Người mắc bệnh hiểm nghèo là người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong hủi, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS hoặc bệnh hiểm nghèo khác theo quy định của Bộ Y tế.
Ảnh minh họa: Mắc bệnh hiểm nghèo có được miễn chấp hành hình phạt tù?
“Mắc bệnh hiểm nghèo” là trường hợp theo kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên thì người bị kết án đang bị những căn bệnh nguy hiểm đến tính mạnh, khó có phương thức chữa trị. (điểm a Khoản 2.1 Điều 2 Nghị quyết 01/2007/NQ-HĐTP)
Ngoài ra, theo Danh mục bệnh hiểm nghèo tại Phụ lục IV Ban hành kèm theo Nghị định 134/2016/NĐ-CP thì các bệnh hiểm nghèo được quy định gồm các bệnh sau: Ung thư; Nhồi máu cơ tim lần đầu; Phẫu thuật động mạch vành; Phẫu thuật thay van tim; Phẫu thuật động mạch chủ; Đột quỵ;…
Căn cứ điểm b Khoản 2 Điều 29 Bộ luật hình sự:
“Điều 29.Căn cứ miễn trách nhiệm hình sự
…2.Người phạm tội có thể được miễn trách nhiệm hình sự khi có một trong các căn cứ sau đây:
b) Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo dẫn đến không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa; …”
Theo đó, để có thể miễn trách nhiệm hình sự người phạm tội phải đảm bảo 2 yếu tố:
- Khi tiến hành điều tra, truy tố, xét xử, người phạm tội mắc bệnh hiểm nghèo
- Không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội nữa
Việc tình trạng mắc bệnh hiểm nghèo phải dẫn tới bản thân người phạm tội không còn khả năng gây nguy hiểm cho xã hội được hiểu là khi người phạm tội bị bệnh thì tính chất nguy hiểm của họ đối với xã hộ không còn nữa.
Việc xem xét miễn trách nhiệm hình sự để thể hiện sự khoan hồng của pháp luật nhằm tạo điều kiện cho người phạm tội thực hiện việc điều trị.
Tuy nhiên, để áp dụng biện pháp này còn tùy vào nhận định của cơ quan có thẩm quyền, có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên cùng các chứng cứ chứng minh và các yếu tố trên của bên yêu cầu áp dụng quy định về việc miễn trách nhiệm hình sự.