Khi kết hôn ai cũng mong muốn có một gia đình hạnh phúc, vợ chồng cùng nhau cùng nhau đến đầu bạc răng long. Nhưng nhiều lúc đời không như là mơ, ngày nay việc ly hôn diễn ra ngày càng nhiều khi cả hai không còn được tiếng nói chung trong giữ gìn hạnh phúc. Một trong những nguyên nhân của thể kể đến đó là vợ hoặc chồng đi xuất khẩu lao động khiến tình cảm vợ chồng nhạt nhòa dẫn đến ly hôn.
Vậy ly hôn khi vợ hoặc chồng đang đi xuất khẩu lao động có khác gì so với ly hôn thông thường hay không?
1. Quyền yêu cầu giải quyết ly hôn
Theo quy định tại Điều 51 Luật hôn nhân và gia đình 2014 thì cũng như ly hôn thông thường Vợ, chồng hoặc cả hai người có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.
Chồng không có quyền yêu cầu ly hôn trong trường hợp vợ đang có thai, sinh con hoặc đang nuôi con dưới 12 tháng tuổi.
2. Về thẩm quyền giải quyết
Do vợ/chồng đang sinh sống ở nước ngoài, căn cứ vào khoản 1 Điều 35, khoản 3 Điều 37 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì việc giải quyết ly hôn mà có đương sự ở nước ngoài thuộc thẩm quyền giải quyết của TAND cấp tỉnh.
Theo khoản 1 Điều 39 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, Tòa án nơi giải quyết là Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc hoặc Tòa án nơi nguyên đơn cư trú, làm việc khi các đương sự thỏa thuận với nhau bằng văn bản.
Vậy thẩm quyền giải quyết ly hôn khi vợ/chồng đi xuất khẩu lao động thuộc về TAND cấp tỉnh nơi vợ/chồng cư trú tại Việt Nam. Trong khi những vụ án ly hôn thông thường thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện.
3. Hồ sơ
- Đơn ly hôn
- Bản chính Giấy đăng ký kết hôn
- Bản sao có chứng thực Sổ hộ khẩu, CMND của người khởi kiện
- Bản sao có chứng thực Giấy khai sinh của con
- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận quyền sở hữu, sử dụng tài sản (nếu có)
- Giấy tờ chứng minh người vợ đang ở nước ngoài (nếu có). Nếu các giấy tờ này do cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài cấp thì cần phải hợp pháp hóa lãnh sự và dịch công chứng sang tiếng Việt.
4. Khi không có đủ thông tin của vợ hoặc chồng ở nước ngoài.
Khi không biết rõ địa chỉ của vợ/chồng đang lao động tại nước ngoài, Tòa án sẽ yêu cầu nhân thân của bị đơn gửi lời khai của nguyên đơn cho họ và báo cho họ gửi về Tòa án lời khai hoặc những tài liệu cần thiết cho việc xét xử vụ án.
Trường hợp nhân thân cũng không biết địa chỉ của bị đơn ở đâu, Tòa án ra quyết định tạm đình chỉ việc giải quyết vụ án; hướng dẫn người khởi kiện yêu cầu Tòa án cấp huyện tuyên bố vợ/chồng đi xuất khẩu lao động đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật.
Trường hợp nhân thân của bị đơn có liên lạc, biết thông tin của bị đơn nhưng từ chối cung cấp, không thực hiện yêu cầu của Tòa án; đây được coi là trường hợp bị đơn giấu địa chỉ, từ chối cung cấp tài liệu. Nếu Tòa án yêu cầu đến lần thứ hai nhân thân của bị đơn vẫn không cung cấp địa chỉ hay thực hiện việc thông báo cho bị đơn, Tòa án đưa vụ án ra xét xử vắng mặt bị đơn theo thủ tục chung.
5. Thủ tục và trình tự
- Người khởi kiện nộp hồ sơ tại TAND cấp tỉnh nơi vợ/chồng cư trú. Hồ sơ có thể được nộp trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện.
- Sau khi nhận được hồ sơ và kiểm tra tính hợp lệ, Tòa án gửi thông báo tạm ứng án phí. Người nộp hồ sơ nộp án phí tại Chi cục thi hành án dân sự có thẩm quyền; nộp biên lai tạm ứng án phí cho Tòa án.
- Tòa án tiến hành thụ lý đơn. Tòa án tiến hành ủy thác tư pháp cho cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài; cho Tòa án, cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài để tống đạt hồ sơ, thông báo cho người vợ/chồng để lấy lời khai, ý kiến của người này.
Sau khi đủ các điều kiện theo quy định pháp luật Toà án sẽ tiến hành xét xử sơ thẩm.