Từ 1/7/2024, Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở 2023 có hiệu lực thi hành quy định về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, nguyên tắc tổ chức, hoạt động, quan hệ công tác, xây dựng lực lượng, bảo đảm điều kiện hoạt động và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Vậy, theo quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị công cụ hỗ trợ như thế nào?
Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị công cụ hỗ trợ như thế nào?
Căn cứ khoản 1 Điều 21 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở năm 2023 có quy định lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được trang bị công cụ hỗ trợ để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Theo đó, Điều 8 Thông tư 14/2024/TT-BCA có hướng dẫn cụ thể như sau:
- Bộ Công an trang bị công cụ hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách trung ương bảo đảm theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; cụ thể như sau:
STT
|
TÊN CÔNG CỤ
|
ĐƠN VỊ TÍNH
|
TRANG BỊ CHO 01 TỔ BẢO VỆ AN NINH, TRẬT TỰ
|
NIÊN HẠN SỬ DỤNG
|
1.
|
Dùi cui cao su
|
Chiếc
|
80% quân số
|
Theo tiêu chuẩn của nhà sản xuất
|
2.
|
Dùi cui kim loại
|
Chiếc
|
50% quân số
|
3.
|
Áo giáp chống đâm
|
Cái
|
30% quân số
|
4.
|
Găng tay bắt dao
|
Đôi
|
30% quân số
|
- Hằng năm, Công an cấp xã tổng hợp nhu cầu số lượng, loại công cụ hỗ trợ trang bị cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở gửi Công an cấp huyện tổng hợp, gửi Công an cấp tỉnh lập dự trù kinh phí và gửi Cục Kế hoạch và tài chính thẩm định, tổng hợp, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an xem xét, quyết định.
- Căn cứ số lượng, loại công cụ hỗ trợ được trang bị theo quy định tại Thông tư này, Công an cấp xã tổ chức quản lý công cụ hỗ trợ được trang bị theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định của pháp luật có liên quan và xem xét, quyết định loại, số lượng công cụ hỗ trợ trang bị cho từng thành viên Tổ bảo vệ an ninh, trật tự, loại công cụ hỗ trợ sử dụng chung của Tổ bảo vệ an ninh, trật tự khi thực hiện nhiệm vụ.
Như vậy, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở sẽ được trang bị công cụ hỗ trợ theo ngân sách trung ương cụ thể theo quy định nêu trên.
Bảo đảm kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được quy định như thế nào?
Căn cứ Điều 19 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở năm 2023 có quy định về bảo đảm kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở:
- Kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở do ngân sách nhà nước bảo đảm và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
- Việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở thực hiện theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.
- Hằng năm, Bộ Công an, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm lập dự toán, chấp hành và quyết toán ngân sách nhà nước bảo đảm hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.
Theo đó, kinh phí hoạt động và trang bị cơ sở vật chất đối với lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được đảm bảo theo ngân sách nhà nước và các nguồn tài chính huy động hợp pháp khác theo quy định của pháp luật.
Người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được cử đi bồi dưỡng thì được hưởng chế độ gì?
Căn cứ khoản 2 Điều 23 Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở năm 2023 có quy định người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được hưởng hỗ trợ, bồi dưỡng khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện, thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của cấp có thẩm quyền hoặc khi được điều động, huy động thực hiện nhiệm vụ. Mức hỗ trợ, bồi dưỡng được quy định như sau:
- Khi được cử đi bồi dưỡng, huấn luyện được hưởng bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ nghĩa vụ Công an nhân dân;
- Khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ ngày hôm trước đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động được hưởng mức tiền bồi dưỡng do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;
- Khi làm nhiệm vụ tại những nơi thuộc khu vực biên giới, hải đảo, miền núi, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số hoặc tại đơn vị hành chính cấp xã trọng điểm về quốc phòng được hưởng mức tiền bồi dưỡng ngày công lao động tăng thêm do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định;
- Khi được điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ ngoài địa bàn phụ trách thì được cơ quan điều động, huy động, cử đi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ phương tiện đi lại, hỗ trợ ăn, nghỉ trong thời gian làm nhiệm vụ.
Như vậy, người tham gia lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở được cử đi bồi dưỡng thì được hưởng chế độ bồi dưỡng theo quy định nêu trên.