"Mống đông vồng tây, chẳng mưa dông cũng bão giật" được hiểu là gì? Có những biện pháp cơ bản nào để ứng phó với bão? Bài viết sẽ cung cấp một số thông tin liên quan đến vấn đề này.
"Mống đông vồng tây, chẳng mưa dông cũng bão giật" được hiểu là gì?
- "Mống" nghĩa là đoạn cầu vồng phía chân trời hay còn gọi là một nửa cầu vồng.
- "Vồng" tức là chỉ cầu vồng. Là hiện tượng quang học rất đặc biệt trong khí quyển, đây là hiện tượng khúc xạ ánh sáng, bởi trong các hạt nước li ti tạo thành cầu vồng 7 màu sắc. Đồng thời cũng mang lại cho mọi người biết về dấu hiệu thời tiết.
- "Mống đông" tức là ở đâu đấy trên biển phía Đông có thể xuất hiện các cơn giông, cơn bão, báo trước cho mọi người biết ở ngoài khơi đang có cơn giông, cơn bão.
- Ở phía Tây của Việt Nam vào mùa hè thường gặp các đợt giông. Để có được cầu vồng ở phía Tây thì các đám mây, các hạt nước li ti lại xuất hiện ở phía Đông. Cầu vồng lúc nào cũng xuất hiện ngược với các đám mây nên "mống đông" chắc chắn sẽ phải thấy vào buổi chiều, tối, nhưng "vồng tây" là phải thấy vào sáng sớm.
- "Vồng tây" có nghĩa là mây ở ngoài biển Đông rất nhiều và rất lớn. "Mống đông" là những khối mây phía Tây đang bắt đầu có những biểu hiện để gây ra những cơn mưa rào, cơn giông vào buổi chiều, tối, thường là những cơn giông rất mạnh.
- "Mưa dông" nghĩa là mưa to.
- "Bão giật" có nghĩa gió xoáy trong phạm vi rộng trong một vùng có áp suất không khí giảm xuống rất thấp, thường phát sinh từ biển khơi, có sức phá hoại dữ dội do gió lớn, mưa to.
- Nghĩa của câu tục ngữ "mống đông vồng tây, chẳng mưa dông cũng bão giật" là một kinh nghiệm dự đoán thời tiết. Nếu trời có cầu vồng ở phía đông hoặc phía tây là sắp có mưa to gió lớn. Kinh nghiệm trên vẫn còn giá trị đến ngày nay vì nó giúp chúng ta biết trước thời tiết để phòng tránh mưa bão.
- Không chỉ vậy, câu tục ngữ "mống đông vồng tây, chẳng mưa dông cũng bão giật" còn nhắc nhở con người cần đề phòng, chú ý trước sự biến đổi bất thường của thời tiết từ cảnh vật xung quanh từ đó có sự phòng bị cho tình huống nếu có thời tiết xấu xảy đến. Theo đó, phòng ngừa chủ động, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và hiệu quả khi xảy ra thiên tai là nguyên tắc cơ bản trong phòng, chống thiên tai.
Bão là gì? Bão có phải là thiên tai không?
Căn cứ tại khoản 7 Điều 5 Quyết định 18/2021/QĐ-TTg quy định về bão được định nghĩa như sau:
Bão là một xoáy thuận nhiệt đới có sức gió mạnh nhất từ cấp 8 trở lên và có thể có gió giật. Bão có sức gió mạnh nhất từ cấp 10 đến cấp 11 gọi là bão mạnh, từ cấp 12 đến cấp 15 gọi là bão rất mạnh, từ cấp 16 trở lên gọi là siêu bão.
Căn cứ tại khoản 1 Điều 3 Luật Phòng chống thiên tai 2013 được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020 quy định về thiên tai như sau:
Thiên tai là hiện tượng tự nhiên bất thường có thể gây thiệt hại về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và các hoạt động kinh tế - xã hội, bao gồm:
- Bão, áp thấp nhiệt đới, gió mạnh trên biển, lốc, sét, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt;
- Sạt lở đất, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy hoặc hạn hán;
- Nước dâng, xâm nhập mặn, nắng nóng, hạn hán, cháy rừng do tự nhiên, rét hại, mưa đá, sương mù, sương muối, động đất, sóng thần và các loại thiên tai khác.
Như vậy, bão là một trong những hiện tượng thiên tai. Ở Việt Nam, bão thường di chuyển lên phía Bắc.
Có những biện pháp cơ bản nào để ứng phó với bão?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 26 Luật Phòng chống thiên tai 2013 được sửa đổi bởi điểm d khoản 4 Điều 54 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định về các biện pháp cơ bản ứng phó với bão như sau:
Căn cứ vào loại thiên tai, cấp độ rủi ro thiên tai xảy ra, Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; ban chỉ huy phòng thủ dân sự Bộ, cơ quan ngang Bộ; ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương quyết định lựa chọn một hoặc một số biện pháp phù hợp.
Đối với biện pháp cơ bản ứng phó đối với bão, áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, lũ, lũ quét, ngập lụt, nước dâng, sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy, sụt lún đất do mưa lũ hoặc dòng chảy được quy định như sau:
- Sơ tán người ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không bảo đảm an toàn; tập trung triển khai biện pháp bảo đảm an toàn cho người, đặc biệt đối tượng dễ bị tổn thương trong tình huống thiên tai khẩn cấp;
- Di chuyển tàu thuyền, phương tiện nuôi trồng thuỷ sản trên biển, ven biển, trên sông ra khỏi khu vực nguy hiểm; tổ chức kiểm đếm, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu hoặc thực hiện biện pháp khác để bảo đảm an toàn;
- Thực hiện biện pháp bảo đảm an toàn đối với nhà cửa, công sở, bệnh viện, trường học, kho tàng, công trình và cơ sở kinh tế, an ninh, quốc phòng;
- Chủ động thực hiện biện pháp bảo vệ sản xuất;
- Kiểm tra, phát hiện và xử lý sự cố công trình phòng, chống thiên tai, công trình trọng điểm về kinh tế - xã hội và an ninh, quốc phòng;
- Giám sát, hướng dẫn và chủ động thực hiện việc hạn chế hoặc cấm người, phương tiện đi vào khu vực nguy hiểm trên sông, trên biển, khu vực và tuyến đường bị ngập sâu, khu vực có nguy cơ sạt lở đất do mưa lũ hoặc dòng chảy và khu vực nguy hiểm khác;
- Bảo đảm giao thông và thông tin liên lạc đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, chỉ huy phòng, chống thiên tai;
- Thực hiện hoạt động tìm kiếm cứu nạn, cứu chữa người bị thương, hỗ trợ lương thực, thuốc chữa bệnh, nước uống và nhu yếu phẩm khác tại khu vực bị chia cắt, khu vực ngập lụt nghiêm trọng và địa điểm sơ tán;
- Bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ tài sản của Nhà nước và nhân dân tại khu vực xảy ra thiên tai;
- Huy động khẩn cấp và tuân thủ quyết định chỉ đạo, huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, phương tiện, trang thiết bị, nhu yếu phẩm để kịp thời ứng phó với bão.
Như vậy, khi bão xảy ra thì Nhà nước sẽ có các biện pháp ứng phó như trên. Cơ quan thực hiện là Ban chỉ đạo phòng thủ dân sự quốc gia; ban chỉ huy phòng thủ dân sự Bộ, cơ quan ngang Bộ; ban chỉ huy phòng thủ dân sự địa phương.
Như vậy, câu tục ngữ "mống đông vồng tây, chẳng mưa dông cũng bão giật" nó phản ánh kinh nghiệm của người xưa trong việc dự đoán thời tiết dựa vào hướng gió và các hiện tượng thiên nhiên. Câu này nhắc nhở chúng ta cần chú ý đến những dấu hiệu của thiên nhiên để có sự chuẩn bị thích hợp.