.H.V - sinh viên năm cuối khoa Quan hệ quốc tế - tâm sự: “Nói thực, mình vào học ở đây không phải là lựa chọn ban đầu, bởi nguyện vọng 1 của mình là thi vào trường ĐH Kiến trúc TP.HCM khối A. Không chỉ riêng mình, rất nhiều bạn trong lớp vào học ở đây chỉ là lựa chọn số 2 sau khi không trúng tuyển nguyện vọng 1”.
Theo PGS-TS Đoàn Lê Giang - Trưởng khoa Văn học và Ngôn ngữ, trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - thì đã đến lúc cần báo động đỏ về thực trạng đào tạo các ngành khoa học xã hội và nhân văn. “Những trường ĐH đào tạo khoa học xã hội nhân văn bị coi như ĐH hạng hai, điều ấy dẫn đến hậu quả là rất ít sinh viên giỏi lựa chọn các ngành này, ngay cả những trường lớn. Một khi đầu vào thấp thì chất lượng đầu ra không thể cao”.
Cần thay đổi quan niệm
PGS-TS Đoàn Lê Giang tâm tư: “Một xã hội muốn phát triển vững chãi cần phải dựa trên khoa học công nghệ và văn hóa. Nói đến khoa học xã hội nhân văn là nói đến chính trị - xã hội, đạo đức nhân cách, tư tưởng và văn hóa của cả một dân tộc. Vì thế, nó luôn có vai trò rất quan trọng. Điều lớn nhất cần quan tâm hiện nay là làm sao thu hút những thanh niên giỏi, có tâm huyết vào học ngành này và sử dụng họ một cách hiệu quả nhất”.
PGS-TS Trần Thị Ngọc Lang - Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ - nhìn nhận: “Các ngành xã hội nhân văn cần phải là những ngành phát triển đi đầu để định hướng xã hội. Nếu xem nhẹ và không có sự đầu tư thì hậu quả sẽ cực kỳ nghiêm trọng”. Bà nói thêm: “Nhiều người có quan niệm không đúng về ngành nghề trong lĩnh vực này, như: học ra không có việc làm, thu nhập thấp... Thực ra, tôi lại thấy rằng trong xã hội, mọi lĩnh vực đều có nhu cầu nhân lực. Hơn nữa, nhiều người trong lĩnh vực này khi được đào tạo bài bản ra trường là có việc làm ngay, đúng ngành nghề đào tạo, với mức lương hấp dẫn. Do vậy, điều cần thay đổi trước hết là quan niệm của xã hội về những ngành nghề này”. Tiến sĩ Vũ Thị Phương Anh - Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng (ĐHQG TP.HCM) thì cho rằng: “Việc đào tạo khối kiến thức về khoa học xã hội phải là cái nền cơ bản cho sinh viên mọi khối ngành trước khi đi vào chuyên ngành”.
Theo Thanh Niên ( bài viết này được phát hành lại tại Blog Văn chương và Cuộc sống
Hoàng Thanh - Chuyên viên Tư vấn và Đào tạo về Quản trị kinh doanh