Chào bạn,
Đây là giao dịch dân sự, giao dịch giữa A và B là giao dịch hoàn toàn tự nguyện do thỏa thuận của các bên, tuy nhiên, việc chạy tiền và nhận tiền lại là hành vi trái pháp luật, cho nên giao dịch dân sự này là giao dịch trái pháp luật. Vì nội dung và mục đích của giao dịch vi phạm điều cấm của pháp luật nên hậu quả pháp lý của giao dịch vô hiệu sẽ được thực hiện theo như Điều 137 bộ luật dân sự. Đó là, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên phải trả lại cho nhau những gì đã nhận,vậy A hoàn toàn có quyền đòi lại số tiền nói trên.
Để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn có thể khởi kiện ra Tòa án nhân dân quận/huyện nơi B đang cư trú để yêu cầu giải quyết.
Ngoài ra, hành vi của B còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 139 bộ luật hình sự hoặc tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tại sản (Điều 140 Bộ luật hình sự).
Trường hợp B trên thực tế không có khả năng xin được việc cho A mà chỉ đưa ra những thông tin gian dối, giả tạo như hứa hẹn, cam kết, khẳng định… nhằm mục đích để A đưa tiền cho rồi họ chiếm đoạt tiền của A thì hành vi đó đã có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 Bộ luật hình sự.
Trường hợp B không có mục đích ban đầu mà sau khi có được số tiền đó do hoàn cảnh khách quan mà không xin được việc cho A rồi mới nảy sinh ý định chiếm đoạt số tiền đó, không trả lại cho A thì có thể phạm tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.