Căn cứ vào Khoản 1, Điều 6
Thông tư số 47/2014/TT-BCT quy định về quản lý website thương mại điện tử có quy định các mạng xã hội có một trong những hình thức hoạt động như: Website cho phép người tham gia được mở các gian hàng trên đó để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; Website cho phép người tham gia được lập các website nhánh để trưng bày, giới thiệu hàng hóa hoặc dịch vụ; Website có chuyên mục mua bán trên đó cho phép người tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ thì phải tiến hành đăng ký với Bộ Công Thương dưới hình thức sàn giao dịch thương mại điện tử.
Về mặt bản chất và phương thức tổ chức, việc buôn bán online trên mạng xã hội Facebook cũng giống với hoạt động kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử. Tuy nhiên, người bán hàng trên đó không phải đăng ký với Bộ Công Thương mà chỉ những doanh nghiệp vận hành mạng xã hội, website này mới phải tiến hành đăng ký.
Như vậy, theo quy định trên thì cá nhân bạn không phải đăng ký kinh doanh bán hàng online. Mà việc đăng ký là do website có chuyên mục mua bán, cho phép bạn tham gia đăng tin mua bán hàng hóa và dịch vụ thực hiện.
Căn cứ theo nội dung quy định tại
Thông tư 47/2014/TT-BTC quy định về quản lý website thương mại điện tử thì người bán trên mạng xã hội không phải đăng ký với Bộ Công Thương.
Tuy nhiên, người bán hàng trên mạng xã hội phải có trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử như: cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân… cho chủ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ; cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định khi bán hàng hóa…
"Điều 37. Trách nhiệm của người bán trên sàn giao dịch thương mại điện tử
1. Cung cấp đầy đủ và chính xác các thông tin quy định tại Điều 29 Nghị định này cho thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử khi đăng ký sử dụng dịch vụ.
2. Cung cấp đầy đủ thông tin về hàng hóa, dịch vụ theo quy định từ Điều 30 đến Điều 34 Nghị định này khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
3. Đảm bảo tính chính xác, trung thực của thông tin về hàng hóa, dịch vụ cung cấp trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
4. Thực hiện các quy định tại Mục 2 Chương II Nghị định này khi ứng dụng chức năng đặt hàng trực tuyến trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
5. Cung cấp thông tin về tình hình kinh doanh của mình khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền để phục vụ hoạt động thống kê thương mại điện tử.
6. Tuân thủ quy định của pháp luật về thanh toán, quảng cáo, khuyến mại, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và các quy định của pháp luật có liên quan khác khi bán hàng hóa hoặc cung ứng dịch vụ trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
7. Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế theo quy định của pháp luật".
Hiện nay, pháp luật chưa có những quy định cụ thể về việc kinh doanh, buôn bán online trên mạng xã hội như Facebook. Vì vậy, bạn có quyền kinh doanh những sản phẩm mà pháp luật không cấm. Việc mở một shop online quần áo của bạn trên trang mạng xã hội hoàn toàn được phép, bạn không cần phải đăng ký với Bộ Công thương.
Về nguyên tắc theo luật pháp về Quản lý thuế, đã kinh doanh thì phải đăng ký và phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Tuy nhiên, việc thu thuế của người bán hàng qua mạng xã hội điển hình như mạng xã hội Facebook là điều vô cùng khó khăn vì mua bán hàng trên Facebook khá đa dạng, người bán ở trong nước hay nước ngoài đều có vì vậy, nhà nước không thể kiểm soát được. Điều này cũng tương tự như việc kiểm soát với các đối tượng buôn bán hàng rong và các hình thức kinh doanh nhỏ lẻ không cố định về địa điểm kinh doanh. Tuy nhiên, nếu bạn kinh doanh dưới hình thức có đăng ký kinh doanh như hộ gia đình, doanh nghiệp tư nhân, các loại hình công ty … và dùng facebook như một phương tiện quảng bá hàng hóa kinh doanh thì rõ ràng việc kinh doanh đó phải đóng thuế theo luật định.