Quản lý việc nạo phá thai tại Việt Nam
Mới đây, Quốc hội Argentina vừa thông qua đạo luật hợp pháp hóa việc nạo phá thai, nhân tiện, mời bạn đọc cùng DanLuat nhìn lại quy định của pháp luật Việt Nam đối với hành vi này!
1. Sản phụ được phép phá thai khi nào?
Theo quy định tại Phần 8 Hướng dẫn quốc gia về các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản Ban hành kèm theo Quyết định 4128/QĐ-BYT, việc nạo phá thai chỉ được thực hiện cho đến khi thai đủ 22 tuần tuổi.
Ngoài ra, không có văn bản nào cấm hoàn toàn việc nạo phá thai.
2. Pháp luật xử phạt những hành vi liên quan đến phá thai như thế nào?
Hiện nay, pháp luật chỉ quy định xử phạt hành vi phá thai vì mục đích “lựa chọn giới tính”, cụ thể tại Điều 100 Nghị định 117/2020/NĐ-CP có quy định:
- Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi phá thai vì lý do lựa chọn giới tính của người mang thai mà không bị ép buộc phải loại bỏ thai nhi.
- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 7.000.000 đồng đối với hành vi dụ dỗ, lôi kéo người khác phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 7.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi đe dọa dùng vũ lực, uy hiếp tinh thần để ép buộc người khác phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với hành vi dùng vũ lực để ép buộc người khác phá thai vì lý do lựa chọn giới tính.
- Phạt tiền từ 12.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng với các hành vi cung cấp hóa chất, thuốc để loại bỏ thai nhi, chỉ định hoặc hướng dẫn sử dụng hóa chất, thuốc hoặc các biện pháp khác để loại bỏ thai nhi mà biết rõ người mang thai muốn loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính.
- Đặc biệt, cơ sở nạo phá thai bị phạt từ 15.000.000 đến 20.000.000 đồng nếu biết rõ khách hàng thực hiện phá thai vì lý do lựa chọn giới tính mà vẫn thực hiện nạo phá.
Tuy nhiên, để chứng minh yếu tố “loại bỏ thai nhi vì lý do lựa chọn giới tính” gần như là không khả thi, do vậy dù đã có quy định, thực tế vẫn còn rất nhiều trường hợp vi phạm mà Nhà nước không thể kiểm soát hết.
Về truy cứu trách nhiệm hình sự, mặc dù có tội danh “Phá thai trái phép”, tuy nhiên tội này chỉ áp dụng cho người thực hiện hành vi “phá thai trái phép cho người khác”. (Quy định tại Điều 316 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017).
Như vậy có thể thấy, thực tế Pháp luật Việt Nam vẫn không cấm hoàn toàn việc nạo phá thai, tuy nhiên đối với những hành vi nạo phá thai vi phạm chính sách dân số, nhằm lựa chọn giới tính thai nhi thì sẽ có chế tài cụ thể.
Pháp luật của mỗi quốc gia căn trên tình hình thực tế của xã hội, bao gồm các yếu tố văn hóa, chính trị, kinh tế, an ninh trật tự… Chính vì vậy không thế tùy tiện áp đặt quy định của nước này sang thực trạng ở nước khác, và cũng không thể tùy tiện ban hành những văn bản pháp luật không phù hợp với tình hình thực tế!
Cập nhật bởi vankhanhnhu ngày 01/01/2021 10:21:34 SA