Lưu ý đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế giai đoạn Covid - 19

Chủ đề   RSS   
  • #553395 29/07/2020

    Lưu ý đàm phán hợp đồng thương mại quốc tế giai đoạn Covid - 19

    Đối mặt với dịch bệnh, đối mặt với nền kinh tế suy giảm, hoạt động thương mại quốc tế trở nên khó khăn, tuy nhiên không thể vì vậy mà các doanh nghiệp chững lại, không tiến hành hoạt động trao đổi hàng hóa dịch vụ. Nhu cầu cấp thiết hiện nay là các doanh nghiệp cần tìm ra cơ hội giao thương mới, quan tâm đến từng giai đoạn biến động do dịch bệnh trên thị trường hiện nay để xem xét rút ra những lưu ý cần thiết khi tiến hành đàm phán. Khi tiến hành đàm phán trong giai đoạn này doanh nghiệp có thể lưu ý những vấn đề sau:

    Thứ nhất, về thị trường, doanh nghiệp luôn phải cập nhật tình hình dịch bệnh, sự lây lan của dịch bệnh ở các nước, đánh giá thị hiếu thị trường các nước trong từng giai đoạn cụ thể, tận dụng các mối quan hệ trong kinh doanh để khảo sát thị trường. Việc doanh nghiệp nắm bắt được tốc độ lên xuống của thị trường giúp đưa ra những phương án kinh doanh cụ thể trong mỗi giai đoạn, tìm kiếm cơ hội thích hợp để mở ra nhiều quan hệ đối tác, tận dụng nhiều cơ hội đàm phán hợp đồng mới.

    Thứ hai, linh động sử dụng hình thức đàm phán phù hợp nếu không thể đi đàm phán trực tiếp, cần xây dựng kế hoạch đàm phán có dự liệu các yêu cầu của đối tác trong giai đoạn dịch bệnh, lựa chọn người tiến hành đàm phán có tư duy nhanh nhẹn, giao tiếp rõ ràng, ngắn gọn, xúc tích, ứng phó nhanh chóng trong mọi tình huống nhưng vẫn đảm bảo các bên hiểu hết ý nhau, hài hòa quyền lợi đôi bên. Trong bối cảnh hiện nay có rất nhiều cuộc đàm phán phải hủy bỏ, tạm hoãn do e ngại dịch bệnh, lựa chọn hình thức đàm phán mới phù hợp giúp các doanh nghiệp tận dụng được cơ hội, không bỏ lỡ thị trường, gây ứ đọng hàng hóa.

    Tuy nhiên, các phương thức đàm phán qua thư tín, điện tín hoặc qua điện thoại lại có hạn chế là các bên không hiểu hết được ý, được quan điểm của đôi bên, điều này làm cuộc đàm phán dễ rơi vào thất bại hoặc tốn nhiều thời gian. Việc xây dựng một kế hoạch, phương án đàm phán hiệu quả kết hợp với năng lựa đàm phán xuất sắc của người đàm phán giúp các bên dễ hiểu được sự kỳ vọng của nhau khi giao kết hợp đồng, có thể đàm phán một cách tốt nhất.

    Thứ ba, cần thống nhất đồng tiền tính giá là loại đồng tiền ít biến động nhất. Có dự đoán mức chênh lệnh giá đồng tiền trong phạm vi cho phép của các bên.

    Thứ tư, khi đàm phán hợp đồng mới, cần đánh giá tác động của COVID-19 đến nghĩa vụ đôi bên, kể cả ngôn ngữ liên quan để giải quyết vấn đề trong nhiều tình huống khác nhau.

    Thứ năm, về vấn đề vận chuyển và thời gian giao nhận hàng, cần đàm phán lựa chọn thời gian và phương thức vận chuyển phù hợp, thương lượng để các bên hiểu và tạo điều kiện nếu quá trình vận chuyển bị kéo dài hơn dự tính do công tác kiểm soát nhằm ngăn chặn dịch của Chính phủ.

    Thứ sáu, về pháp luật, rà soát tất cả những chính sách mà Nhà nước đang tạo điều kiện để hỗ trợ doanh nghiệp (thuế, cắt giảm các lãi suất ngân hàng,...), các mặt hàng đang được nhà nước khuyến khích. Tìm hiểu sự biến chuyển của thị trường trong mỗi chỉ đạo của Chính phủ trong từng giai đoạn, như hiện nay Nhà nước ta đã ngừng giãn cách xã hội, tiến hành phát triển thương mại theo hướng bình thường hóa. Đây là cơ hội để mỗi doanh nghiệp hoạt động trở lại.

    Cuối cùng, mỗi doanh nghiệp chủ động tìm hiểu thông tin về các chính sách, Điều ước quốc tế, Hiệp định mà Việt Nam tham gia có lợi trong giai đoạn này như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) sắp có hiệu lực. Trong bối cảnh dịch COVID – 19, EVFTA sớm được thực thi, giúp mở rộng cửa cho hàng hóa xuất khẩu vào thị trường EU, mang lại rất nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp và người dân hai bên.

    Đối với Việt Nam, hiệp định EVFTA này sẽ đưa hàng hóa trong nước đến châu Âu và đón dòng hàng chất lượng cao, vốn đầu tư từ hướng ngược lại. Việc tận dụng cơ hội trong các chính sách mới là đòn bẩy giúp doanh nghiệp mở ra nhiều hoạt động giao thương mới. Khi đàm phán trong giai đoạn COVID – 19 như hiện nay các doanh nghiệp có thể lưu ý những vấn đề trên để tiến hành đàm phán thuận lợi, hạn chế tối đa nguy cơ rủi ro.

     
    1642 | Báo quản trị |  

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận