Một số ý kiến trao đổi thêm về bài viết “chia tài sản chung hay bắt đầu lại thời hiệu về thừa kế”

Chủ đề   RSS   
  • #433088 10/08/2016

    trang_u
    Top 25
    Female
    Đại học

    Hồ Chí Minh, Việt Nam
    Tham gia:18/11/2015
    Tổng số bài viết (2972)
    Số điểm: 44888
    Cảm ơn: 1413
    Được cảm ơn 1721 lần


    Một số ý kiến trao đổi thêm về bài viết “chia tài sản chung hay bắt đầu lại thời hiệu về thừa kế”

    Sau khi nghiên cứu bài viết “Chia tài sản chung hay bắt đầu lại thời hiệu về thừa kế” đăng trên mục “Diễn đàn trao đổi nghiệp vụ” ngày 06/4/2016, tôi nhận thấy thông qua một vụ án cụ thể, tác giả đã có những phân tích các sự kiện và trong áp dụng pháp luật để xác định bắt đầu lại thời hiệu về thừa kế - một vấn đề có tính thực tiễn rất cao, là vấn đề mà giải quyết các tranh chấp thừa kế có di sản đã hết 10 năm kể từ thời điểm mở thừa kế các tòa án cấp sơ thẩm, phúc thẩm chưa thật sự lưu ý đến.

    Từ thực tiễn nghiên cứu giám đốc thẩm và tái thẩm những vụ án tranh chấp về thừa kế và nghiên cứu những vướng mắc trong quá trình áp dụng pháp luật giải quyết tranh chấp thừa kế bất động sản (nhà ở và quyền sử dụng đất), tôi rất tâm đắc với vấn đề mà tác giả bài viết đã đưa ra và xin mạnh dạn có một số ý kiến trao đổi thêm với tác giả và đồng nghiệp về vấn đề này như sau:

    1. Thời điểm mở thừa kế là thời điểm người để lại di sản chết- cũng là thời điểm bắt đầu tính thời hiệu 10 năm. Tuy nhiên, Bộ luật dân sự (BLDS) năm 1995 năm 2005 có các quy định về sự kiện làm gián đoạn được trừ vào thời hiệu (Điều 158 BLDS 2005. Ví dụ tranh chấp về thừa kế quyền sử dụng đất nhưng Luật đất đai quy định phải qua hòa giải cơ sở thì Tòa án mới được thụ lý giải quyết);về  thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án (Điều 161 BLDS 2005- trường hợp được hướng dẫn trong Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004, hay thời gian bị thiên tai lũ lụt,…); về bắt đầu lại thời hiện khởi kiện (Điều 162 BLDS 2005- Ví dụ người con trực tiếp quản lý nhà đất của cha mẹ để lại đã đồng ý cho thừa kế khác xây dựng nhà trên đất; hay trường hợp sau khi người để lại di sản chết, người con kê khai đăng ký quyền sử dụng đất vẫn xác định đất là của cha mẹ để lại; trường hợp người con tuy thừa nhận tài sản mình đang quản lý là của cha mẹ để lại nhưng không đồng ý chia vì đã hết 10 năm,…), để xác định thời hiệu dài hơn 10 năm.

    Về phần di sản xác định đã hết thời hiệu khởi kiện về thừa kế, BLDS không có quy định giải quyết phần di sản hết thời hiệu này như thế nào, nên rất khó tìm được điều luật để áp dụng giải quyết những tình huống phát sinh trên thực tế. Đó là những vụ án phải phân chia di sản trong tài sản chung vợ chồng là nhà ở, quyền sử dụng đất mà một bên đã hết thời hiệu, thì xác định phần hết thời hiệu thừa kế bằng hiện vật ở vị trí nào trong khối tài sản chung vợ chồng? Tòa án có quyền giải quyết được tạm giao hay không tạm giao quản lý phần di sản hết thời hiệu? Nếu tạm giao thì giao cho ai? Nếu các bên có tranh chấp về việc tạm giao này thì giải quyết như thế nào?...Thực tiễn giải quyết loại tranh chấp này ở các Tòa án địa phương cũng rất khác nhau: Có Tòa án chỉ phân chia phần di sản còn thời hiệu, phần hết thời hiệu không giải quyết tạm giao cho ai quản lý; có Tòa án cũng không giải quyết phần di sản hết thời hiệu nhưng lại tạm giao cho một bên quản lý và ghi rõ cho đến khi nào pháp luật có quy định mới…Ngay cả việc tạm giao quyền quản lý di sản hết thời hiệu trong nhiều vụ án cũng rất khác nhau: có vụ án Tòa án sơ thẩm tạm giao phần di sản hết thời hiệu của ông nội cho cháu trai trưởng tiếp tục quản lý (do người cha đã chết) thì chú ruột kháng cáo yêu cầu phải được giao cho mình quản lý, Tòa án cấp phúc thẩm tạm giao cho người chú 2/3, cháu trai 1/3,…nhưng cũng đều không đưa ra được cơ sở pháp lý để tạm giao quyền quản lý di sản.

    BLDS cũng có các quy định để bảo vệ quyền tài sản của người hưởng thừa kế để đảm bảo tính liên tục của quyền sở hữu: kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế có các quyền, nghĩa vụ tài sản do người chết để lại (Điều 636); căn cứ xác lập quyền sở hữu là do được thừa kế tài sản (Điều 170, 245); thời hạn từ chối nhận di sản là 6 tháng kể từ ngày mở thừa kế (Điều 642),…Nghị định số 71/2010/NĐ-CP ngày 23/6/2010 hướng dẫn thi hành Luật nhà ở cũng quy định rất rõ:Thời điểm chuyển quyền sở hữu nhà ở đối với trường hợp thừa kế nhà ở được tính từ thời điểm mở thừa kế. Khoản 4 Điều 5 Thông tư liên tịch số 23 ngày 19/5/2014 cũng quy định: Trường hợp nhiều người được thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất mà những người được hưởng thừa kế có văn bản thỏa thuận chưa phân chia thừa kế và đề nghị cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đối với toàn bộ diện tích đất, tài sản gắn liền với đất để thừa kế thì cấp một Giấy chứng nhận cho người đại diện đó… Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/8/2004 cũng quy định không áp dụng thời hiệu về thừa kế để bảo vệ quyền sở hữu của các đồng thừa kế khi tài sản chung bị người thứ ba xâm phạm.

    Như vậy, kể từ thời điểm mở thừa kế, những người thừa kế đã được hưởng đầy đủ các quyền năng của chủ sở hữu- họ được coi là đồng sở hữu tài sản chung là di sản thừa kế. Tài sản chung này được xác định theo phần của từng người nhưng là tài sản chung chưa chia- cho đến khi họ thỏa thuận phân chia, hoặc nếu không tự giải quyết được thì có quyền yêu cầu Tòa án phân chia tài sản chung. Việc phân chia tài sản chung dựatrên nguyên tắc là sự tự nguyện thỏa thuận, không xâm phạm quyền lợi của người thứ ba. Như vậy, di sản thừa kế chẳng qua cũng là một dạng của phân chia tài sản chung mà thôi, nhưng BLDS lại có hạn chế quyền yêu cầu phân chia di sản thừa kế mà không  có quy định nào hạn chế vể thời hiệu khởi kiện chia tài sản chung.

    Với các quy định nêu trên và quy định về thời hiệu khởi kiện thừa kế của  BLDS 2005 đã cho thấy chưa có sự tương thích với các quy định có liên quan về quyền sở hữu và thiếu các quy định giải quyết về di sản hết thời hiệu, nên thực tế có hiện tượng không thống nhất áp dụng pháp luật khi giải quyết tranh chấp di sản thừa kế hết thời hiệu.

    2. BLDS năm 2015 (có hiệu lực 01/01/2016) đã có một số các quy định mới để khắc phục những vướng mắc trong thực tiễn về thừa kế.

    - Về thời hiệu về thừa kế (Điều 623) có quy định mới, kéo dài thời hiệu chia di sản thừa kế là bất động sản và có quy định về giải quyết di sản hết thời hiệu:

    1-Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế.Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

    a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

    b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này.

    2- Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu xác nhận quyền thừa kế của mình hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế.

    Như vậy, thực chất quy định mới chỉ kéo dài thời hiệu thêm 20 năm đối với di sản là bất động sản và có quy định mới là di sản hết thời hiệu thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản. Thực tế, khái niệmngười thừa kế cũng đã có nhiều cách hiểu khác nhau: có nhất thiết phải là người cùng hàng thừa kế thứ nhất hay không? Nếu kéo dài thời hiệu 30 năm thì chưa chắc hàng thừa kế thứ nhất đã còn sống vào thời điểm phân chia nên gặp trường hợp cô, chú còn sống nhưng anh trai đã chết, cháu trai được thừa kế thế vị là người đang quản lý di sản, thì cháu trai có được coi là người thừa kế để vận dụng quy định này công nhận cho người cháu quyền sở hữu di sản hết thời hiệu được không? Trường hợp người quản lý di sản chỉ là con dâu, hoặc do các cụ không có con trai thì cháu họ quản lý di sản thì giải quyết thế nào? Trường hợp nhiều người thừa kế (không phải tất cả) cùng quản lý di sản thừa kế thì có được công nhận cho họ phần đang quản lý hay không? Nếu có người thừa kế quản lý di sản 25 năm, đến 5 năm sau chết người khác quản lý thì giao cho người quản lý sau, liệu có phù hợp không? Theo quan điểm cá nhân tôi, quy định mới này chưa thực sự giải quyết được hết các trường hợp tranh chấptrên thực tiễn đã đặt ra.

    - BLDS năm 2015 (khoản 2 Điều 14) và BLTTDS 2015 (có hiệu lực ngày 01/7/2016) đều có quy định mới: Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự vì lý do chưa có Điều luật để áp dụng. Vậy nếu di sản thừa kế đã hết thời hiệu 10 năm theo BLDS 2005 chưa giao cho ai (hoặc Tòa án đã tạm giao cho một người quản lý), nayBLDS 2015 có hiệu lực thì các thừa kế đều có yêu cầu Tòa án giao cho mình quyền quản lý thì căn cứ vào Điều luật nào để giải quyết? dựa vào tập quán hay quy định tương tự nào của pháp luật để giải quyết?

    Trên đây là một số trường hợp thực tiễn có thể phát sinh trong quá trình áp dụng pháp luật về thời hiệu thừa kế, tác giả xin đưa ra để các đồng nghiệp có ý kiến trao đổi.

         Phan Thị Vân Hương, Nguyễn Thị Hà - Vụ Giám đốc kiểm tra  II TANDTC

     
    4097 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận