Chào bạn.
Xin cảm ơn bạn vì đã nêu ra câu hỏi. Tôi cũng xin mạn phép có một vài trao đổi sau.
Vấn đề bạn đặt ra là: Luật quy định những trường hợp nào được bồi thường thiệt hại trong hoạt động tố hình sự. Và trách nhiệm bồi thường cho người bị oan sai gồm những ai/cơ quan nào?
Đầu tiên, vấn đề bạn đặt ra được điều chỉnh bởi LUẬT Trách nhiệm bồi thường của nhà nước năm 2009 chứ không phải Luật Tố tụng Hình sự 2015.
Các trường hợp được bồi thường
Điều 26 của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định 6 trường hợp nhà nước phải bồi thường cho người bị thiệt hại trong hoạt động tố tụng (người bị oan sai):
1. Người bị tạm giữ mà có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự huỷ bỏ quyết định tạm giữ vì người đó không thực hiện hành vi vi phạm pháp luật;
2. Người bị tạm giam, người đã chấp hành xong hoặc đang chấp hành hình phạt tù có thời hạn, tù chung thân, người đã bị kết án tử hình, người đã thi hành án tử hình mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
3. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án không bị tạm giữ, tạm giam, thi hành hình phạt tù có thời hạn mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
4. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án, đã chấp hành hình phạt tù mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;
5. Người bị khởi tố, truy tố, xét xử về nhiều tội trong cùng một vụ án và bị kết án tử hình nhưng chưa thi hành mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm tội bị kết án tử hình và tổng hợp hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam vượt quá so với mức hình phạt chung của những tội mà người đó phải chấp hành;
6. Người bị xét xử bằng nhiều bản án, Toà án đã tổng hợp hình phạt của nhiều bản án đó, mà sau đó có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không phạm một hoặc một số tội và hình phạt của những tội còn lại ít hơn thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù thì được bồi thường thiệt hại tương ứng với thời gian đã bị tạm giam, chấp hành hình phạt tù vượt quá so với mức hình phạt của những tội mà người đó phải chấp hành;
Một cách ngắn gọn, có những trường hợp được bồi thường là: người bị tạm giữ, được kết luận là không phạm tội; người bị tạm giam được kết luận là không phạm tội; người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án được kết luận là không phạm tội; người đã phạt chịu hình phạt tù lâu hơn hình phạt tù mà đáng lẽ họ phải chịu.
Những cơ quan có trách nhiệm bồi thường
Điều 30, 31, 32 Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước quy định, có 3 cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường, gồm: Cơ quan điều tra (Công an); Viện kiểm sát Nhân dân; Tòa án Nhân dân.
Điều 30, Luật TNBTNN quy định, cơ quan điều tra phải bồi thường trong trường hợp:
· Cơ quan điều tra ra quyết định tạm giữ, nhưng quyết định này bị hủy bỏ bởi Viện kiểm sát nhân dân với lý do người bị tạm giữ không vi phạm pháp luật
· Cơ quan điều tra ra quyết định khởi tố, nhưng không được Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn với lý do người bị khởi tố không vi phạm pháp luật
Như vậy, cơ quan điều tra phải bồi thường nếu quyết định tạm giữ của cơ quan điều tra bị hủy bỏ bởi Viện kiểm sát nhân dân, hoặc quyết định khởi tố của cơ quan điều tra không được Viện kiểm sát nhân dân phê chuẩn.
Điều 31 quy định trách nhiệm bồi thường của Viện kiểm sát nhân dân:
· Viện kiểm sát nhân dân đã phê chuẩn quyết định gia hạn tạm giữ của cơ quan điều tra nhưng người bị tạm giữ không có hành vi vi phạm pháp luật;
· Viện kiểm sát nhân dân đã phê chuẩn lệnh tạm giam của cơ quan điều tra hoặc ra lệnh tạm giam, gia hạn tạm giam mà sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
· Toà án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng sau đó có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đình chỉ điều tra vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
· Đã có quyết định truy tố bị can nhưng Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội và bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật;
· Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội;
· Toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định của Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội và sau đó Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm vẫn giữ nguyên bản án, quyết định của Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.
Viện kiểm sát có trách nhiệm bồi thường nếu Viện kiểm sát phê chuẩn, ra lệnh hoặc gia hạn tạm giữ, tạm giam, bắt đầu khởi tố nghi can nhưng cuối cùng có kết luận của cơ quan có thẩm quyền rằng người đó vô tội; tòa án cấp sơ thẩm trả hồ sơ để điều tra bổ sung nhưng sau đó có quyết định đình chỉ điều tra; bản án có hiệu lực cuối cùng tuyên bị cáo không có tội.
Điều 32 quy định Tòa án có trách nhiệm bồi thường trong những trường hợp sau:
1. Toà án cấp sơ thẩm
· Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án cấp phúc thẩm huỷ bản án sơ thẩm, tuyên bị cáo không có tội và đình chỉ vụ án vì người đó không phạm tội hoặc huỷ bản án sơ thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội hoặc huỷ bản án sơ thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội;
· Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội, bản án sơ thẩm đã có hiệu lực pháp luật nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
· Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội;
· Toà án cấp sơ thẩm tuyên bị cáo có tội, bản án đã có hiệu lực pháp luật nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.
2. Toà án cấp phúc thẩm
· Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
· Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì không thực hiện hành vi phạm tội;
· Toà án cấp phúc thẩm tuyên bị cáo có tội nhưng Toà án xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ bản án phúc thẩm để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.
3. Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Toà án quân sự quân khu và tương đương có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Toà án quân sự quân khu và tương đương xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm giữ nguyên bản án của Toà án cấp dưới tuyên bị cáo có tội trong các trường hợp sau đây:
· Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Toà án quân sự quân khu và tương đương và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
· Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Toà án quân sự quân khu và tương đương để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
· Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm huỷ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Uỷ ban Thẩm phán Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, Toà án quân sự quân khu và tương đương để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.
4. Toà án nhân dân tối cao có trách nhiệm bồi thường thiệt hại khi Toà phúc thẩm Toà án nhân dân tối cao, Toà hình sự Toà án nhân dân tối cao, Toà án quân sự trung ương (sau đây gọi chung là Toà có thẩm quyền) xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm, tái thẩm giữ nguyên bản án của Toà án cấp dưới tuyên bị cáo có tội trong các trường hợp sau đây:
· Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa có thẩm quyền thuộc Toà án nhân dân tối cao và đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
· Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa có thẩm quyền thuộc Toà án nhân dân tối cao để điều tra lại mà sau đó bị can được đình chỉ điều tra, đình chỉ vụ án vì người đó không thực hiện hành vi phạm tội;
· Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao huỷ quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Tòa có thẩm quyền thuộc Toà án nhân dân tối cao để xét xử lại mà sau đó bị cáo được tuyên là không có tội vì không thực hiện hành vi phạm tội.
Một cách ngắn gọn, trong vụ án nếu tòa án cao nhất trong vụ án ấy tuyên bị cáo vô tội; hủy bản án của tòa án cấp thấp hơn để xét xử lại, mà sau đó bản án mới tuyên bị cáo vô tội; hoặc hủy bản án của các tòa án cấp thấp hơn để điều tra lại rồi sau đó có quyết định đình chỉ vụ án vì bị can không thực hiện hành vi phạm tội; thì tòa án nào lần đầu tiên tuyên bị cáo có tội sẽ phải nhận trách nhiệm bồi thường.
Trên đây là những trao đổi của tôi về vấn đề của bạn. Nếu bạn có mong muốn được trợ giúp pháp lý, xin liên hệ theo phần thông tin ghi dưới đây.
Chân thành cảm ơn bạn.