Trong nhiều trường hợp, mua bán hàng hóa gặp nhiều rủi ro không thể tránh khỏi, chẳng hạn việc mua nhầm hàng trộm cắp hay nguồn gốc bất chính. Lúc này người dân cần làm gì? Nếu mua phải đồ trộm cắp thì người mua có chịu trách nhiệm hình sự không?
Hành vi mua phải tài sản trộm cắp có chịu trách nhiệm hình sự không?
Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 323 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung năm 2017) quy định về Tội chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, như sau:
Người nào không hứa hẹn trước mà chứa chấp, tiêu thụ tài sản biết rõ là do người khác phạm tội mà có, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp:
- Phạm tội có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 100 đến dưới 300 triệu đồng; thu lợi bất chính từ 20 đến dưới 100 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm thì bị phạt tù từ 03-07 năm.
- Nếu phạm tội mà tài sản, vật phạm pháp trị giá từ 300 triệu đến dưới 01 tỷ đồng hoặc thu lợi bất chính từ 100 triệu đến dưới 300 triệu đồng thì bị phạt tù từ 07 năm đến 10 năm
- Khung phạt cao nhất thì người phạm tội có thể bị phạt tù từ 10 năm đến 15 năm khi tài sản, vật phạm pháp trị giá 01 tỷ đồng trở lên hoặc thu lợi bất chính 300 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 05-50 triệu đồng hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Xử phạt vi phạm hành chính
Nếu người trộm cắp thực hiện lần đầu và tài sản trộm cắp giá trị dưới 02 triệu đồng thì người tiêu thụ tài sản trộm cắp bị phạt hành chính.
Mức phạt hành chính với hành vi tiêu thụ tài sản trộm cắp được quy định tại Nghị định 144/2021/NĐ-CP cụ thể như sau:
- Phạt tiền từ 02-03 triệu đồng về hành vi Trộm cắp tài sản, xâm nhập vào khu vực nhà ở, kho bãi hoặc địa điểm khác thuộc quản lý của người khác nhằm mục đích trộm cắp, chiếm đoạt tài sản (theo điểm a khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP);
- Mua, bán, cất giữ hoặc sử dụng tài sản của người khác mà biết rõ tài sản đó do vi phạm pháp luật mà có thì bị phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng (theo điểm d khoản 2 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP);
- Cầm cố tài sản do trộm cắp do người khác phạm tội mà có thì bị phạt tiền từ 20- 30 triệu đồng (theo điểm b khoản 5 Điều 12 Nhận cầm cố tài sản do trộm cắp, lừa đảo, chiếm đoạt hoặc do người khác phạm tội mà có nhưng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự).
Như vậy, căn cứ theo những gì phân tích trên, trong trường hợp nếu người dân biết rõ tài sản đó là tài sản trộm cắp nhưng do ham giá rẻ hoặc vì một lý do nào đó vì lợi ích mà vẫn mua tài sản trộm cắp đó thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.
Biết rõ ở đây có thể là do người ăn trộm kể lại hoặc do bạn trực tiếp chứng kiến việc ăn trộm hoặc dựa trên các căn cứ khác.
Theo đó, để xác định có phạm tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có hay không thì các Cơ quan tiến hành tố tụng sẽ đánh giá việc người này có biết rõ tài sản là do người khác phạm tội mà có hay không.
Nếu người mua tài sản trộm cắp mà không biết do người bán nói dối hoặc bằng thủ đoạn khác để che đậy hành vi ăn trộm của mình thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.