Một số vấn đề về thẩm quyền của Hội đồng giám đốc thẩm theo quy định của Bộ luật TTHS 2015
Hồ Nguyễn Quân
So với quy định tại Điều 285 BLTTHS năm 2003 thì điều 388 của BLTTHS 2015 có hai bổ sung quan trọng:
Thứ nhất, bổ sung thẩm quyền “đình chỉ xét xử giám đốc thẩm” (tại khoản 6). Việc bổ sung thẩm quyền này để giải quyết những trường hợp người có thẩm quyền kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm rút quyết định kháng nghị theo quy định tại Khoản 3 của Điều 381 BLTTHS. (BLTTHS năm 2003 không có quy định này, cho nên trên thực tiễn khi rút quyết định kháng nghị thì Tòa án cũng không ra quyết định mà mặc nhiên được coi là không còn thủ tục giám đốc thẩm).
Tuy BLTTHS năm 2015 có quy định về việc gửi quyết định kháng nghị Giám đốc thẩm cho những đối tượng quy định tại khoản 1 Điều 380 nhưng lại không có quy định nào về việc nếu rút kháng nghị trước khi mở phiên tòa giám đốc thẩm thì phải được gửi theo quy định tại Khoản 1 Điều 380 của Bộ luật. Chúng tôi cho rằng đó cũng là một thiếu sót của BLTTHS vì người bị kết án, cơ quan thi hành án hình sự, cơ quan thi hành án dân sự, những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến nội dung kháng nghị được biết về quyết định thay đổi, bổ sung kháng nghị của người kháng nghị thì họ đương nhiên phải được nhận quyết định rút một phần hoặc toàn bộ kháng nghị.
Thứ hai, BLTTHS 2015 bổ sung thẩm quyền “Sửa bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật” (tại khoản 5, Điều 388). Đây là một quy định mới, tuy nhiên quy định này còn một số vướng mắc bất cập, cụ thể là:
+ Một là, Hiến pháp năm 2013 đã quy định: “xét xử sơ thẩm và phúc thẩm được đảm bảo” như vậy bản chất của quy định này vẫn là nguyên tắc bảo đảm hai cấp xét xử mà không có cấp xét xử thứ ba.
+ Hai là, theo quy định tại Điều 370 thì tính chất của giám đốc thẩm “là xét lại bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật nhưng bị kháng nghị vì phát hiện có vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án”. Nhưng một vấn đề đặt ra là đối với vụ án thuộc diện bị sửa thì bản chất của những vụ án đó là những vụ án không có vi phạm nghiêm trọng được (vì nếu vi phạm nghiêm trọng thì phải hủy) nên lại không phải là đối tượng thuộc phạm vi của giám đốc thẩm. Mặc dù khoản 1 Điều 371 đã bổ sung thêm căn cứ kháng nghị là: “Kết luận trong bản án, quyết định của Tòa án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án”, tuy nhiên bản án không phù hợp với các tình tiết khách quan của vụ án thì có thể được xem là sai lầm nghiêm trọng không? Nếu là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng pháp luật thì bản án, quyết định đó phải hủy chứ không thể là sửa.
Ba là, trong trường hợp bản án, quyết định sơ thẩm có hiệu lực pháp luật tức là không có kháng cáo, kháng nghị mà Hội đồng giám đốc thẩm có thẩm quyền sửa bản án, quyết định đó thì vô hình chung đã tước đi quyền kháng cáo, quyền kháng nghị của những người tham gia tố tụng và của VKS vì quyết định giám đốc thẩm có hiệu lực thi hành ngay.
Bốn là, tại khoản 2 Điều 393 quy định: “2. Việc sửa bản án, quyết định không làm thay đổi bản chất của vụ án, không làm xấu đi tình trạng của người bị kết án, không gây bất lợi cho bị hại, đương sự.” Quy định này có nghĩa là Hội đồng xét xử Giám đốc thẩm chỉ sửa bản án quyết định khi có lợi cho người bị kết án như: sửa tội danh nhẹ hơn, giảm hình phạt chính, giảm hình phạt bổ sung; sửa về việc áp dụng các biện pháp tư pháp như tịch thu vật, tiền mà Tòa án cấp Giám đốc thẩm có căn cứ cho rằng vật, tiền đó không trực tiếp liên quan đến vụ án…Hội đồng xét xử giám đốc thẩm không được tăng hình phạt, kể cả hình phạt chính, hình phạt bổ sung, áp dụng thêm biện pháp tư pháp hoặc áp dụng thêm hình phạt bổ sung, không được sửa về biện pháp chấp hành hình phạt (không cho hưởng án treo), không được sửa về tăng án phí hình sự, dân sự sơ thẩm…
Như vậy, Hội đồng xét xử giám đốc thẩm chỉ có thể sửa bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với những sai lầm của bản án, quyết định này về áp dụng hình phạt bổ sung, áp dụng biện pháp tư pháp, xử lý vật chứng, sửa giảm về án phí hình sự, án phí dân sự nếu án phí đó bất lợi cho bị cáo. Theo quy định trên thì đối với những bản án, quyết định mặc dù có vi phạm thủ tục tố tụng nhưng vẫn bảo đảm có căn cứ, đúng pháp luật không có sai lầm nghiêm trọng trong việc giải quyết vụ án thì cũng không cần thiết phải kháng nghị. Do đó, nếu hiểu và thực hiện đúng quy định của khoản 2 Điều 371 BLTTHS này thì rất ít bản án, quyết định bị kháng nghị để sửa, tức là tính khả thi của điều luật không cao. Từ những vướng mắc trên, cần có sự hướng dẫn cụ thể của Tòa án nhân dân tối cao để áp dụng thống nhất trong thực tiễn xét xử trong thời gian tới./.