MỚI: Từ A – Z các trường hợp bắt buộc phải viết hoa trong VB QPPL từ 1/1/2021

Chủ đề   RSS   
  • #566361 08/01/2021

    shin_butchi
    Top 50
    Dân Luật bậc 1


    Tham gia:18/04/2015
    Tổng số bài viết (1913)
    Số điểm: 87629
    Cảm ơn: 836
    Được cảm ơn 1904 lần


    MỚI: Từ A – Z các trường hợp bắt buộc phải viết hoa trong VB QPPL từ 1/1/2021

    Từ A – Z các trường hợp bắt buộc phải viết hoa

    các trường hợp bắt buộc phải viết hoa

    Tại Nghị định 154/2020/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 34/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021 đã bổ sung khoản 7 vào điều 69 NĐ 34 về sử dụng ngôn ngữ trong văn bản.

    Cụ thể chữ viết hoa trong văn bản được sử dụng đúng quy tắc chính tả tiếng Việt và theo hướng dẫn tại Phụ lục VI kèm theo Nghị định 154/2020/NĐ-CP.

    Cụ thể hướng dẫn tại phụ lục IV của Nghị định 154 các trường hợp viết hoa trong văn bản QPPL gồm:

    I. VIẾT HOA VÌ PHÉP ĐẶT CÂU

    1. Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của một câu hoàn chỉnh: sau dấu chấm câu (.); sau dấu hai chấm trong ngoặc kép (:"..."); khi xuống dòng hoặc bắt đầu đoạn.

    2. Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất của khoản, điểm.

    II. VIẾT HOA DANH TỪ RIÊNG CHỈ TÊN NGƯỜI

    1. Danh từ riêng chỉ tên người Việt Nam:

    a) Tên thông thường: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết của danh từ riêng chỉ tên người.

    Ví dụ: Nguyễn Ái Quốc, Trần Phú, Giàng A Pao, Kơ Pa Kơ Long.

    b) Tên hiệu, tên gọi nhân vật lịch sử: Viết hoa chữ cái đầu tất cả các âm tiết.

    Ví dụ: Vua Hùng, Bà Triệu, Ông Gióng, Đinh Tiên Hoàng, Lý Thái Tổ, Bác Hồ, Cụ Hồ.

    2. Danh từ riêng chỉ tên người nước ngoài được phiên âm chuyển sang tiếng Việt:

    a) Trường hợp phiên âm sang âm Hán - Việt: Viết theo quy tắc viết tên người Việt Nam.

    Ví dụ: Kim Nhật Thành, Mao Trạch Đông, Thành Cát Tư Hãn.

    b) Trường hợp phiên âm không sang âm Hán - Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất trong mỗi thành phần.

    Ví dụ: Vla-đi-mia I-lích Lê-nin, Phri-đrích Ăng-ghen, Phi-đen Cat-xtơ-rô.

    III. VIẾT HOA TÊN ĐỊA LÝ

    1. Tên địa lý Việt Nam:

    a) Tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung (tỉnh, thành phố, quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn) với tên riêng của đơn vị hành chính đó: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành tên riêng và không dùng gạch nối.

    Ví dụ: thành phố Thái Nguyên, tỉnh Nam Định, tỉnh Đắk Lắk; quận Hải Châu, huyện Gia Lâm, huyện Ea H'leo, thị xã Sông Công, thị trấn Cầu Giát: phường Nguyễn Trãi, xã Ia Yeng, phường Điện Biên Phủ.

    b) Trường hợp tên đơn vị hành chính được cấu tạo giữa danh từ chung kết hợp với chữ số: Viết hoa cả danh từ chung chỉ đơn vị hành chính đó.

    Ví dụ: Phường 15, Quận 8.

    c) Trường hợp viết hoa đặc biệt: Thủ đô Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

    d) Tên địa lý được cấu tạo giữa danh từ chung chỉ địa hình (sông, núi, hồ, biển, cửa, bến, cầu, vũng, lạch, vàm v.v...) với danh từ riêng (có một âm tiết) trở thành tên riêng của địa danh đó: Viết hoa tất cả các chữ cái tạo nên địa danh.

    Ví dụ: Cửa Lò, Vũng Tàu, Lạch Trường, Vàm Cỏ, Cầu Giấy.

    Trường hợp danh từ chung chỉ địa hình đi liền với danh từ riêng: Không viết hoa danh từ chung mà chỉ viết hoa danh từ riêng.

    Ví dụ: biển Cửa Lò, chợ Bến Thành, sông Vàm Cỏ, vịnh Hạ Long.

    đ) Tên địa lý chỉ một vùng, miền, khu vực nhất định được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với từ chỉ phương thức khác: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi. Đối với tên địa lý chỉ vùng, miền riêng được cấu tạo bằng từ chỉ phương hướng kết hợp với danh từ chỉ địa hình thì viết hoa các chữ cái đầu mỗi âm tiết.

    Ví dụ: Tây Bắc, Đông Bắc, Bắc Bộ, Nam Kỳ, Nam Trung Bộ.

    2. Tên địa lý nước ngoài được phiên âm chuyển sang tiếng Việt:

    a) Tên địa lý đã được phiên âm sang âm Hán - Việt: Viết theo quy tắc viết hoa tên địa lý Việt Nam.

    Ví dụ: Bắc Kinh, Bình Nhưỡng, Pháp, Anh, Mỹ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha.

    b) Tên địa lý phiên âm không sang âm Hán - Việt (phiên âm trực tiếp sát cách đọc của nguyên ngữ): Viết hoa theo quy tắc viết hoa tên người nước ngoài quy định tại điểm b khoản 2 Mục II.

    Ví dụ: Mát-xcơ-va, Men-bơn, Sing-ga-po, Cô-pen-ha-ghen, Béc-lin.

    IV. VIẾT HOA TÊN CƠ QUAN, TỔ CHỨC

    1. Tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam:

    Viết hoa chữ cái đầu của các từ, cụm từ chỉ loại hình cơ quan, tổ chức; chức năng, lĩnh vực hoạt động của cơ quan, tổ chức. Ví dụ:

    - Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng, Văn phòng Trung ương Đảng; Ban Nội chính Trung ương; Ban Kinh tế Trung ương,...;

    - Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

    - Hội đồng Dân tộc; Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Tư pháp; Ủy ban Pháp luật...

    - Ban Công tác đại biểu; Ban Dân nguyện; - Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ;

    - Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân; Kiểm toán nhà nước;

    - Bộ Tư pháp; Bộ Tài nguyên và Môi trường; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ; Ủy ban Dân tộc...;

    - Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam, Bảo hiểm Xã hội Việt Nam, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

    - Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam...;

    - Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội, Văn phòng Tỉnh ủy Nghệ An, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh Nam Định...;

    - Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang, Ủy ban nhân dân quận Ba Đình, Ủy ban nhân dân huyện Vụ Bản...;

    - Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan...;

    - Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây dựng, Sở Kế hoạch và Đầu tư...;

    - Vụ Tổng hợp, Vụ Hợp tác quốc tế, Phòng Nghiên cứu khoa học, Phòng Chính sách xã hội, Hội đồng Thi tuyển viên chức...

    2. Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài:

    a) Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài đã dịch nghĩa: Viết hoa theo quy tắc viết tên cơ quan, tổ chức của Việt Nam.

    Ví dụ: Liên hợp quốc (UN), Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).

    b) Tên cơ quan, tổ chức nước ngoài được sử dụng trong văn bản ở dạng viết tắt: Viết bằng chữ in hoa như nguyên ngữ hoặc chuyển tự La-tinh nếu nguyễn ngữ không thuộc hệ La-tinh.

    Ví dụ: WTO; UNDP; UNESCO; ASEAN; SNG.

    V. VIẾT HOA CÁC TRƯỜNG HỢP KHÁC

    1. Danh từ thuộc trường hợp đặc biệt: Nhân dân (khi sử dụng như danh từ chỉ tên riêng, thể hiện sự trang trọng), Nhà nước (chỉ tên riêng Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; khi Nhà nước sử dụng như danh từ riêng).

    2. Tên các huân chương, huy chương, các danh hiệu vinh dự: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết của các thành phần tạo thành tên riêng và các từ chỉ thử, hạng.

    Ví dụ: Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh, Nghệ sĩ Nhân dân, Nhà giáo Ưu tú, Thầy thuốc Nhân dân, Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Chiến sĩ vẻ vang.

    3. Tên chức vụ, học vị, danh hiệu: Viết hoa tên chức vụ, học vị nếu đi liền với tên người cụ thể.

    Ví dụ:

    - Chủ tịch Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc HOT, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, Ủy viên Thường trực, Ủy viên Chuyên trách...

    - Giáo sư Tiến sĩ khoa học Phạm Văn M, Giáo sư Viện sĩ Nguyễn Văn H.

    4. Tên các ngày lễ, ngày kỷ niệm: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết tạo thành tên gọi ngày lễ, ngày kỷ niệm.
    Ví dụ: ngày Quốc khánh 2-9, ngày Tổng tuyển cử đầu tiên, ngày Truyền thống Văn phòng Quốc hội, ngày Quốc tế Lao động 1-5, ngày Phụ nữ Việt Nam 20-10,

    5. Tên các loại văn bản: Viết hoa chữ cái đầu của tên loại văn bản và chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi của văn bản trong trường hợp nói đến một văn bản cụ thể.

    Ví dụ: Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; Bộ luật Hình sự Luật Tổ chức Quốc hội, Luật An toàn vệ sinh lao động...

    6. Trường hợp viện dẫn phần, chương, mục, tiểu mục, điều, khoản, điểm của một văn bản cụ thể thì viết hoa chữ cái đầu của phần, chương, mục, tiểu mục, điều.

    Ví dụ:

    - Căn cứ Điều 10 của Luật Tổ chức Quốc hội...

    - Căn cứ khoản 4 Điều 18 của Luật An toàn vệ sinh lao động...

    - Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 103 Mục 5 Chương XII Phần I của Bộ luật Hình sự...

    - Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 24 Tiểu mục 1 Mục 1 Chương III của Nghị quyết số 351/2017/UBTVQH14...

    7. Tên các năm âm lịch, ngày tốt, ngày và tháng trong năm:

    a) Tên các năm âm lịch: Viết hoa chữ cái đầu của tất cả các âm tiết tạo thành tên gọi.

    Ví dụ: Kỷ Tỵ, Tân Hợi, Mậu Tuất, Mậu Thân.

    b) Tên các ngày tết: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên gọi.

    Ví dụ: tết Nguyên đán, tết Đoan ngọ, tết Trung thu.

    Viết hoa chữ Tết trong trường hợp dùng để thay cho một tết cụ thể (như Tết thay cho tết Nguyên đán).

    c) Tên các ngày trong tuần và tháng trong năm: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết chỉ ngày và tháng trong trường hợp không dùng chữ số:

    Ví dụ: thứ Hai, thứ Tư, tháng Năm, tháng Tám...

    8. Tên các sự kiện lịch sử và các triều đại: Viết hoa chữ cái đầu của các âm tiết tạo thành sự kiện và tên sự kiện, trong trường hợp có các con số chỉ mốc thời gian thì ghi bằng chữ và viết hoa chữ đó. Ví dụ: Triều Lý, Triều Trần, Phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, Cách mạng tháng Tám,...

    9. Tên các tác phẩm, sách báo, tạp chí: Viết hoa chữ cái đầu của âm tiết thứ nhất tạo thành tên tác phẩm, sách báo. Ví dụ: từ điển Bách khoa toàn thư, tạp chí Cộng sản,...

     

     
    2319 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn shin_butchi vì bài viết hữu ích
    Ls.DiemPhuong (09/01/2021) ThanhLongLS (08/01/2021)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận