Tổng chào toàn thể anh chị và các bạn!
Nền giáo dục Việt Nam trước nay đều không được đánh giá cao về chất lượng, mặc cho liên tục có nhiều chính sách cải cách nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy tuy nhiên thành công đạt được là vô cùng hạn chế. Đa số những thay đổi chỉ nằm ở “phần ngọn” chứ chưa thể đánh vào “phần gốc”.
Bài viết này mình xin bày tỏ quan điểm cá nhân về đề xuất mô hình giáo dục với “100% trường dân lập”
I/ Khái niệm: mô hình này hoạt động dưới hình thức 100% trường học ở mọi cấp bậc (từ mầm non đến Đại học) ở Việt Nam sẽ do cá nhân, tổ chức (không thuộc Nhà nước) đầu tư cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động và thậm chí tự quyết định chương trình học lẫn cơ chế tuyển sinh riêng; Nhà nước chỉ tập trung đưa ra đường lối, chính sách giáo dục chung và giám sát tình hình thực hiện để đảm bảo công tác giáo dục tại các trường học không vi phạm pháp luật, đạo đức và đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước.
II/ Phân tích:
1/ Điểm mạnh:
- Tiêu chuẩn nhập học: Đa số trường công lập đều có cơ chế tuyển sinh vô cùng gắt gao, ngược lại trường dân lập lại chỉ xét học bạ hoặc đơn giản là hộ khẩu để xét tiêu chuẩn vào trường
Mô hình này giúp học sinh và gia đình có thể thoải mái chọn trường học có chế độ thi tuyển, chương trình học, học phí và vị trí địa lý phù hợp với mình. Không còn phải chạy theo căn bệnh “mê trường điểm” một cách vô tội vạ
- Cơ sở vật chất: đa phần cơ sở vật chất ở các trường dân lập đều có phần khang trang hơn, tạo cho người học có không gian học thoải mái cũng như có nhiều cơ hội để tổ chức các khóa học ngoại khóa, kỹ năng mềm cho người học.
- Loại bỏ biên chế đối với giáo viên: tạo sự cạnh tranh giữa các giáo viên, những giáo viên không muốn bị đào thải khỏi nghề phải liên tục nâng cao chất lượng giảng dạy của mình, tránh tình trạng lười nhác, thiếu cầu tiến khi đã được biên chế “bảo kê”.
- Giúp hạn chế căn bệnh thành tích vốn đã ngấm sâu vào huyết quản của nền giáo dục hiện nay, vì lúc này không còn cơ chế thi đua, xếp hạng của Nhà nước nữa.
Danh tiếng của mỗi trường sẽ do tự thân trường đó tạo dựng bằng chất lượng giảng dạy của mình.
- Ngân sách nhà nước tiết kiệm được một khoản lớn khi không còn phải đầu tư, duy trì hoạt động của các trường công lập.
2/ Hạn chế:
- Học phí: học phí ở các trường dân lập không được hỗ trợ về vốn của Nhà nước ,do đó tất nhiên sẽ cao hơn so với trường công lập.
Tuy nhiên, mình tin là vấn đề này có thể được hạn chế khi mà học phí cũng là một khía cạnh để các trường dân lập cạnh tranh lẫn nhau
- Khó quản lý: việc không còn được trực tiếp tham gia vào hoạt động giáo dục tại các trường học sẽ gây rất nhiều khó khăn cho cơ quan Nhà nước trong việc quán triệt tư tưởng cũng như đảm bảo thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng.
III/ Kết:
Thay đổi 1 hệ thống, 1 cơ chế lâu đời có lẽ là rất khó khăn, nhưng với tốc độ thay đổi chóng mặt của thế giới mà chúng ta vẫn ì ạch, loay hoay tìm ra định hướng giáo dục từ năm này sang năm khác thì thôi thà 01 lần đập nát rồi xây lại, biết đâu sẽ đạt được thành công ngoài mong đợi. Sự đầu tư nào cũng có rủi ro, lợi nhuận càng lớn đi kèm với rủi ro càng cao – đây là quy luật bất biến.
Bài viết mang tính quan điểm cá nhân, rất mong nhận được góp ý, phản hồi từ các anh chị và các bạn!