Một nền y khoa đổ vỡ
SGTT – Thứ ba, ngày 05 tháng bảy năm 2011 SGTT.VN - Trước việc đau lòng vừa xảy ra tại bệnh viện Năm Căn (Cà Mau), thật khó thể tìm lời biện minh nào có thể xoa dịu được sự giận dữ của dư luận. Tuy nhiên cần phải báo động bạo lực nay lan đến cả bệnh viện, thật là điều “xưa nay hiếm”.
Tuy chẳng liên can, nhưng sự bạc bẽo của nghề cầu thủ và nghề thầy thuốc lại thật giống nhau. Chỉ sau một đêm khi chẳng may đá hỏng bàn thắng chung cuộc, người cầu thủ tội nghiệp nào đó sẽ là mục tiêu của một trận mưa công kích của dư luận. Danh tiếng, sự ngưỡng mộ của công chúng lập tức tiêu tan, như thể người cầu thủ đó chưa hề là người nổi tiếng.
Nghề thầy thuốc cũng thế! Thoắt một cái, từ vị trí đang được kính trọng, yêu mến, một người thầy thuốc sẽ nhanh chóng trở thành kẻ tội đồ. Những người đã từng yêu mến, hàm ơn cũng lập tức đổi ngay thái độ. Bao danh tiếng, uy tín xây dựng trong bao năm, chỉ sau một đêm là sụp đổ tiêu tan. Tệ hơn thế, người thầy thuốc không có cơ hội để sửa chữa sai lầm (chết người) của mình, như người cầu thủ “lấy công chuộc tội” bằng những bàn thắng ở trận đấu sau.
Con người y khoa, cũng như mọi con người khác là hữu hạn và không thể nào tránh khỏi sai lầm. Nên từ ngàn xưa, phương châm số một của y học là “trước hết, không làm tổn hại” (Primum non nocere). Hiểu một cách khác, nhiệm vụ tiên quyết của mọi nền y học là hạn chế sai lầm, trước khi nói đến chuyện cứu nhân độ thế.
Những thầy thuốc lâu năm trong nghề, thấu hiểu lẽ bạc bẽo của y nghiệp, sẽ rất thận trọng khi phê phán những sai lầm chuyên môn của đồng nghiệp mình. Vì có bậc “thần y” nào dám đoan chắc cả đời mình sẽ không bao giờ mắc phải những sai lầm tương tự, thậm chí nghiêm trọng và tủi hổ hơn nhiều. Mà lên án một sai lầm của thầy thuốc thì rất dễ dàng được sự đồng thuận của công chúng, một công chúng không am tường về chuyên môn và đầy ác cảm với y giới.
Thế nên mới cần có y sĩ đoàn để phán quyết. Một cách lý tưởng, họ phải là những thầy thuốc giỏi giang, đức độ, công minh để minh định công tội của một con người cùng chuyên môn với họ. Phán quyết của họ, được kỳ vọng là sẽ công bằng và khách quan hơn những lời bình luận phiến diện của những người ngoài giới chuyên môn.
Thế nên mới cần một quĩ bảo hiểm nghề nghiệp cho nghề thầy thuốc, một nghề đầy bất trắc và nhiều yếu tố rủi ro hơn bất cứ nghề nghiệp nào khác.
Thành thật mà nói, các điều kiện lý tưởng như trên, chúng ta chưa có!
Nhưng chưa cần đến công luận, chưa cần đến phán quyết chung cuộc của y sĩ đoàn, bất cứ người thầy thuốc có lương tâm nào sẽ bị ám ảnh rất lâu bởi những sai lầm của mình. Sự ám ảnh đó sẽ là sự trừng phạt rất dai dẳng của tòa án lương tâm, nhiều khi còn nặng nề hơn sự mạt sát của dư luận. Khi tóc ngày càng bạc, mọi người thầy thuốc đều không hẹn với lòng mà chiêm nghiệm rõ hơn về tính chất hư ảo và đầy bạc bẽo của y nghiệp. Lấy đó mà răn mình, thay vì vênh vang với những chức tước học vị hào nhoáng.
Thách đố trong y học thì vô hạn trong khi con người thì hữu hạn. Nên việc lên án chuyên môn của một người thầy thuốc phải dựa trên một sự am hiểu nhất định về y khoa, để thấu hiểu những khó khăn nghề nghiệp của họ trước khi phán quyết một cách công bằng và khách quan.
Sự tắc trách thì khác và không thể biện minh dưới bất cứ lý do nào! Chểnh mảng, cẩu thả làm thiệt mạng bệnh nhân rõ ràng là mồi lửa tốt nhất châm ngòi cho sự nổi giận của công luận.
Trước việc đau lòng vừa xảy ra tại bệnh viện Năm Căn (Cà Mau), người ta sẽ dễ dàng gật gù thông cảm với những bình luận chát chúa nhắm vào người thầy thuốc trên các báo mạng. Vì nếu có sự tắc trách đúng như mô tả, thật khó có thể tìm được một lời biện minh nào có thể xoa dịu được sự giận dữ rất hữu lý của dư luận.
Tuy nhiên, cách thức mà đám đông kia bày tỏ sự giận dữ cũng đáng lên án không kém sự tắc trách. Làm sao có thể dung thứ được hành vi đập phá bệnh viện, làm ảnh hưởng đến sinh mạng và sự an toàn của nhiều bệnh nhân khác đang được chữa trị? Làm sao có thể miễn chấp về mặt luật pháp việc ăn nhậu bên cạnh quan tài, cướp bóc, hôi của tại tư gia? Thật khó hiểu khi nhà chức trách lại không thể ngăn chặn kịp thời những hành vi quá khích ở mức độ công khai và kéo dài trong nhiều giờ trước đó.
Nhưng những gì xảy ra ở bệnh viện Năm Căn không phải là ngoại lệ.Trong khi việc lên án giới bác sĩ ngày càng gay gắt, những vụ gây rối, thanh toán, đâm chém lẫn nhau trong môi trường bệnh viện là điều xảy ra như cơm bữa, nhất là ở các bệnh viện phía Bắc. Bạo lực đã không chừa học đường, nay lan sang đến cả bệnh viện, thật là điều “xưa nay hiếm”.
Chính sự chểnh mảng và thái độ bạo lực đã làm cho nền y khoa ngày càng bất trắc cho cả hai phía bệnh nhân và thầy thuốc. Thay vì phải rất mực thân thiện và an toàn, như nó phải thế!
Người ta đã nói rất nhiều đến các học vị giáo sư tiến sĩ đang mọc lên như nấm sau mưa trong mọi ngành nghề, kể cả nghề y. Quan hệ thầy thuốc- bệnh nhân cũng chưa bao giờ xấu hơn bây giờ, khi vì nhiều lý do, không thầy thuốc đã không còn coi nghề mình là thiên chức. Hay khi nhiều người chấp nhận dùng bạo lực, dao, súng để “nói chuyện phải quấy” trong môi trường bệnh viện.
Không ít thầy thuốc đã không còn coi nghề mình là thiên chức. Mua bán bằng cấp như chợ búa, học thuật xuống dốc, quan hệ giữa y giới – công chúng ngày càng nhiều bạo lực, còn sự đổ vỡ nào lớn hơn cho một nền y khoa hay không?
BS. Lê Đình Phương