Luật Phòng thủ dân sự 2023 được Quốc hội thông qua ngày 20/6/2023 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2024.
1. Lực lượng phòng thủ dân sự
Căn cứ Điều 35 Luật Phòng thủ dân sự 2023 thì hiện nay, lực lượng phòng thủ dân sự bao gồm lực lượng nòng cốt và lực lượng rộng rãi. Trong đó:
- Lực lượng nòng cốt bao gồm:
+ Dân quân tự vệ, dân phòng;
+ Lực lượng chuyên trách, kiêm nhiệm của Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và của Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương.
- Lực lượng rộng rãi do toàn dân tham gia.
2. Hoạt động chỉ đạo phòng thủ dân sự
Hoạt động chỉ đạo phòng thủ dân sự là các hoạt động được quy định tại Điều 31 Luật Phòng thủ dân sự 2023 bao gồm:
- Theo dõi, giám sát nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa; nắm chắc diễn biến tình hình; thông báo cho các lực lượng, người dân tin tức có liên quan.
- Xác định cấp độ và áp dụng biện pháp phòng thủ dân sự phù hợp.
- Chuẩn bị phương án ứng phó; tổ chức kiểm tra địa bàn có nguy cơ xảy ra sự cố, thảm họa.
- Bổ sung lực lượng, sẵn sàng triển khai sở chỉ huy tại chỗ, chỉ đạo trực tiếp khu vực trọng yếu, địa bàn trọng điểm.
- Kiểm tra địa điểm sơ tán, tập kết để sẵn sàng sử dụng khi chuyển lên cấp độ phòng thủ dân sự cao hơn.
Bên cạnh đó, thẩm quyền chỉ đạo phòng thủ dân sự như sau:
- Chính phủ chỉ đạo phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước.
- Bộ Quốc phòng giúp Chính phủ chỉ đạo về phòng thủ dân sự.
- Các Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức triển khai thực hiện phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.
- Ủy ban nhân dân các cấp chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện phòng thủ dân sự tại địa phương theo quy định của pháp luật.
3. Chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự
Căn cứ Điều 33 Luật Phòng thủ dân sự 2023 quy định về chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự như sau:
- Việc chỉ huy các lực lượng phòng thủ dân sự của Bộ, ngành trung ương cơ quan ngang Bộ, địa phương do Bộ trưởng, Trưởng ngành trung ương, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp quyết định.
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chỉ huy các lực lượng, phương tiện trên địa bàn để ứng phó kịp thời ngay khi sự cố, thảm họa xảy ra trên địa bàn quản lý.
- Việc chỉ huy trong các cấp độ phòng thủ dân sự được quy định như sau:
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ huy các lực lượng, phương tiện trên địa bàn để thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 1 quy định tại Điều 22 Luật Phòng thủ dân sự 2023 và biện pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan;
- Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ huy các lực lượng, phương tiện trên địa bàn để thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 2 quy định tại Điều 23 Luật Phòng thủ dân sự 2023 và biện pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan;
- Thủ tướng Chính phủ chỉ huy lực lượng, phương tiện của Bộ, ngành trung ương, cơ quan ngang Bộ, địa phương để thực hiện các biện pháp phòng thủ dân sự cấp độ 3 quy định tại Điều 24 Luật Phòng thủ dân sự 2023 và biện pháp khác theo quy định của pháp luật có liên quan;
- Trong trường hợp vượt quá khả năng ứng phó, khắc phục của các lực lượng, phương tiện trên địa bàn, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp dưới phải báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp trên; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phải báo cáo Ban chỉ đạo Phòng thủ dân sự quốc gia và Thủ tướng Chính phủ.
- Người đứng đầu các cơ quan chuyên môn ở địa phương theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện chỉ huy lực lượng thuộc quyền thực hiện phòng thủ dân sự trong lĩnh vực quản lý theo quy định của pháp luật.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng, Trưởng ngành trung ương, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có liên quan chỉ huy các đơn vị thuộc quyền thực hiện phòng thủ dân sự ở khu vực quân đội quản lý và trên các vùng biển Việt Nam không thuộc phạm vi quản lý của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.
- Người chỉ huy đơn vị quân đội, công an điều động và chỉ huy lực lượng thuộc quyền tham gia, phối hợp thực hiện hoạt động phòng thủ dân sự theo quy định của pháp luật.
Luật Phòng thủ dân sự 2023 đã thiết lập một khuôn khổ pháp lý chi tiết và rõ ràng cho công tác phòng thủ dân sự tại Việt Nam. Công tác chỉ đạo và chỉ huy lực lượng phòng thủ dân sự được thực hiện ở nhiều cấp độ, từ trung ương đến địa phương, đảm bảo khả năng ứng phó kịp thời với các sự cố, thảm họa có thể xảy ra. Sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng này là yếu tố quan trọng để đảm bảo an ninh, trật tự và bảo vệ người dân trong mọi tình huống khẩn cấp.