Trích Điều 21 Dự thảo Luật Dân số:
"Điều 21. Quyền, nghĩa vụ khi phá thai
1. Phụ nữ có quyền sau đây:
a) Được phá thai theo nguyện vọng nếu tuổi thai dưới 12 tuần tuổi, trừ trường hợp phá thai để lựa chọn giới tính thai nhi, phá thai gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe phụ nữ;
b) Được phá thai do mang thai gây nguy hại đến tính mạng hoặc sức khỏe của thai phụ, thai nhi; do loạn luân; do bị hiếp dâm; có những bằng chứng về nguy cơ sinh ra đứa trẻ có dị tật hoặc có nguy cơ phát triển không bình thường nếu tuổi thai từ 12 tuần tuổi trở lên;
c) Được cung cấp thông tin, tư vấn, theo dõi, chăm sóc sức khỏe sau phá thai.
2. Người được phá thai có nghĩa vụ ký cam kết tự nguyện phá thai, xuất trình giấy tờ tùy thân trước khi phá thai. Nếu người được phá thai dưới 18 tuổi thì phải có giấy xác nhận sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ."
Theo quan điểm của mình, đa số trường hợp mang thai thì người phụ nữ đều biết mình có thai sau một khoản thời gian "tắt" kinh. Khoản thời gian này thường rơi vào tuần 5 - tuần 7 (nếu trễ 01 tháng là phải "thử" ngay). Do đó khoản thời gian còn lại đủ để người phụ nữ quyết định việc phá thai. Sở dĩ pháp luật quy định như vậy là để bảo vệ sức khoẻ người phá thai vì nếu thai trên 22 tuần tuổi mà phá thì rất nguy hiểm và có thể để lại bệnh lý sau này cho người phụ nữ (giảm khả năng thụ thai). Tuy nhiên, vẫn có trường hợp người phụ nữ khó biết mình có thai trong khoản thời gian thai 22 tuần tuổi (do thai nhỏ hoặc ít hiểu biết về vấn đề kinh nguyệt) hoặc biết nhưng do lo sợ, giấu giếm mà ra quyết định phá thai trễ...và lúc này nếu pháp luật cấm đoán thì họ sẽ lựa chọn cá nhân, tổ chức phá thai lậu và hậu quả sẽ khôn lường.
Về vấn đề phải chứng minh bị hiếp dâm thì pháp luật không quy định kỹ (chắc sẽ có Nghị định hướng dẫn nếu giữ nguyên quy định này), tuy nhiên có thể hiểu đây là trường hợp bị hiếp dâm mang thai và vụ án đã được khởi tố và bị can đã khai rõ hành vi trước cơ quan điều tra...Lời khai của bị can có thể là cơ sở để được chấp thuận phá thai mặc dù Toà án chưa tuyên án. các trường hợp còn lại nếu bị hiếp dâm mang thai mà chưa khởi tố vụ án thì bị hại khó chứng minh được mang thai do bị hiếp dâm...
Thiết nghĩ, pháp luật nên "nới lỏng" các trường hợp phá thai vì không ai muốn giết "giọt máu" của mình trừ trường hợp bất đắc dĩ. Chỉ cần người phá thai cam kết chịu mọi trách nhiệm về hành vi phá thai của mình và hậu quả không mong muốn khi phá thai. Ngoài ra nên hình sự hoá hành vi phá thai lậu bằng một tội phạm cụ thể (VD: tội phá thai trái pháp luật) để tăng tính răn đe đối với các cá nhân, tổ chức có ý định thực hiện hành vi trái phép này!