Khi nào mới thí điểm phần mềm phạt vi phạm giao thông tự động nhỉ
Việc ứng dụng công nghệ thay thế cảnh sát điều khiển giao thông ở Việt Nam là hoàn toàn khả thi theo các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam VIO lần thứ 20 với chủ đề “Nền tảng hội tụ cho giao thông đô thị thông minh”.
Trong nhiều bộ phim nổi tiếng của Holywood như Fast and Furious, Transporter, Mission Impossible… chúng ta thường thấy các nhà chức trách sử dụng hệ thống máy tính và camera để điều khiển giao thông, theo dõi các giao lộ, nhà ga, sân bay, bến cảng...
Việc ứng dụng công nghệ thay thế cảnh sát điều khiển giao thông ở Việt Nam như các nước phát triển là hoàn toàn khả thi theo các chuyên gia chia sẻ tại hội thảo toàn cảnh CNTT-TT Việt Nam VIO lần thứ 20 với chủ đề “Nền tảng hội tụ cho giao thông đô thị thông minh”.
Ông Hồ Hữu Thắng - Giám đốc kỹ thuật Khối doanh nghiệp và Chính phủ của Cisco Việt Nam, cho rằng một đô thị thông minh (Smart City) sẽ phải bao gồm nhiều giải pháp khác nhau. Ví dụ như việc kết hợp các hệ thống mạng không dây Wi-Fi toàn thành phố, hệ thống chiếu sáng thông minh, bãi đỗ xe thông minh, hệ thống camera giám sát an ninh…
Các hệ thống này sẽ kết hợp với nhau, giúp cơ quan quản lý đô thị cung cấp dịch vụ một cách nhanh chóng đến người dân. Ông Thắng cũng đưa ra dẫn chứng thành phố Barcelona (Tây Ban Nha) sau khi áp dụng giải pháp quản lý đô thị thông minh cho hệ thống phân phối nước đã giúp thành phố này tiết kiệm được 58 triệu USD/năm.
Hiện tại, một số địa phương ở Việt Nam như Đà Nẵng, Hạ Long và Phú Quốc đã nằm trong danh sách đề xuất triển khai mô hình đô thị thông minh. TPHCM cũng đang tìm kiếm mô hình, giải pháp phù hợp cho hệ thống quản lý đô thị thông minh. Theo ông Lê Thái Hỷ, Giám đốc Sở Thông tin Truyền thông TPHCM việc làm cấp bách cần phải thực hiện trước là tìm giải pháp cho giao thông thông minh.
“Bởi với dân số ngày càng tăng, trong khi hạ tầng giao thông chậm thay đổi, nếu mỗi nơi cứ thực hiện cải tạo giao thông đơn lẻ thì sẽ chỉ thêm tốn kém về chi phí mà không đem lại hiệu quả cao”, ông Hỷ nói.
Trên thực tế, theo Sở Giao thông vận tải TPHCM, hiện nay trên địa bàn thành phố có tổng cộng 841 chốt giao thông có tín hiệu đèn được quản lý từ Khu quản lý giao thông đô thị và Trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn, trong đó có 799 tủ điều khiển tín hiệu đèn giao thông, được lắp đặt từ năm 1995 đến nay. Theo thống kê, chỉ có 3,7% tổng số đèn tín hiệu giao thông có kết nối với Trung tâm điều khiển, còn lại trên 96% là các tủ điều khiển đèn tín hiệu giao thông theo hình thức cài đặt độc lập, mặc định.
Riêng hệ thống camera quan sát gồm: VOV giao thông 180 camera; Trung tâm quản lý điều hành đường hầm sông Sài Gòn 81 camera; các Khu quản lý giao thông đường bộ 25 camera; Công an TP 20 camera. Các hệ thống camera chủ yếu hoạt động độc lập, phục vụ nhu cầu riêng của từng ngành.
Mật độ camera quan sát còn hạn chế về số lượng, nhiều chủng loại khác nhau, chưa phủ diện rộng trên các chốt giao thông và các tuyến đường trọng điểm làm hạn chế cho công tác điều phối giao thông đô thị của TP. Do đó, các hệ thống camera giao thông trên địa bàn TP cần thiết phải được mở rộng và tích hợp về một đầu mối để chia sẽ dữ liệu và quản lý đồng bộ.
Trong một cuộc họp gần đây, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Hữu Tín đã giao Sở GTVT, tìm phương án nhanh nhất để thành lập Trung tâm điều hành giao thông đô thị, tiếp cận công nghệ các nước tiên tiến, có thể tích hợp với vệ tinh quan sát.
Ông Chu Tiến Dũng - Chủ tịch Hội Tin học TPHCM cho rằng, dân số tiếp cận Internet ngày càng tăng nhanh và số người sử dụng smartphone đang không ngừng gia tăng nên việc áp dụng giao thông thông minh lúc này rất thuận lợi. Một hệ thống giao thông thông minh sẽ góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, giải quyết bài toán ùn tắc giao thông.
Cụ thể, chúng ta sẽ ứng dụng công nghệ hệ thống cảm biến theo xu hướng Internet of Thing (IoT) vì đây là vai trò quyết định trong các hệ thống giao thông thông minh.
Cụ thể, các cảm biến sẽ được lắp đặt trên mặt đường để thu thập các thông tin về luồng giao thông, khí hậu, thời tiết… Các thông tin này sẽ được hệ thống máy tính phân tích và xử lý, sau đó cung cấp trở lại cho tài xế về tình hình giao thông trên đường như tai nạn, ùn tắc giao thông, thời tiết… để các tài xế chọn giải pháp giao thông tối ưu nhất, giúp giảm kẹt xe và đảm bảo thời gian đi lại ngắn nhất, an toàn nhất cho các phương tiện đang lưu thông trên đường.
Ngoài ra, ứng dụng của IoT còn giúp điều hành giao thông, quản lý phương tiện, kiểm tra trọng tải xe, thu phí điện tử... Theo đó, các giải pháp này sẽ giúp thành phố quản lý cơ sở hạ tầng tốt hơn, đồng thời giảm thiểu được chi phí đầu tư, vận hành và khai thác.
Theo ông Chu Tiến Dũng, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã quyết tâm trong các vấn đề quản lý xe vận chuyển trên các quốc lộ cũng như trên các tuyến giao thông trọng yếu thông qua các yêu cầu giám sát hành trình và rất nhiều thông tin tín hiệu.
Theo Trí Thức Trẻ
Khi nào mới thí điểm phần mềm phạt vi phạm giao thông tự động nhỉ
Cập nhật bởi shin_butchi ngày 26/09/2015 11:20:55 SA
Cập nhật bởi shin_butchi ngày 26/09/2015 11:19:50 SA