Năm 2024 muốn nhờ người khác mang thai hộ thì có được hay không? Việc mang thai hộ cần phải đáp ứng những điều kiện như thế nào?
Năm 2024, vợ chồng có được nhờ người khác mang thai hộ hay không?
Căn cứ khoản 2 Điều 5 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về các hành vi bị nghiêm cấm trong việc bảo vệ chế độ hôn nhân và gia đình bao gồm:
- Kết hôn giả tạo, ly hôn giả tạo.
- Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn, cản trở kết hôn.
- Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ.
- Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng.
- Yêu sách của cải trong kết hôn.
- Cưỡng ép ly hôn, lừa dối ly hôn, cản trở ly hôn.
- Thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại, lựa chọn giới tính thai nhi, sinh sản vô tính.
- Bạo lực gia đình.
- Lợi dụng việc thực hiện quyền về hôn nhân và gia đình để mua bán người, bóc lột sức lao động, xâm phạm tình dục hoặc có hành vi khác nhằm mục đích trục lợi.
Như vậy, hiện nay, pháp luật chỉ cho phép thực hiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Nếu mang thai hộ vì mục đích thương mại được xem là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm theo quy định nêu trên.
Do đó, vì lý do sức khỏe mà người vợ không thể mang thai thì vợ chồng có thể nhờ người khác mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo cần đáp ứng những điều kiện nào?
Căn cứ Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo bao gồm:
- Thứ nhất: Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và được lập thành văn bản.
- Thứ hai: Điều kiện đối với vợ chồng nhờ người mang thai hộ:
+ Có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
+ Vợ chồng đang không có con chung.
+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
- Thứ ba: Điều kiện đối với người mang thai hộ:
+ Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ.
+ Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ một lần.
+ Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế có thẩm quyền về khả năng mang thai hộ.
+ Trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng.
+ Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
- Thứ tư: Việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo không được trái với quy định của pháp luật về sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản.
Như vậy, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo phải đáp ứng những điều kiện đối vợ chồng nhờ mang thai hộ và đối với người mang thai hộ. Đồng thời cần lưu ý rằng, việc mang thai hộ phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên.
Vợ chồng nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo có quyền và nghĩa vụ gì?
Căn cứ Điều 98 Luật Hôn nhân và gia đình 2014, quyền, nghĩa vụ của bên vợ chồng nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo được quy định như sau:
- Bên nhờ mang thai hộ có nghĩa vụ chi trả các chi phí thực tế để bảo đảm việc chăm sóc sức khỏe sinh sản theo quy định của Bộ Y tế.
- Quyền, nghĩa vụ của bên nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đối với con phát sinh kể từ thời điểm con được sinh ra. Người mẹ nhờ mang thai hộ được hưởng chế độ thai sản theo quy định của pháp luật về lao động và bảo hiểm xã hội từ thời điểm nhận con cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.
- Bên nhờ mang thai hộ không được từ chối nhận con. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chậm nhận con hoặc vi phạm nghĩa vụ về nuôi dưỡng, chăm sóc con thì phải có nghĩa vụ cấp dưỡng cho con theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014 và bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan; nếu gây thiệt hại cho bên mang thai hộ thì phải bồi thường. Trong trường hợp bên nhờ mang thai hộ chết thì con được hưởng thừa kế theo quy định của pháp luật đối với di sản của bên nhờ mang thai hộ.
- Giữa con sinh ra từ việc mang thai hộ với các thành viên khác của gia đình bên nhờ mang thai hộ có các quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình 2014, Bộ luật dân sự 2015 và luật khác có liên quan.
- Trong trường hợp bên mang thai hộ từ chối giao con thì bên nhờ mang thai hộ có quyền yêu cầu Tòa án buộc bên mang thai hộ giao con.
Như vậy, khi nhờ mang thai hộ theo quy định của pháp luật thì vợ chồng nhờ mang thai hộ phải thực hiện nghĩa vụ của mình cũng như các quyền được liệt kê nêu trên.