Báo cáo án,
duyệt án: lợi bất cập hại
Một trong những nguyên tắc cơ bản trong tố tụng là
Thẩm phán và Hội thẩm xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, chính vì vậy
mà pháp luật tố tụng hoàn toàn không quy định việc báo cáo án, duyệt án. Tuy
nhiên, trong thực tế xét xử thì việc báo cáo án, duyệt án trước khi xét xử đã
trở thành một thông lệ của các Tòa án địa phương
Hiện nay, rất nhiều Tòa án (nhất là Tòa án cấp
huyện), việc báo cáo án và duyệt án trước khi xét xử là công việc phải tiến
hành đối với tất cả vụ án. Điều đó cho thấy, việc báo cáo án, duyệt án đã được
các Tòa án mặc nhiên coi như một thủ tục bắt buộc trong khi pháp luật tố tụng
không quy định thủ tục này. Thông thường hàng tháng, sau khi có lịch xét xử thì
Tòa án tổ chức các buổi họp thường gọi là họp đường lối(có khi mất một
vài ngày, tùy thuộc số lượng vụ án chuẩn bị xét xử) để các Thẩm phán báo cáo án
và lãnh đạo Tòa án duyệt án. Thành phần, gồm lãnh đạo Tòa án và các Thẩm phán,
có nơi còn có sự tham gia của các Thư ký Tòa án. Về trình tự, Thẩm phán chủ tọa
phiên tòa báo cáo nội dung vụ án và đề xuất hướng giải quyết, sau đó tập thể
Thẩm phán và lãnh đạo Tòa án tiến hành thảo luận, nếu không thống nhất được
quan điểm về hướng giải quyết theo đề xuất của Thẩm phán thì hầu như phải theo
quan điểm chỉ đạo của lãnh đạo Tòa án. Với hướng giải quyết vụ án đã được duyệt
thì Thẩm phán không thể nào làm khác. Thực tế đã có nhiều thẩm phán “vượt rào”
xử khác so với đường lối chỉ đạo khi duyệt án nên bị lãnh đạo phê phán.
Vấn đề đặt ra là tại sao pháp luật tố tụng không
quy định việc báo cáo án, duyệt án nhưng thực tế hầu hết các Tòa án lại thực
hiện “thủ tục bắt buộc” này đối với tất cả các vụ án? Phải chăng pháp luật tố
tụng không phù hợp, chưa theo kịp thực tiễn tố tụng? Cần loại trừ nguyên
nhân này, vì nếu đây là một thủ tục phù hợp với đòi hỏi của thực tiễn thì tại
sao lãnh đạo Tòa án các cấp đều không thừa nhận thực trạng này? Vậy thủ tục này
mặc nhiên tồn tại là có hai nguyên nhân.
Thứ nhất, từ phía các thẩm phán. Có
những Thẩm phán kịch liệt phản đối thủ tục này, tuy nhiên số này còn quá ít,
phần lớn Thẩm phán đều muốn duy trì vì phần nào có lợi cho cá nhân họ. Thực tế
hiện nay trình độ chuyên môn, nghiệp vụ và năng lực của nhiều Thẩm phán còn non
nên chưa đủ tự tin vào lập trường, quan điểm của mình để độc lập phán quyết. Chính
vì vậy, họ muốn duy trì hoạt động duyệt án trước hết là để tranh thủ kiến thức
về chuyên môn, nghiệp vụ của các đồng nghiệp, của lãnh đạo Tòa án; sau nữa là
khi việc xét xử đúng pháp luật thì thành tích sẽ thuộc về họ, nhưng nếu vụ án
bị cấp phúc thẩm, giám đốc thẩm hủy hoặc sửa án thì lỗi là xử theo quan
điểm tập thể.
Thứ hai, là phía lãnh đạo Tòa án. Hiện
nay, tại diễn đàn Quốc hội, HĐND nhiều đại biểu thường chất vấn lãnh đạo
Tòa án về từng vụ án cụ thể. Mỗi một khi bị chất vấn về bất kỳ vụ án nào mà
lãnh đạo Toà án không trả lời được thì đều bị coi là thiếu sâu sát, quản lý
công tác xét xử yếu kém. Cũng vì vậy mà hầu hết lãnh đạo các Tòa án đều muốn
duy trì chế độ báo án nhằm nắm được nội dung của các vụ án để quản lý, kiểm
soát đối với hoạt động xét xử của tất cả các Thẩm phán.
Tuy nhiên, theo quy định của Luật Tổ chức Tòa án
nhân dân thì Chánh án TANDTC và Chánh án Tòa án nhân dân địa phương có nhiệm vụ
tổ chức công tác xét xử của Tòa án cấp mình quản lý. Việc tổ chức xét xử là
phân công, đôn đốc, kiểm tra tiến độ giải quyết các vụ án chứ không phải can
thiệp, chỉ đạo sâu vào hướng giải quyết từng vụ án cụ thể. Pháp luật tố tụng
quy định, nếu không đồng ý với phán quyết của Tòa án thì bị cáo, đương sự có quyền
kháng cáo, Viện kiểm sát có quyền kháng nghị để xét xử phúc thẩm, Chánh án TAND
cấp tỉnh, Chánh án TANDTC, Viện Trưởng VKSND cấp tỉnh và VKSNDTC có quyền kháng
nghị giám đốc thẩm, tái thẩm. Việc kết luận một bản án, quyết định của Tòa án
đúng hay sai sẽ thuộc về Hội đồng xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm, còn ở cương
vị một Chánh án sẽ không có thẩm quyền và không thể kết luận điều này. Trách
nhiệm của Chánh án tòa án các cấp, ngoài thực hiện các hoạt động tố tụng theo
thẩm quyền thì cần chú tâm thực hiện tốt các công việc có tính vĩ mô hơn là đi
sâu vào từng vụ án cụ thể. Đó là, cần có giải pháp để đào tạo, bồi dưỡng nâng
cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ; quản lý sắp xếp, phân công công
việc phù hợp; có giải pháp tháo gỡ vướng mắc, tạo môi trường công tác thuận lợi nhằm nâng
cao chất lượng xét xử; biết nắm bắt, phân tích tình hình, nguyên nhân phát sinh
tội phạm và các tranh chấp để kiến nghị với cơ quan có thẩm quyền hoạch định
chính sách phòng chống tội phạm, hạn chế tranh chấp trong nhân dân… Vì vậy, các
đại biểu dân cử cũng cần chất vấn những vấn đề này mới phù hợp.
Không thể phủ nhận mặt tích cực của việc bàn bạc,
trao đổi trước khi xét xử- Thẩm phán sẽ tranh thủ được trí tuệ, kinh nghiệm của
tập thể, đặc biệt là của những người có năng lực, kinh nghiệm. Tuy nhiên, việc
trao đổi, tranh luận thì Thẩm phán có thể trao đổi với bất kỳ ai, tại mọi thời
điểm, trên mọi diễn đàn mà không nhất thiết phải thực hiện việc báo cáo án,
duyệt án. Việc tranh luận, trao đổi cũng chỉ cần thiết đối với những vụ án phức
tạp, do đó việc báo cáo án, duyệt án đối với tất cả các vụ án là không cần
thiết, làm mất quá nhiều thời gian của các Thẩm phán và lãnh đạo Tòa án. Mặt
khác, đường lối giải quyết đã được bàn bạc, thống nhất trước nên thẩm phán
(thậm chí là giao cho Thư ký Tòa án) cứ thế viết hoàn chỉnh bản án trước, dẫn
đến tình trạng “án bỏ túi”, phiên toà sau đó chỉ mang tính hình thức. Hậu quả
nữa là sẽ làm ảnh hưởng đến nguyên tắc độc lập xét xử của Thẩm phán và Hội
thẩm; tạo tâm lý ỷ lại cho các Thẩm phán, không chịu học hỏi, nghiên cứu để
nâng cao trình độ vì dựa vào tập thể. Việc báo cáo án sẽ tạo cơ chế công khai,
minh bạch, hạn chế việc thẩm phán có hành vi tiêu cực trong công tác xét xử như
quan điểm của nhiều người. Lý do, một khi Thẩm phán cố tình lợi dụng để trục
lợi, thiên vị thì khi báo cáo án chỉ trình bày một phía, chỉ nêu những vấn đề
có lợi cho người mà họ cố tình bảo vệ. Và như vậy, hướng xét xử vụ án mà tập
thể thống nhất, lãnh đạo duyệt sẽ trở thành “lá bùa hộ mệnh” để Thẩm phán an
tâm xử trái pháp luật.
Như vậy có thể thấy rõ, việc báo cáo án, duyệt án là
lợi bất cập hại, vừa trái pháp luật tố tụng, vừa không phù hợp với yêu cầu của
công tác cải cách tư pháp.
Link:
http://www.daibieunhandan.vn/Trangchu/VN/tabid/66/CatID/40/ContentID/100631/Default.aspx