Trong khoảng thời gian từ năm 2017 trở lại đây, “ấu dâm” đang là chủ đề nóng của toàn xã hội được báo chí, truyền thông phản ánh và thu hút rất nhiều sự quan tâm của dư luận đồng thời nhận được nhiều phẫn nộ, lên án và đặt ra vấn đề hết sức bức thiết là trẻ em cần được bảo vệ một cách tốt hơn để tránh những nguy cơ xâm hại tình dục.
Vậy “ấu dâm” là gì?
Hiện tại, pháp luật Việt Nam chưa có định nghĩa, khái niệm gì về “ấu dâm”. Đồng thời, trên thực tế cũng không có một cách hiểu thống nhất về “ấu dâm” là gì. Ấu dâm có thể hiểu theo cách hiểu thông thường là lạm dụng tình dục trẻ em, là quá trình trong đó một người trưởng thành lợi dụng vị thế của mình nhằm dụ dỗ hay cưỡng ép trẻ em tham gia vào hoạt động tình dục. Hành vi lạm dụng tình dục có thể thay đổi từ việc sờ mó thân thể, bộ phận sinh dục, giao hợp bằng ngón tay cho đến là giao hợp qua đường sinh dục hoặc hậu môn. Lạm dụng tình dục ở trẻ em không chỉ giới hạn vào các tiếp xúc cơ thể mà còn bao gồm cả nhưng hành vi không tiếp xúc như khoe bộ phận sinh dục cho trẻ thấy, rình xem trộm hoặc sử dụng hình ảnh Khiêu dâm trẻ em.
Người có xu hướng ấu dâm đa phần là nam giới đã thành niên. Những người có xu hướng ấu dâm vẫn có những biểu hiện như người bình thường nên rất khó phát hiện hành vi lạm dụng tình dục của họ với trẻ em. Trẻ em là nạn nhân của hành vi ấu dâm rơi vào nhiều độ tuổi khác nhau, kể cả trẻ em từ 4 đến 5 tuổi cũng có khả năng là đối tượng của những kẻ có hành vi này, thậm chí là trẻ em sơ sinh.
Pháp luật Việt Nam đối với những hành vi dâm ô được quy định trong Bộ luật hình sự Việt Nam 2015, bao gồm:
Điều 142: Tội Hiếp dâm người dưới 16 tuổi
Điều 144: Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi.
Điều 145: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 đến dưới 16 tuổi.
Điều 146: Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi.
Điều 147: Tội sử dụng người dưới 16 tuổi và mục đích dâm ô.
Ở các quy định này được quy định về hành vi và chế tài, cụ thể:
Điều 142: Tội hiếp dâm trẻ dưới 16 tuổi sẽ bị phạt tù từ 07 - 15 năm (nếu phạm tội trong trường hợp thuộc Khoản 2 Điều này sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm; Khoản 3 Điều này sẽ bị phạt tù 20 năm, tù chung thân, hoặc tử hình).
Điều 144: Tội cưỡng dâm người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ bị phạt tù 05 - 10 năm (nếu phạm tội trong trường hợp thuộc Khoản 2 Điều này sẽ bị phạt tù từ 07 - 15 năm; Khoản 3 Điều này sẽ bị phạt tù từ 12 đến 20 năm hoặc tù chung thân).
Điều 145: Tội giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi
Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà giao cấu hoặc thực hiện hành vi quan hệ tình dục khác với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 16 tuổi, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 142 và Điều 144 của Bộ luật này, thì bị phạt tù từ 01 - 05 năm.
Nếu phạm tội trong trường hợp thuộc Khoản 2 Điều này sẽ bị phạt tù từ 03 - 10 năm; Khoản 3 Điều này sẽ bị phạt tù từ 07 - 15 năm.
Điều 146. Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi
Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng - 03 năm.
Nếu phạm tội trong trường hợp thuộc Khoản 2 Điều này sẽ bị phạt tù từ 03 - 07 năm; Khoản 3 Điều này sẽ bị phạt tù từ 07 - 12 năm.
Theo một báo công vừa được công bố hồi tháng 1/2019 do Economist Intelligence Unite (EIU) thực hiện, Việt Nam đạt 42,9 điểm trên 100, đứng thứ 37 trên 40 nước về chống xâm hại tình dục trẻ em. Xâm hại tình dục trẻ em ở Việt Nam năm 2018 được thống kê có 1,547 vụ với 1,579 nạn nhân và phát hiện 1,669 đối tượng.
Dưới gốc độ pháp luật, các hành vi lạm dụng tình dục trẻ em được quy định và xử lý nghiêm khắc nhưng trên thực trạng, vì những lí do riêng mà gia đình của những trẻ em bị xâm hại lại không tố cáo những tội phạm này. Gia đình của nạn nhân có thể vì muốn bảo vệ những điều tốt đẹp, hình ảnh tốt đẹp cho con, cho chính mình mà im lặng. Họ sợ con cái bị tổn thương và nghĩ rằng, che giấu được mọi chuyện, con họ sẽ tránh những tổn thương ấy. Họ hoàn toàn vô tình để con họ có nguy cơ bị tổn thương ghê gớm hơn khi việc vỡ lẽ lúc chúng đã lớn. Họ ngại tố giác tội phạm ấu dâm cũng chỉ vì mong muốn những điều tốt nhất cho con mình. Cũng có thể, kẻ ấu dâm đã có những thỏa thuận riêng với gia đình bị hại và cả hai bên giải quyết với nhau qua những hòa giải cá nhân. Khi đã được bồi thường về tinh thần và vật chất, gia đình nạn nhân có thể nghĩ đến chuyện bỏ qua.
Trước những vụ án hay tình hình tội phạm liên quan đến ấu dâm hiện nay, toàn xã hội đã, đang và sẽ mạnh mẽ hơn nữa để những kẻ phạm tội phải đứng trước đối diện với hình phạt. Gia đình, nhà trường và các cơ quan chức năng phải phối hợp chặt chẽ hơn nữa để phòng ngừa tội phạm, tìm ra căn cơ của tội phạm để đẩy lùi tình hình, đảm bảo đúng người đúng tội, đảm bảo cho các em sinh ra và lớn lên trong một môi trường xã hội an toàn và lành mạnh.