Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 đã có nhiều quy định mới, trong đó có quy định Nhà nước cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Đây là một vấn đề pháp lý hoàn toàn mới tại Việt Nam. Ngoài những ý kiến ủng hộ, thì cũng có không ít ý kiến bày tỏ sự băn khoăn, thậm chí phản đối.
Để cùng nhìn nhận những mặt tích cực, hạn chế của vấn đề này, sau đây là tổng quan các quy định pháp luật về hoạt động mang thai hộ tại một số quốc gia trên thế giới. Hội thảo Tư pháp Quốc tế Hague (HCCH) được tổ chức tại Hà Lan vào năm 2012 rút ra kết luận: Các thiết chế trên thế giới quy định về mang thai hộ đang được chia ra làm bốn nhóm. Cụ thể: Nhóm nước chưa có quy định, nhóm nước phản đối, nhóm nước cho phép vì mục đích nhân đạo và nhóm các nước chấp thuận thương mại hóa.
Tiến thoái lưỡng nan trong việc hoàn thiện pháp luật :
Tại một số quốc gia có nền y tế và pháp luật tiến bộ như Thụy Điển, Tây Ban Nha, Pháp hay Đức, việc mang thai hộ là bất hợp pháp. Năm 1991, tòa án tối cao Pháp tuyên bố: “Cơ thể con người là không phải để cho mượn, cho mướn hay để bán đi”. Quyết định này cấm tuyệt đối mọi hình thức mang thai hộ dẫu là tự nguyện hay được thương mại hóa. Mọi trường hợp bị phát hiện sẽ phải hầu tòa, thậm chí bị buộc tội hình sự.
Các quốc gia đã hợp pháp hóa việc mang thai hộ lại được chia ra làm hai nhóm nước: Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo và mang thai hộ vì mục đích thương mại. Đối với các quốc gia thuộc nhóm vì mục đích nhân đạo, chẳng hạn như Anh hay Hy Lạp, các thỏa thuận mang thai hộ chủ yếu được tiến hành trên cơ sở tự nguyện.
Một số quốc gia còn quy định việc thương mại hóa mang thai hộ là vi phạm pháp luật. Tại Anh, trừ phi được tòa án yêu cầu, người nhờ mang thai hộ không được phép chi trả bất kỳ khoản tiền nào đối với người mang thai vượt quá “các chi phí hợp lý” trong quá trình thai kỳ. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có cách giải thích cụ thể nào về “các khoản chi phí hợp lý” này có tính xác thực như thế nào. Theo luật pháp Anh, mọi khoản chi trả của người mẹ phục vụ cho quá trình mang thai đều được xem là “chi phí hợp lý”.
Hiện đã có một số quốc gia cho phép công dân nước mình mang thai hộ vì mục đích thương mại. Những quốc gia nổi bật trong danh sách này có thể kể đến Ấn Độ, Ukraine hay Thái Lan. Luật pháp các nước này thường không bắt buộc cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ phải là công dân của nước đó. Thậm chí một số nước chỉ đơn giản hợp pháp hóa mang thai hộ vì mục đích chứ không xây dựng hoặc chưa hoàn thiện các văn bản luật để kiểm soát và hướng dẫn hoạt động này. Đối với nhóm nước này, thị trường chợ đen và nạn lạm dụng cơ thể phụ nữ để sinh lời vẫn là một mối lo ngại lớn.
Tại Ấn Độ, việc mang thai hộ đã được xác nhận là hợp pháp từ năm 2002. Chỉ mới có Hội đồng Nghiên cứu y tế Ấn Độ là đơn vị đưa ra các hướng dẫn về kỹ thuật thụ tinh nhân tạo và cách giải quyết các trường hợp mang thai hộ tại các trung tâm y tế. Mãi đến năm 2008, Bộ Phát triển Phụ nữ và Trẻ em của Ấn Độ mới bắt đầu cân nhắc xây dựng bộ luật quản lý hoạt động mang thai hộ. Tuy nhiên, bộ luật này bị trì hoãn mãi đến nay vẫn chưa xây dựng xong, những lỗ hổng pháp lý này sẽ làm hại nhiều nhất đến những phụ nữ vùng thôn quê vì họ thiếu kiến thức. Những vụ kiện tại Ấn Độ xoay quanh vấn đề mang thai hộ có thể phải mất đến 10-12 năm để giải quyết. Thế nhưng quyền lợi chính đáng của các bên thỏa thuận dường như vẫn là một dấu chấm hỏi quá lớn đối với chính quyền, khi cơ quan chức năng không có bất kỳ một bộ luật hoàn thiện nào trong tay.
Nhiều vụ án mang thai hộ vẫn khó giải quyết
Nhiều quốc gia trên thế giới vẫn chưa giải quyết triệt để vấn đề nhân thân của đứa trẻ sinh ra từ quá trình mang thai hộ. Các khúc mắc thường nằm ở thủ tục để người phụ nữ sinh ra đứa trẻ từ bỏ quyền làm mẹ của mình. Trong một số trường hợp thỏa thuận mang thai hộ, các thủ tục “chuyển giao” quyền nuôi dạy thậm chí phức tạp đến mức cặp vợ chồng không được xác nhận danh phận cha mẹ của mình đối với đứa trẻ trên giấy tờ khai sinh. Họ buộc phải nhận đứa trẻ làm con nuôi thay vì là con ruột của mình.
Mang thai hộ tại Việt Nam “nhân đạo” nhưng vẫn còn ẩn chứa nhiều bất cập
Tại Việt Nam Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi được Quốc hội thông qua và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2015, việc mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đã trở thành hợp pháp. Đây là một tin vui đối với nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn không thể có khả năng sinh con, dù đã áp dụng nhiều biện pháp khoa học. Tuy nhiên, cùng với việc cho phép mang thai hộ, nhiều người nghi ngại về các hệ lụy ngay sau đó, khi nhiều kẻ tìm cách lách luật để biến nó thành một loại hình dịch vụ…
Bên cạnh một số ý kiến ủng hộ việc cho mang thai hộ thì cũng có nhiều ý kiến cho rằng, nếu chỉ cho đối tượng mang thai hộ là người trong phạm vi gia đình thì sẽ có rất nhiều người thiệt thòi, như những người không có chị em nào để nhờ mang thai hộ hoặc nếu có mà chị em đó không muốn mang thai hộ… Và khi đó, liệu họ có thể chấp nhận việc mãi mãi không có con hay sẽ tìm đến một đối tượng khác nhờ mang thai hộ, lúc ấy sẽ không tránh khỏi các loại "biến tướng" đã bị cấm như "đẻ thuê".
Thực tế cho thấy, việc "đẻ thuê" vốn dĩ đã tồn tại từ rất lâu dù vi phạm pháp luật và vấn đề đạo đức xã hội. Vẫn có nhiều cặp gia đình hiếm muộn hoặc những người chồng lỡ thì tìm đến những nơi có dịch vụ này để giải quyết vấn đề con cái. Với cái giá từ 10-15 triệu/lần thì đó không phải là vấn đề quá khó khăn đối với những gia đình có điều kiện. Việc cho phép mang thai hộ theo Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi mới đây cũng chỉ khiến cho chuyện này trở nên dễ dàng hơn mà thôi.
Người ta thường nói, có cầu ắt có cung, khi nhu cầu của những người cần có con vẫn cao thì không thể tránh được việc nhiều người nhận "đẻ thuê". Hiện tại, khi đã cho phép “mang thai hộ”, vấn đề đối với người nhờ mang thai hộ chỉ nằm trên giấy tờ. Nếu muốn quản lý chặt chẽ, cấm chuyện "đẻ thuê", chúng ta cần phải theo sát những vấn đề liên quan như làm giả giấy tờ, đi cửa sau để có giấy tờ hợp lệ.
Hiện tại, chuyện bằng giả, giấy tờ giả vẫn còn nhan nhản và đang là nỗi nhức nhối của các cơ quan chức năng. Khi nào chúng ta còn chưa quản lý nổi việc các loại giấy tờ giả như bằng đại học, thạc sỹ, tiến sỹ được rao bán công khai trên mạng thì không thể chắc chắn rằng, các loại giấy tờ hợp lệ cho một ca mang thai hộ không bị làm giả.
Hơn nữa, với việc thích thủ tục nhanh gọn, không lằng nhằng, không phải nài nỉ nhờ vả thì chuyện các gia đình hiếm muộn tìm đến dịch vụ "đẻ thuê" là điều không tránh khỏi. Thật vậy, nhiều người dân thích sự nhanh gọn, đơn giản và cũng vì thế mà sinh ra nạn "phong bì". Thế nên chắc chắn rằng chuyện bỏ tiền ra để có được đứa con một cách nhanh chóng, không lằng nhằng thủ tục sẽ vẫn còn được nhiều người tìm đến. Cho đến khi họ chưa nhìn thấy được hậu quả, hệ lụy và các rắc rối phát sinh từ việc nhờ "đẻ thuê" trái pháp luật mang đến thì họ vẫn tìm đến loại dịch vụ này. Ngoài những vấn đề mâu thuẫn phát sinh giữa người "đẻ thuê" và khách hàng thì việc tìm đến dịch vụ này cũng đã tiếp tay khiến các tệ nạn buôn bán người để "đẻ thuê" nhức nhối hơn.
(Bài viết của Luật sư Nguyễn Văn Tuấn đã có tham khảo từ nhiều nguồn)