Năm 2024, những tuổi nào gặp hạn tam tai? Cúng sao giải hạn có phải mê tín dị đoan không?

Chủ đề   RSS   
  • #607895 03/01/2024

    xuanuyenle
    Top 25
    Dân Luật bậc 1

    Vietnam
    Tham gia:02/08/2022
    Tổng số bài viết (2349)
    Số điểm: 81119
    Cảm ơn: 84
    Được cảm ơn 1708 lần


    Năm 2024, những tuổi nào gặp hạn tam tai? Cúng sao giải hạn có phải mê tín dị đoan không?

    Năm Giáp Thìn 2024, những tuổi nào gặp hạn tam tai? Cúng sao giải hạn là gì? Có phải mê tín dị đoan hay không? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.

    (1) Tam tai là gì? 

    Tam là 3, tai nghĩa là tai họa, những điều không may. Mỗi một con giáp trong 12 năm sẽ có một hạn tam tai xảy ra trong 3 năm. Đây là vòng tuần hoàn khó tránh khỏi đối với bất kỳ ai. Trong 3 năm này, người gặp hạn tam tai có thể sẽ đối diện với những điều không may, không được suôn sẻ trong cuộc sống, công việc, tài chính, hay sức khỏe. 

    Hạn tam tai là điều mà mỗi người đều trải qua. Tuy nhiên, mức độ nặng nhẹ của vận hạn trong 3 năm tam tai còn phụ thuộc vào tử vi của từng người. Đặc biệt, nếu bạn biết kiêng kỵ, có cách hóa giải đúng cách sẽ giúp hạn chế những tác động xấu tới bản thân trong những năm tam tai hiệu quả.

    - Tam tai năm đầu tiên: Cân nhắc không nên làm những việc lớn trong năm này như cưới hỏi, xây dựng nhà cửa, đầu tư làm ăn,… có thể dẫn tới những thua lỗ, thất thoát tài chính, gia đình bất hòa. 

    - Tam tai năm thứ hai: Công việc của bạn khi đang làm dang dở mà đột ngột ngừng lại, không tiếp tục sẽ khó quay lại và phát triển được.

    - Tam tai năm thứ ba: Thường sẽ là năm vận hạn nhẹ nhất trong suốt 3 năm tam tai. Lúc này, tài lộc, may mắn bắt đầu trở lại, các vấn đề sẽ dần được giải quyết. 

    (2) Hướng dẫn cách tính hạn tam tai chi tiết

    Dựa theo quy luật, 12 năm chúng ta sẽ trải qua một lần tam tai trong 3 năm. Từ đó dễ dàng tính được một người sẽ gặp tam tai vào các năm 10, 11, 12 tuổi, và lần tiếp theo sẽ vào năm 22, 23, 24 tuổi,… Theo người xưa, tính tam tai dựa trên nhóm tuổi tam hợp với nhau do quan niệm tam hợp hóa tam tai. Vì thế, nhóm tuổi tam hợp sẽ cùng gặp phải hạn tam tai: 

    - Người tuổi Tý, Thìn, Thân sẽ gặp tam tai vào 3 năm liên tiếp nhau là Dần, Mão, Thìn.

    - Người tuổi Mão, Mùi, Hợi sẽ gặp tam tai liên tiếp vào 3 năm là Tỵ Ngọ, Mùi. 

    - Người tuổi Ngọ, Tuất, Dần sẽ đối diện với tam tai vào 3 năm liên tiếp là Thân, Dậu, Tuất.

    - Người tuổi Sửu, Tỵ, Dần gặp tam tai vào 3 năm liên tiếp nhau là Tý, Sửu, Hợi.

    (3) Những con giáp phạm tam tai năm 2024 

    Căn cứ vào cách tính hạn Tam Tai, 2024 là năm Giáp Thìn, các tuổi gặp hạn Tam Tai là Tý, Thìn và Thân. Cụ thể theo tuổi can chi và năm sinh như sau:

    Các tuổi Tý: Mậu Tý (1948), Canh Tý (1960), Nhâm Tý (1972), Giáp Tý (1984), Bính Tý (1996), Mậu Tý (2008)…Các tuổi Thìn: Nhâm Thìn (1952), Giáp Thìn (1964), Bính Thìn (1976), Mậu Thìn (1988), Canh Thìn (2000), Nhâm Thìn (2012)…

    Các tuổi Thân: Bính Thân (1956), Mậu Thân (1968), Canh Thân (1980), Nhâm Thân (1992), Giáp Thân (2004)…

    (4) Cúng sao, giải hạn có phải là tín ngưỡng không?

    Theo Thượng tọa Thích Nhật Từ, Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc cúng sao giải hạn có nguồn gốc từ niềm tin tín ngưỡng của người Trung Quốc, hoàn toàn không có cơ sở khoa học, cơ sở Phật học về niềm tin sao hạn.

    Đồng thời, theo Luật Tín ngưỡng, tôn giáo 2016 tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghi gắn liền với phong tục, tập quán truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng.

    Trong đó, hoạt động tín ngưỡng được hiểu là hoạt động thờ cúng tổ tiên, các biểu tượng linh thiêng; tưởng niệm và tôn vinh người có công với đất nước, với cộng đồng; các lễ nghi dân gian tiêu biểu cho những giá trị lịch sử, văn hóa, đạo đức xã hội.

    Từ khái niệm nêu trên, rõ ràng cúng sao, giải hạn không được coi là hoạt động tín ngưỡng.

    (5) Hành vi cúng sao, giải hạn là mê tín dị đoan

    Mặc dù không phải là hoạt động tín ngưỡng nhưng hành vi này đã đi vào đời sống tâm linh người Việt bao thế hệ.

    Mỗi dịp Tết, một số ngôi chùa làm lễ giải hạn giống như một thứ dịch vụ, nhẹ thì vài trăm nghìn đồng/người, tốn kém hơn nữa thì lập đàn lễ lên tới cả chục, trăm triệu đồng.

    Thậm chí, những ngôi chùa được xem là “thiêng” còn có lượng người đăng ký cúng giải hạn đông, phải chia làm nhiều đợt cúng riêng với từng sao xấu. Có nơi khuôn viên chật chội, người dân tràn cả ra đường, gây ách tắc giao thông, mất an toàn.

    Theo đó hành vi cúng sao, giải hạn xuất phát từ việc đặt niềm tin vào mệnh, tuổi. Nếu năm đó gặp sao xấu chiếu mệnh hoặc trúng năm tam tai thì cúng để cầu mong bình an.

    Trước đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã yêu cầu các chùa chỉ tổ chức lễ cầu an chứ không phải lễ dâng sao giải hạn, tránh mê tín dị đoan, tránh các yếu tố mang hình thức dịch vụ tâm linh… 

    Như vậy, khi tổ chức thực hành các nghi lễ cầu quốc thái dân an phải tránh mê tín dị đoan, tránh những nội dung nghi lễ không đúng với chính pháp của Phật giáo dễ bị xã hội hiểu lầm, lệch chuẩn tâm linh.

    (6) Hành vi mê tín dị đoan bị xử lý thế nào?

    Xử phạt vi phạm hành chính

    Mê tín dị đoan có thể bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 19 Điều 2 Nghị định 28/2017/NĐ-CP. Cụ thể: sẽ phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng đối với hành vi:

    - Thắp hương hoặc đốt vàng mã không đúng quy định của Ban tổ chức lễ hội, Ban quản lý di tích;

    - Ném, thả tiền xuống giếng, ao hồ;

    - Nói tục, xúc phạm tâm linh gây ảnh hưởng đến không khí trang nghiêm;

    - Xả rác bừa bãi làm mất vệ sinh môi trường trong khu vực lễ hội, di tích.

    Ngoài ra, theo Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt đối với hành vi hoạt động mê tín dị đoan như sau:

    Phạt tiền từ 15-20 triệu đồng đối với tổ chức hoạt động mê tín dị đoan.

    Ngoài ra còn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được từ hành vi nêu trên).

    Truy cứu trách nhiệm hình sự

    Bên cạnh xử phạt vi phạm hành chính, hành vi hoạt động mê tín dị đoan còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

    Cụ thể, tại Điều 320 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) quy định hình phạt đối với tội hành nghề mê tín, dị đoan như sau:

    - Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm đối với trường hợp sau:

    Dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

    - Phạt tù từ 03 năm đến 10 năm nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau:

    + Làm chết người;

    + Thu lợi bất chính 200.000.000 đồng trở lên;

    + Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

    - Hình phạt bổ sung: Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

     
    69141 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận