"Cho tôi hỏi là ngân hàng có phá sản không, trường hợp ngân hàng bị phá sản thì người gửi tiết kiệm có rút được tiền không?" - Thắc mắc của chị Hà, Lâm Đồng.
Phá sản là gì?
Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản 2014 quy định phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.
Ngân hàng có phá sản được không?
Tại khoản 1 Điều 203 Luật Các tổ chức tín dụng 2024 (có hiệu lực từ 01/01/2024) quy định sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán, tổ chức tín dụng phải nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Như vậy, ngân hàng có thể bị phá sản nếu sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc không áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc chấm dứt áp dụng biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng vẫn mất khả năng thanh toán. Theo đó, thì khi rơi vào trường hợp này, ngân hàng phải nộp đơn yêu cầu Tòa án mở thủ tục phá sản theo quy định của pháp luật về phá sản.
Ngân hàng phá sản thì người gửi tiết kiệm có rút được tiền không?
Trường hợp ngân hàng phá sản, người gửi có thể sẽ không rút lại được toàn bộ số tiền mình đã gửi mà chỉ nhận lại được một khoản tiền bảo hiểm đền bù.
Tại Điều 6 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 quy định tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài được nhận tiền gửi của cá nhân phải tham gia bảo hiểm tiền gửi, trừ trường ngân hàng chính sách.
Tại Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 có giải thích như sau:
- Bảo hiểm tiền gửi là sự bảo đảm hoàn trả tiền gửi cho người được bảo hiểm tiền gửi trong hạn mức trả tiền bảo hiểm khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền hoặc phá sản.
- Người được bảo hiểm tiền gửi là cá nhân có tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
- Tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng được nhận tiền gửi của cá nhân.
- Tổ chức bảo hiểm tiền gửi là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, thực hiện chính sách bảo hiểm tiền gửi, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các tổ chức tín dụng, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.
- Phí bảo hiểm tiền gửi là khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải nộp cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi để bảo hiểm cho tiền gửi của người được bảo hiểm tiền gửi tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.
Tại Điều 3 Quyết định 32/2021/QĐ-TTg quy định số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm theo quy định của Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 (gồm cả gốc và lãi) của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng (một trăm hai mươi lăm triệu đồng).
Như vậy, nếu ngân hàng phá sản thì người gửi tiền sẽ được bảo hiểm chi trả tối đa 125 triệu đồng. Bên cạnh việc nhận tiền bảo hiểm, người gửi còn có thể được nhận tiền đền bù từ hoạt động thanh lý tài sản của ngân hàng phá sản.
Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 54 Luật Phá sản 2014, các tài sản còn lại của ngân hàng khi phá sản sẽ được ưu tiên chi trả lần lượt cho các đối tượng lần lượt như sau: Chi phí phá sản; Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, BHXH, BHYT và các quyền lợi của người lao động. Sau đó mới đến các khoản tiền gửi.