Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị định 123/2024/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai.
(1) Phải đăng ký biến động đất đai sau bao lâu?
Căn cứ khoản 3 Điều 133 Luật Đất đai 2024 có quy định như sau:
Các trường hợp đăng ký biến động quy định tại các điểm a, b, i, k, l, m và q khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai 2024 thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có biến động, người sử dụng đất phải đăng ký biến động tại cơ quan có thẩm quyền; trường hợp thi hành án thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày bàn giao tài sản thi hành án, tài sản bán đấu giá.
Trường hợp thừa kế quyền sử dụng đất thì thời hạn đăng ký biến động được tính từ ngày phân chia xong quyền sử dụng đất là di sản thừa kế theo quy định của pháp luật về dân sự hoặc kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
Từ quy định nêu trên, có thể thấy, trong thời hạn là 30 ngày kể từ ngày có biến động thì người dân buộc phải thực hiện đăng ký biến động tại cơ quan đăng ký đất đai có thẩm quyền.
(2) Mức xử phạt sang tên sổ đỏ không đăng ký biến động đất đai từ 04/10
Cụ thể, tại Điều 16 Nghị định 123/2024/NĐ-CP có quy định về mức xử phạ đối với hành vi không đăng ký đất đai như sau:
- Phạt tiền từ 01 đến 02 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký đất đai lần đầu theo quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 132 Luật Đất đai 2024, bao gồm:
+ Thửa đất đang sử dụng mà chưa đăng ký.
+ Thửa đất được Nhà nước giao, cho thuê để sử dụng.
+ Thửa đất được giao để quản lý mà chưa đăng ký.
- Phạt tiền từ 02 đến 03 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện đăng ký biến động đất đai theo quy định tại các điểm a, b, i, k, l, m và q khoản 1 Điều 133 Luật Đất đai 2024, bao gồm:
+ Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;…
+ Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất thực hiện các quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất; góp vốn bằng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất;…
+ Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất được phép đổi tên. Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất do chia, tách, hợp nhất, sáp nhập, chuyển đổi mô hình tổ chức hoặc sự thỏa thuận của các thành viên hộ gia đình hoặc của vợ và chồng hoặc của nhóm người sử dụng đất chung, nhóm chủ sở hữu tài sản chung gắn liền với đất.
+ Thay đổi quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo kết quả hòa giải thành về tranh chấp đất đai được UBND cấp có thẩm quyền công nhận; thỏa thuận trong hợp đồng thế chấp để xử lý nợ; quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai, khiếu nại, tố cáo về đất đai;…
+ Xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền đối với thửa đất liền kề.
+ Thay đổi về những hạn chế quyền của người sử dụng đất; bán tài sản, điều chuyển, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là tài sản công theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.
Theo đó, trường hợp chuyển nhượng quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất mà không thực hiện đăng ký biến động đất đai thì người dân có thể bị xử phạt từ 02 cho đến 03 triệu đồng.
Ngoài ra, còn bị buộc thực hiện đăng ký đất đai theo quy định.
(3) Đăng ký biến động đất đai ở đâu?
Căn cứ Khoản 4 Điều 21 Nghị định 101/2024/NĐ-CP quy định người sử dụng đất thực hiện đăng ký biến động đất đai tại một trong các nơi sau đây:
- Bộ phận Một cửa theo quy định của UBND cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
- Văn phòng đăng ký đất đai.
- Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
Trường hợp đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất thì người yêu cầu đăng ký lựa chọn nơi nộp hồ sơ như sau:
- Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cá nhân, cộng đồng dân cư thì được lựa chọn nơi nộp hồ sơ theo 01 trong 03 nơi nêu trên.
Trường hợp xác định lại diện tích đất ở trong trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận trước ngày 01/7/2004 thì nộp hồ sơ tại Bộ phận Một cửa theo quy định của UBND cấp tỉnh về thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã.
- Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài, tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài thì được lựa chọn nơi nộp hồ sơ quy định tại Bộ phận Một cửa theo quy định của UBND cấp tỉnh và Văn phòng đăng ký đất đai.
Trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài thì được lựa chọn nơi nộp hồ sơ theo 01 trong 03 nơi nêu trên.
- Trường hợp nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất thì nơi nộp hồ sơ theo bên nhận quyền và thực hiện theo quy định tại Bộ phận Một cửa theo quy định của UBND cấp tỉnh và Văn phòng đăng ký đất đai.
Như vậy, sẽ tùy vào trường hợp mà người dân sẽ thực hiện đăng ký biến động đất đai tại 03 địa điểm như đã nêu trên.