TT - Đó là trường hợp của ông Võ Đăng Nhàn, 83 tuổi, cựu chiến binh, từng bị thương ở trận địa Điện Biên Phủ và là cựu trung đội trưởng trung đội dân quân xã Lộc Yên, huyện Hương Khê (Nghệ Tĩnh cũ).
|
Ông Võ Đăng Nhàn kể lại chuyện ông đi trinh sát và bị thương vào năm 1954Ảnh: MINH TOÀN |
Chị Võ Thị Thanh, con gái ông Nhàn, kể ngày 13-3-1954, trong lúc hành quân trinh sát trận địa tại đồi Độc Lập, Điện Biên Phủ, ông Nhàn (lúc ấy là trung đội trưởng trung đội trinh sát thuộc đại đội 225, tiểu đoàn 322, trung đoàn 88, đại đoàn 308) bị chấn thương ở đầu, cổ do sức ép nặng của bom địch và thêm vết thương ở ngực trái phải mổ, điều trị tại đoàn 99 và đoàn 103.
Sau điều trị, ông được đưa về đơn vị ở Quân khu 4, sau đó phục viên về quê và trở thành trung đội trưởng trung đội dân quân xã Lộc Yên. Chính trung đội dân quân do ông chỉ huy đã bắn cháy một máy bay Mỹ trên bầu trời Hương Khê. Năm 1977, ông Nhàn làm hồ sơ xin chế độ thương binh, có giấy chứng nhận bị thương, giấy nhập viện, ra viện nộp cho Phòng quân lực Quân khu 4. Sau đó, hồ sơ của ông được chuyển về Ty Thương binh xã hội tỉnh Nghệ Tĩnh (cũ) để giám định thương tật. Tuy nhiên không rõ vì lý do gì, việc xin giám định thương tật của ông đến đây thì... tắc tị.
Năm 2006, sau hơn 20 năm chờ đợi nhưng vẫn không thấy hồi âm, ông Nhàn lại tiếp tục gửi đơn xin được giám định thương tật và được UBND xã Lộc Yên chuyển hồ sơ lên Ban chỉ huy quân sự huyện Hương Khê giải quyết. UBND huyện Hương Khê cũng có công văn kiến nghị Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh, hội đồng giám định y khoa tỉnh Hà Tĩnh cho ông Nhàn được giám định thương tật theo chế độ hiện hành. Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh lúc ấy là ông Lê Tiến Dũng yêu cầu ông Nhàn nộp lại giấy chứng nhận thương tật do đơn vị cũ cấp cho ông hồi năm 1954 mới tiến hành giám định lại cho ông. Lúc này ông Nhàn chỉ còn giấy chứng nhận nhập viện, ra viện nên Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh không chấp nhận.
Ngày 26-6-2007, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh có văn bản cho biết đã chuyển hồ sơ của ông Nhàn đến phòng nội vụ LĐ-TB&XH huyện Hương Khê xem xét, trả lời theo thẩm quyền. Tuy nhiên, phòng nội vụ LĐ-TB&XH huyện Hương Khê lại có văn bản đề nghị ông Nhàn trực tiếp đến ban chính sách, Cơ quan quân sự huyện Hương Khê cung cấp đầy đủ hồ sơ để được hướng dẫn giải quyết. Ngày 24-2-2010, sư đoàn 308 đã có công văn hướng dẫn ông Nhàn đề nghị Phòng chính sách Quân khu 4, Sở LĐ-TB&XH tỉnh Hà Tĩnh giải quyết. Đến ngày 6-5-2010, Cục Người có công thuộc Bộ
LĐ-TB&XH lại có văn bản cho rằng: “Trường hợp của ông Nhàn thuộc thẩm quyền xem xét, giải quyết của Bộ Quốc phòng, đề nghị ông liên hệ với Cục Chính sách Tổng cục Chính trị để được trả lời theo thẩm quyền...”.
Việc các cơ quan chức năng hướng dẫn một cựu chiến binh ở tuổi “gần đất xa trời” cầm đơn chạy lòng vòng suốt 34 năm vẫn chưa được giải quyết chế độ thương binh đã làm nhiều cựu chiến binh bức xúc, trong đó có những người từng là thủ trưởng của ông Nhàn như trung tướng Lê Nam Phong (nguyên đại đội trưởng), thiếu tướng Vũ Thượt (nguyên đại đội trưởng) và đại tá Nguyễn Mạnh Quân (nguyên tiểu đội trưởng) thuộc trung đoàn 88, sư đoàn 308. Những người này cùng nhiều cán bộ khác ở UBND xã Lộc Yên, UBND huyện Hương Khê, các cựu binh ở Quân khu 4 đã gửi đơn thư đến các cơ quan chức năng xác nhận ông Nhàn là chiến sĩ trung đoàn 88, sư đoàn 308, đã tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ và bị thương, đề nghị các cơ quan chức năng giám định thương tật để ông được hưởng chính sách thương bệnh binh của Nhà nước.
NGỌC YẾN
Phải có giấy tờ gốc mới được giải quyết
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một cán bộ thuộc Cục Chính sách Bộ Quốc phòng cho biết trường hợp của ông Nhàn đúng là thuộc thẩm quyền giải quyết của các cơ quan thuộc Bộ Quốc phòng. Việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ tồn đọng của cựu quân nhân được phân cấp từ thấp đến cao, bắt đầu từ địa phương cấp xã, rồi đến cấp quân khu. Nếu hồ sơ hoàn tất sẽ được quân khu chuyển lên Bộ Quốc phòng để ra quyết định, rồi quyết định sẽ được chuyển lại Bộ LĐ-TB&XH để thực hiện chi trả.
Theo cán bộ Cục Chính sách, để có căn cứ giải quyết, ông Nhàn phải có giấy tờ gốc chứng minh mình bị thương trong chiến đấu, có giấy chứng nhận gốc của bệnh viện nơi ông điều trị sau bị thương, giấy vào viện, ra viện... Bởi theo thông tư số 25 ngày 15-11-2007 của Bộ LĐ-TB&XH hướng dẫn bổ sung việc thực hiện ưu đãi đối với người có công với cách mạng thì việc ông Nhàn không còn giấy tờ gốc là không thể giải quyết.
Ông Nguyễn Duy Kiên - trưởng phòng chính sách, Cục Người có công, Bộ LĐ-TB&XH - cho biết theo quy định hiện hành để cấp giấy chứng nhận bị thương đối với người bị thương trước ngày 1-10-2005 mà chưa được hưởng chế độ thương tật thì bắt buộc “người bị thương có vết thương được ghi nhận trong các giấy tờ gốc, như: lý lịch cán bộ, lý lịch đảng viên, lý lịch quân nhân được lập trước ngày 1-1-1995; phiếu chuyển thương, chuyển viện lúc bị thương; bệnh án điều trị khi bị thương; giấy ra viện khi bị thương”. Vì vậy nếu ông Nhàn không còn giấy tờ gốc thì không thể có cơ quan nào giải quyết.
Về việc mất hồ sơ gốc, theo ông Kiên, nếu năm 1977 khi giao hồ sơ cho Ty Thương binh xã hội Nghệ Tĩnh mà ông Nhàn có giấy biên nhận, và nay đưa giấy biên nhận ra để chứng minh thì Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh bây giờ phải chịu trách nhiệm và phải báo cáo các cơ quan chức năng để có hướng giải quyết. Ngược lại nếu khi bàn giao hồ sơ không có giấy biên nhận, hoặc có giấy biên nhận nhưng ông Nhàn đánh mất thì nay không thể giải quyết, không thể quy trách nhiệm cho Ty Thương binh xã hội Nghệ Tĩnh (hay Sở LĐ-TB&XH Hà Tĩnh).
Cũng theo ông Kiên, việc làm lại giấy tờ hay đồng đội làm chứng cho việc ông Nhàn bị thương, được điều trị tại bệnh viện nào đó thì kể từ năm 2005 đến nay đã không còn giá trị vì chính sách đã thay đổi do phát sinh quá nhiều thương binh, bệnh binh giả.
Đ.BÌNH
|