Chào bạn!
Theo quan điểm của tôi thì cách tổng hợp hình phạt trong các bản án thì Bộ luật hình sự có quy định tại Điều 51, cụ thể:
"Điều 51. Tổng hợp hình phạt của nhiều bản án
1. Trong trường hợp một người đang phải chấp hành một bản án mà lại bị xét xử về tội đã phạm trước khi có bản án này, thì Tòa án quyết định hình phạt đối với tội đang bị xét xử, sau đó quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật này.
Thời gian đã chấp hành hình phạt của bản án trước được trừ vào thời hạn chấp hành hình phạt chung.
2. Khi xét xử một người đang phải chấp hành một bản án mà lại phạm tội mới, Tòa án quyết định hình phạt đối với tội mới, sau đó tổng hợp với phần hình phạt chưa chấp hành của bản án trước rồi quyết định hình phạt chung theo quy định tại Điều 50 của Bộ luật này.
3. Trong trường hợp một người phải chấp hành nhiều bản án đã có hiệu lực pháp luật mà các hình phạt của các bản án chưa được tổng hợp, thì Chánh án Toà án ra quyết định tổng hợp các bản án theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này."
Về việc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ với tư cách là hình phạt chính thì không cần bàn cãi nhiều vì pháp luật cũng đã quy định khá cụ thể. Tuy nhiên khác với "án treo" nếu trong thời gian thử thách mà phạm tội mới thì sẽ tổng hợp hình phạt của án treo với hình phạt mới buộc bị cáo chấp hành, còn hình phạt cải tạo không giam giữ thì sẽ thực hiện theo quy định của khoản 2 Điều 51 nêu trên.
Vấn đề ở đây là phải xác định thời điểm kết thúc chấp hành thời gian cải tạo không giam giữ và hiện nay pháp luật hình sự còn thiếu sót ở vấn đề này. Như vậy, để xác định thời điểm kết thúc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, thông thường nếu pháp luật chưa quy định thì phải xem xét theo góc độ có lợi cho bị cáo, nghĩa là phải xác định thời gian kết thúc chấp hành cải tạo không giam giữ là thời điểm bản án hình sự mới có hiệu lực pháp luật. Trường hợp, nếu có thời gian tam giữ, tạm giam thì sẽ được tính "mỗi ngày tạm giữ, tạm giam bằng 3 ngày cải tạo không giam giữ". Trường hợp sau khi trừ thời gian tam giữ, tạm giam đến thời điểm bản án có hiệu lực pháp luật mà vẫn còn thời hạn cải tạo chưa giam giữ thì tiếp tục quy đổi "3 ngày cải tạo bằng 1 ngày tù giam". Nếu tạm giam, tạm giữ quá số ngày quy đổi cải tạm không giam giữ thì xem như đã chấp hành xong hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt tù giam được tính bắt đầu từ ngày tạm giữ, tạm giam (sau khi đã trừ số lượng ngày cải tạo không giam giữ quy đổi). Việc áp dụng cách thức này căn cứ trên nguyên tắc "Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật" (khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013).
Tuy nhiên, do chưa có quy định cụ thể về cách tổng hợp hình phạt giữa cải tạo không giam giữ và hình phạt tù nên thực tế sẽ có nhiều cách hiểu khác nhau về vấn đề này liên quan đến việc xác định thời điểm kết thúc chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ khi phạm tội mới.
Trên đây là vài dòng trao đổi với bạn!