CHU XUÂN MINH - Các phiên tòa của Hội đồng Thẩm phán TANDTC trong tháng 9 vừa qua đã giải quyết nhiều vụ việc và rút ra những vấn đề về chuyên môn, nghiệp vụ. Dưới đây là một số vụ việc điển hình.
Bị thu hồi đất từ năm 1996, nay có còn quyền khiếu nại không?
Năm 1996, hộ ông Huỳnh bị thu hồi 2.370m2đất làm lộ Bờ Tây, thị xã Bạc Liêu. Từ năm 2000 đến năm 2014, Ông Huỳnh đã nhiều lần khiếu nại về việc không được đền bù đất bị thu hồi.
Ngày 21/4/2015, Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành Quyết định số 556/QĐ-UBND có nội dung: “Phần đất của ông Huỳnh bị ảnh hưởng do làm lộ Bờ Tây vào năm 1996 là trước khi Nghị định số 22/1998/NĐ-CP ngày 24/4/1998 của Chính phủ được ban hành. Thời điểm này, pháp luật về đất đai không có quy định chính sách bồi thường đối với việc thu hồi đất phục vụ vào mục đích quốc phòng, an ninh; đất giao thông, thủy lợi…Mặt khác, khiếu nại của ông Huỳnh thuộc một trong những trường hợp không được thụ lý giải quyết theo quy định tại khoản 6 Điều 11 Luật Khiếu nại năm 2011”.
Ông Huỳnh có đơn khởi kiện yêu cầu hủy Quyết định hành chính số 558/QĐ-UB nêu trên. Bản án hành chính sơ thẩm số 13/2015/HC-ST ngày 25/8/2015 của TAND tỉnh Bạc Liêu và Bản án hành chính phúc thẩm số 55/HC-PT ngày 07/6/2016 của TAND cấp cao tại TP. Hồ Chí Minh đều đã bác yêu cầu của ông Huỳnh. Ông Huỳnh có đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm. Tại phiên tòa ngày 26/9/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã quyết định hủy bản án phúc thẩm và bản án sơ thẩm, giao cho TAND tỉnh Bác Liêu xét xử sơ thẩm lại.
Một số vấn đề nghiệp vụ đã được nêu ra là:
Bản án sơ thẩm và Bản án phúc thẩm đã chấp nhận nhận xét của Chủ tịch UBND tỉnh là không có quy định về bồi thường khi thu hồi đất vào thời điểm năm 1996 là không đúng. Năm 1996 là thời kỳ thi hành Luật Đất đai năm 1993. Điều 27 Luật Đất đai năm 1993 quy định: “Trong trường hợp thật cần thiết, Nhà nước thu hồi đất của người đang sử dụng đất để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng thì người bị thu hồi đất được đền bù thiệt hại”.
Tại Điều 3 Nghị định số 90/CP ngày 7/8/1994 cũng quy định: “Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất hợp pháp mà bị Nhà nước thu hồi đất thì được Nhà nước đền bù thiệt hại về đất và đền bù thiệt hại về tài sản hiện có trên đất”. Như vậy, yêu cầu đền bù thiệt hại do bị thu hồi đất của ông Huỳnh là có căn cứ pháp lý.
Việc xác định thời hiệu khiếu nại của ông Huỳnh đã hết mà không có lý do chính đáng cũng là không đúng. Thời hiệu khiếu nại theo quy định tại Điều 9 Luật Khiếu nại năm 2011 là 90 ngày kể từ ngày nhận được quyết định hoặc biết được quyết định hành chính hoặc hành vi hành chính. Khoản 6 Điều 11 của Luật này cũng quy định không thụ lý giải quyết đối với trường hợp đã hết thời hiệu khiếu nại. Tuy nhiên, ông Huỳnh đã xuất trình được chứng cứ chứng minh ông khiếu nại nhiều lần từ năm 2000 đến năm 2014 và chưa có quyết định giải quyết khiếu nại cuối cùng theo quy định của pháp luật. Do đó, việc bác yêu cầu của ông Huỳnh với lý do đã hết thời hiệu khiếu nại là không đúng.
“Văn tự bán ao” có xác nhận của lý trưởng và chưởng bạ có thuộc loại giấy tờ quy định tại Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 hay không?
Nguồn gốc 360m2 đất ao tại thôn Mai Thượng là của cụ Hoàng Văn mua của cụ Đặng Văn năm 1938, thể hiện bằng “Văn tự bán ao” có xác nhận của lý trưởng và chưởng bạ. Năm 2012, khi gia đình ông L lấp ao thì xảy ra tranh chấp giữa ông L, ông V và ông M. UBND huyện Hiệp Hòa đã có Quyết định số 285/QĐ-UBND ngày 28/2/2013 giải quyết tranh chấp với nội dung công nhận quyền sử dụng đất cho ông L. Ông V và ông M có khiếu nại. Tại Quyết định số 1615/QĐ-UBND ngày 18/10/2013, UBND tỉnh Bắc Giang đã công nhận quyền sử dụng đất cho ông M. Ông L đã khởi kiện vụ án hành chính, yêu cầu hủy Quyết định số 1615/QĐ-UBND nêu trên.
Tại Bản án hành chính sơ thẩm số 03/2015/HC-ST, TAND tỉnh Bắc Giang đã không chấp nhận yêu cầu của ông L. Ông L kháng cáo. Tại Bản án hành chính phúc thẩm số 123/2017/HC-PT ngày 9/5/2017 của TAND cấp cao tại Hà Nội đã quyết định hủy Bản án hành chính sơ thẩm số 03/2015/HC-ST. UBND tỉnh Bắc Giang đã có kiến nghị giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm. Ngảy 26/9/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã xét xử giám đốc thẩm, hủy bản án hành chính phúc thẩm số 123/2017/HC-PT, giao cho TAND cấp cao xét xử phúc thẩm lại.
Một số vấn đề nghiệp vụ đã được nêu ra là:
Theo quy định tại Điều 136 Luật Đất đai năm 2003 (UBND huyện Hiệp Hòa giải quyết tranh chấp năm 2013 là trong thời kỳ thi hành Luật Đất đai năm 2003) thì “tranh chấp về quyền sử dụng đất mà đương sự có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc có một trong các loại giấy tờ quy định tại các Khoản 1, 2, và 5 Điều 50…” thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND.
Bản án hành chính phúc thẩm đã hủy Bản án hành chính sơ thẩm vì cho rằng “Văn tự bán ao” có chữ ký và đóng dấu của Lý trưởng và Chưởng bạ là một trong các loại giấy tờ quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003 nên tranh chấp về đất này thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án; UBND giải quyết tranh chấp là không đúng thẩm quyền.
Nhận xét của Bản án phúc thẩm là không chính xác. Lý trưởng là đại diện chính quyền cấp xã, Chưởng bạ là nhân viên giữ giấy tờ ruộng đất của xã. “Văn tự bán ao” nêu trên chỉ là khế ước (hợp đồng) mua bán có xác nhận của chính quyền chứ không phải “Giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền thuộc chế độ cũ cấp cho người sử dụng đất” quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 50 nêu trên. “Văn tự bán ao” nếu mang tên người đang sử dụng đất thì thuộc loại giấy tờ quy định ở Điểm d Khoản 1 Điều 50 là “Giấy tờ chuyển nhượng quyền sử dụng đất…trước ngày 15/10/1993” nhưng lại mang tên cụ Hoàng Văn. Hơn nữa, cũng không có giấy tờ chuyển quyền sử dụng đất của cụ Hoàng Văn cho ông L, ông V, ông M nên cũng không thuộc loại giấy tờ quy định tại Khoản 2 Điều 50 Luật Đất đai năm 2003. Do đó, việc UBND giải quyết tranh chấp đất đai này là đúng thẩm quyền, Tòa án cần căn cứ các quy định khác có liên quan để chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của người khởi kiện chứ không thể hủy bản án sơ thẩm với lý do UBND giải quyết không đúng thẩm quyền.
Trung tâm internet Việt Nam có phải là đương sự trong vụ án tranh chấp tên miền không?
Công ty TNHH một thành viên Thương mại và Đầu tư KH (Công ty KH) có đơn vị trực thuộc là Trung tâm Du lịch Tictours. Ngày 29/10/2010, Trung tâm Du lịch Tictours đã đăng ký tên miền “Tictours.vn” tại Trung tâm Tin học Viễn thông KH. Cùng ngày 29/10/2010,tên miền “Tictours.vn” đã được Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cấp phát sử dụng từ 29/10/2010 đến 29/10/2015.
Ngày 26/3/2015, Công ty KH có quyết định bổ nhiệm ông Phạm Duy H giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Du lịch Tictours từ 1/4/2015 thay cho Giám đốc đương nhiệm là ông Nguyễn Quang T. Ngày 30/3/2015, ông T nhân danh giám đốc Trung tâm Du lịch Tictours ký đơn trả lại tên miền “Tictours.vn”. Ngày 1/4/2015, ông T lại đăng ký tên miền “Tictours.vn” cho Công ty Trách nhiệm hữu hạn Lữ hành quốc tế Tictours (Công ty Tictours) do ông T làm Giám đốc và được cấp phép sử dụng tên miền này từ ngày 2/4/2015.
Ngày 14/7/2015, Công ty KH khởi kiện yêu cầu buộc Công ty Tictours trả lại tên miền “Tictours.vn”. Bản án kinh doanh, thương mại sơ thẩm số 02/2015/KDTM-ST ngày 9/11/2015 của TAND tỉnh Khánh Hòa và Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm số 10/2016/KDTM-PT ngày 26/4/2016 của TAND cấp cao tại Đà Nẵng đều không chấp nhận yêu cầu của Công ty KH. Công ty KH có đơn yêu cầu giám đốc thẩm. Chánh án TANDTC đã có kháng nghị giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm. Ngày 24/9/2019, Hội đồng Thẩm phán TANDTC đã xét xử giám đốc thẩm, hủy Bản án kinh doanh, thương mại phúc thẩm và Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm, giao xét xử sơ thẩm lại.
Một số vấn đề nghiệp vụ đã được nêu ra là:
Một ngày trước khi ông T thôi giữ chức danh Giám đốc Trung tâm Du lịch Tictours, ông T đã có đơn trả lại tên miền mà Trung tâm đang sở hữu mà không báo cáo với Công ty KH là vi phạm nghĩa vụ báo cáo theo quy chế hoạt động của Trung tâm. Lý do xin trả lại tên miền do không còn nhu cầu sử dụng là không đúng sự thật. Ngay sau khi rời khởi Công ty KH, ông T đã đăng ký đúng tên miền “Tictours.vn” cho công ty mà ông làm Giám đốc. Diễn biến như trên cho thấy có dấu hiệu của việc chiếm đoạt tên miền trái pháp luật; có dấu hiệu gây thiệt hại cho đơn vị đang sở hữu tên miền này là Trung tâm Du lịch Tictours.
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 10 Thông tư 19/2014/TT-BTTTT ngày 5/12/2014 của Bộ Thông tin và Truyền thông thì Trung tâm Internet Việt Nam phải thông báo tới chủ thể đang sở hữu tên miền kết quả hồ sơ hoàn trả tên miền trong thời hạn 3 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ hợp lệ. Trung tâm Internet Việt Nam và nhà đăng ký tên miền “.vn” lại hủy ngay tên miền “Tictours.vn” là có dấu hiệu không làm đúng quy định của pháp luật, gây thiệt hại cho Công ty KH. Như vậy, việc giải quyết vụ án có thể chấp nhận yêu cầu đòi lại tên miền của Công ty KH, có thể dẫn đến xác định Trung tâm Internet Việt Nam cũng có lỗi gây thiệt hại, sẽ phải thi hành án nếu yêu cầu đòi lại tên miền được chấp nhận. Do đó, việc giải quyết vụ án này có thể làm phát sinh nghĩa vụ dân sự của Trung tâm Internet Việt Nam.
Khoản 4 Điều 68 BLTTDS có quy định: “Trường hợp giải quyết vụ án dân sự có liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của một người nào đó mà không có ai đề nghị đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì Tòa án phải đưa họ vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan”. Tại phiên tòa giám đốc thẩm ngày 24/9/2019, Hội đồng Thẩm phán đã xác định, khi xét xử sơ thẩm lại phải đưa Trung tâm Internet Việt Nam vào tham gia tố tụng với tư cách đương sự là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Theo congly.vn