Không phải bây giờ, vấn đề giải quyết vi phạm hành lang an toàn lưới điện từ lâu đã được đã được xác định như “căn bệnh nan y”. Hàng ngàn cuộc họp, hàng vạn giải pháp đưa ra nhưng vẫn không thi triển được trên thực tế chỉ vì một lý do rất đơn giản: không cân đối được lợi ích giữa Nhà đầu tư và người dân.
Quy hoạch lưới điện manh mún, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp
Quy hoạch mạng lưới điện là cơ sở quan trọng để xây dựng hệ thống điện đồng bộ, an toàn, khoa học. Ngành điện hiện nay chưa có một quy hoạch tổng thể; đa số lưới điện có điện áp nhỏ do Công ty Điện lực tỉnh và Chi nhánh điện lực huyện thực hiện không theo quy hoạch. Trong khi đó hệ thống lưới điện này “chạy theo” các khu dân cư, dẫn đến một tiền lệ xưa cổ: “bồi thường giải phóng mặt bằng”.
Bồi thường giải phóng mặt bằng từ trước đến nay vốn đã “nóng bỏng”, càng nóng bỏng hơn khi thực hiện các biện pháp mạnh tay. Bồi thường nhỏ giọt, tái định cư thất thường khiến người dân không đồng tình. Nếu như có một quy hoạch tổng thể từ trước, xác định phạm vi, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ngành điện đầu tư phát triển lưới điện có lẽ những vấn đề đáng tiếc này sẽ không xảy ra.
Người dân chưa biết hành lang an toàn lưới điện
Hành lang an toàn lưới điện được quy định rõ tại Nghị định106/2005/NĐ-CP (Nghị định81/2009/NĐ-CP sửa đổi bổ sung); nhưng mấy người dân sống trong hành lang an toàn lưới điện biết được khoảng cách này? Không tồn tại công tác tuyên truyền, phổ biến quy mô, đồng nhất; ở phạm vi “khu phố” lại nặng tính hình thức, làm cho có; thông điệp “nguy hiểm” không hoặc chưa tác động vào tiềm thức của người dân khiến cho tình hình xâm phạm hành lang an toàn lưới điện ngày một trầm trọng. Mặt khác, khi phát hiện vi phạm, nhân viên ngành điện xử lý có phần cứng nhắc gây không ít bức xúc cho dân, thái độ thiện cảm của người dân đối với nhân viên Điện lực cũng giảm dần, khó khăn…
Biết, nhưng … làm ngơ!
Không ít người dân biết sự nguy hiểm hoặc sống trong hành lang an toàn lưới điện là vi phạm; nhưng họ vẫn làm ngơ. Người dân làm ng�� một phần vì cơm áo gạo tiền, không có chỗ an cư lạc nghiệp, một phần do ngành điện thờ ơ hững hờ trước sai phạm.
Chấp nhận sống chung với … nguy hiểm
Khi ngành điện bất lực, chính quyền thờ ơ, người dân hững hờ; vấn đề sống chung với nguy hiểm được đặt ra. Có quy định rằng những trường hợp hộ gia đình xây nhà sinh sống trước khi có lưới điện đi qua được tồn tại nếu thực hiện các biện pháp an toàn điện (khoảng cách, nối đất, vật liệu xây dựng,…).
Ngành điện chưa làm tròn trách nhiệm
Chỉ tiêu nhân sự tăng, định mức mỗi người chỉ quản lý vài km đường dây điện; không thể nói rằng ngành điện thiếu nhân lực. Vậy nhưng công tác quản lý, kiểm tra, xử lý vấn đề vi phạm hành lang an toàn lưới điện vẫn hết sức yếu kém. Quy chế phối hợp giữa ngành điện với chính quyền địa phương nặng tính hình thức, họp hành tốn kém chứ chưa mang lại hiệu quả cao.
Nguy cơ mất điện trên diện rộng vẫn hiện hữu
Mặc dù ngành điện cam kết trước phiên họp thường kỳ của Chính phủ, nhưng không ít người cảm nhận rằng khó để ngành điện đáp ứng được cam kết đó nếu chẳng may lại có thêm một chiếc xe tải nào đó cẩu cây dầu đụng phải. Bởi ngày ấy ngành điện đã lỡ “bỏ trứng vào chung một rổ”; giờ muốn lấy ra bỏ lại không phải là chuyện đơn giản ngày một ngày hai.
Đầu tư thêm lưới điện 500kV?
Sau sự cố mất điện toàn miền Nam ngày 22/5/2013, ngành điện mới giật mình là thiết kế cung ứng điện, điều độ hệ thống điện có vấn đề. Có 2 hệ thống 500kV nhưng khi một hệ thống gặp trục trặc thì hệ thống kia cũng “bại liệt”? Tại sao? Như đại diện ngành điện nói là nó bị quá tải? Nhưng tại sao lại quá tải? Nếu phân nhánh sử dụng khoa học thì không có quá tải và hậu quả mất điện toàn miền Nam không xảy ra.
Vậy nhưng ngành điện vẫn rục rịch đề xuất xây dựng thêm lưới điện 500kV mới? Một số tiền không nhỏ? Nên không? Câu hỏi chỉ mấy ổng mới biết được trên cơ sở tính toán giữa cung – cầu hiện tại và trong tương lai.
Lưới điện hiện tại chưa giải quyết xong nạn xâm phạm hành lang an toàn, xây dựng thêm lưới điện nguy cơ sự cố tiếp tục tăng. Một bài toán nan giải giữa một bên là cuộc sống, quyền lợi của dân, một bên là lợi ích công cộng.