Chào các bạn, hẳn rằng chúng ta ai cũng đã từng nghe đến khái niệm "trợ cấp" tuy nhiên không phải ai cũng nắm rõ thực ra trợ cấp là như thế nào và ai sẽ là đối tượng để được nhận trợ cấp. Mình cũng đã từng rất mơ hồ về khái niệm này và thậm chí thường xuyên đánh đồng giữa "trợ cấp" và "phụ cấp".
Vì thế hôm nay mình muốn chia sẻ cho mọi người về chủ đề trợ cấp và mình xin phép chỉ nói về những loại trợ cấp khi người lao động ngừng làm việc cho một người sử dụng lao động (tạm thời gọi là như vậy). Các loại trợ cấp này sẽ được chi trả như thể nào và điều kiện để người lao động được hưởng đối với từng loại trợ cấp ra sao sẽ được đề cập trong bài viết này.
1. Trợ cấp thôi việc
Khi nào sẽ được nhận trợ cấp thôi việc?
Người lao động làm việc cho một người sử dụng lao động thường xuyên từ 12 tháng trở lên được nhận trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, không phải trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động nào cũng sẽ được nhận trợ cấp thôi việc.
Các trường hợp khi chấm dứt hợp đồng lao động không được nhận trợ cấp bao gồm:
- Người lao động về hưu
- Người lao động bị kỷ luật sa thải.
- Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.
Như vậy:
- Điều kiện cần: phải làm việc cho người lao động từ 12 tháng trở lên.
- Điều kiện đủ: lý do chấm dứt hợp đồng lao động không thuộc các trường hợp nêu trên.
Mức trợ cấp: Mỗi năm làm việc tương ứng nửa tháng lương.
Người chi trả: Người sử dụng lao động.
2. Trợ cấp mất việc
Khi nào sẽ được nhận trợ cấp mất việc?
Người lao động làm việc cho một người sử dụng lao động thường xuyên từ 12 tháng trở lên được nhận trợ cấp mất việc khi mất việc làm vì một số lý do sau:
- Mất việc do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế.
- Mất việc do người sử dụng lao động sát nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã.
Mức trợ cấp: Mỗi năm làm việc tương ứng 01 tháng tiền lương (nhưng ít nhất bằng 02 tháng tiền lương).
Trường hợp người lao động có thời gian làm việc thực tế cho người sử dụng lao động từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm ít hơn 18 tháng thì người sử dụng lao động có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động ít nhất bằng 02 tháng tiền lương
Như vậy, mức trợ cấp mất việc thấp nhất là 02 tháng tiền lương.
Người chi trả: Người sử dụng lao động
3. Trợ cấp thất nghiệp
Khi nào được hưởng trợ cấp thất nghiệp?
- Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc (ngoại trừ trường hợp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao đọng, hợp đồng làm việc trái pháp luật hoặc đã hưởng lương hưu, hưởng trợ cấp mất sức lao động hàng tháng)
- Đáp ứng điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội như sau:
+ Đối với hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn và Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn: đóng BHXH từ đủ 12 tháng trở lên.
+ Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng: đóng BHXH đủ từ 12 tháng trở lên trong vòng 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động
- Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm (trong vòng 30 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việ
- Sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ chưa tìm được việc làm (trừ một số trường hợp như vì thực hiện nghĩa vụ quân sự, ra nước ngoài định cư, chết, tạm giam,..)
Như vậy, khi đáp ứng được đầy đủ các điều kiện trên người lao động sẽ được hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Mức trợ cấp:
- Mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp nhưng tối đa không quá 05 lần mức lương cơ sở đối với người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định hoặc không quá 05 lần mức lương tối thiểu vùng theo quy định của Bộ luật lao động đối với người lao động đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc.
- Thời gian đóng sẽ phụ thuộc vào số tháng đóng BHXH. Cụ thể như sau:
+ Đủ 12 tháng đến 36 tháng: nhận 03 tháng
+ Sau đó cứ đóng đủ 12 tháng thì tăng thêm 01 tháng, nhưng không quá 12 tháng.
Người chi trả: Bảo hiểm xã hội.
Cơ sở pháp lý: Bộ luật lao động 2012; Luật Bảo hiểm xã hội 2014; Luật việc làm 2013.
Cập nhật bởi thuytrang95 ngày 17/06/2017 01:42:42 CH