"Tấm bằng cao học chỉ dạy cách để đi làm thuê, để tuân thủ những quy tắc do người khác đặt ra. Và cứ tiếp tục như vậy, bạn sẽ mãi chỉ giữ thân phận là 'lính', là 'nô lệ' mà thôi".
Trong cuốn sách “Bong bóng MBA”, tác giả Mariana Zanetti thẳng thắn đề cập đến vấn đề học cao học, cụ thể là ngành quản trị kinh doanh thực ra là một việc rất “tốn thời gian và tiền bạc”.
Điều đáng nói ở đây là tác giả Mariana cũng từng nhận được bằng MBA từ trường kinh doanh IE, Tây Ban Nha.
Dưới đây là chia sẻ của bà về vấn đề này.
Đã có rất nhiều tác giả cũng như chuyên gia khẳng định, nếu chỉ có một công việc ổn định thì chắc chắn không thể giúp bạn trở nên giàu có. Tôi hoàn toàn đồng ý với điều này.
Nếu thực sự có tham vọng làm giàu, có thể không phải suốt cuộc đời, nhưng ít nhất là tại một số thời điểm quan trọng, bạn cần tìm cách kiếm ra tiền ở những nguồn khác nhau ngoài số lương hàng tháng.
Có một sự thật hiển nhiên là: “Làm thuê có nghĩa là bạn đang bán thời gian của mình cho người khác, và nếu như số thời gian bạn có bị bán đi càng nhiều thì khả năng bạn có thể tạo ra thu nhập khác càng bị giới hạn”.
Trong cuốn “Cha giàu Cha nghèo”, tác giả Robert Kiyosaki có nói rằng người giàu không làm việc vì tiền, mà tiền làm việc cho họ.
Như vậy, nếu đơn thuần chỉ muốn làm việc để kiếm tiền thì hãy đi học, và nếu muốn học cách để làm việc chăm chỉ hơn nữa thì hãy chọn cho mình một khóa cao học quản trị kinh doanh (MBA). Nhưng, nếu bạn muốn "tiền làm việc cho mình" thì cần phải tìm cách khác.
Nhiều người vẫn quan niệm rằng, những triệu phú, lãnh đạo nổi tiếng thế giới trở nên giàu có là bởi họ có bằng cấp cao. Tuy nhiên, nghiên cứu mới của tạp chí Business Week cho ra kết quả ngược lại. Bằng cao học có ít liên quan hoặc không có bằng chứng thuyết phục chứng minh giả thuyết nó là yếu tố quan trọng dẫn đến thành công và sự giàu có.
Bằng chứng cho kết luận kể trên là hầu hết CEO của các công ty trong top 40 CAC (chỉ số chứng khoán chính tại Pháp) thì MBA hầu như “không có nghĩa lý gì”.
Dĩ nhiên, còn tùy thuộc vào các loại hình công ty khác nhau, mức độ quan trọng của tấm bằng MBA là khác nhau. Điển hình là tại các công ty nhà nước, tấm bằng MBA vẫn là cơ sở quan trọng cho tham vọng thăng chức của bạn.
Ngược lại, với hầu hết các công ty kinh doanh hoạt động trên thị trường nếu muốn ngồi lên vị trí cao nhất, việc của bạn không phải là đi học và lấy bằng MBA mà là nghĩ ra cách để công ty phát triển nhanh nhất và đạt lợi nhuận nhiều nhất.
Trở lại với bình luận ban đầu, muốn giàu có, không nên đi học MBA, vậy chúng ta cần phải làm gì để giàu có? Câu trả lời là bạn phải trở thành một doanh nhân, nhà đầu tư tài ba hoặc cả hai.
Tất nhiên còn nhiều lĩnh vực khác để trở nên giàu có, nhưng số liệu thống kê cho thấy xác suất để một người bình thường có thể trở thành ngôi sao nhạc rock, minh tinh điện ảnh, siêu sao bóng đá hay CEO của một trong những công ty dịch vụ tài chính lớn nhất thế giới như Standard & Poor là vô cùng thấp.
Và tôi xin khẳng định lại, với tất cả những cơ hội để trở nên giàu có kể trên, tấm bằng MBA hầu như “vô tác dụng”.
Nhiều tấm gương thành công như tỷ phú giàu có số một thế giới, doanh nhân Carlos Slim là người không có bằng MBA. Thậm chí, nhiều người không có bất cứ bằng cấp nào hoặc sẵn sàng bỏ đại học và vẫn gây dựng được sự nghiệp, tạo nên khối tài sản kếch xù.
Những người này đều có chung một quan điểm cho rằng: Tấm bằng cao học chỉ dạy cho họ cách để đi làm thuê, để tuân thủ những quy tắc do người khác đặt ra. Và cứ tiếp tục như vậy, bạn sẽ mãi chỉ giữ thân phận là “lính”, là “nô lệ” mà thôi.
Tuy nhiên, cũng cần nói thêm rằng, học thức luôn là điều đáng giá, nó có thể không khiến bạn trở nên giàu có nhưng nó vẫn sẽ có tác dụng trong một chừng mực nhất định.
(Theo Theo Trí Thức Trẻ)