"Vụ kiện casino": Tòa án quận 1 thụ lý có đúng thẩm quyền?
Liên quan đến vụ kiện của ông Ly Sam, cho đến nay vẫn còn có những ý kiến lấn cấn, phân vân, tranh luận về thẩm quyền xét xử vụ kiện nói trên của Tòa án nhân dân quận 1. Cụ thể, trên báo Pháp luật TP. Hồ Chí Minh số ra ngày hôm qua 14/1/2013, có bài viết "Vụ kiện 55,5 triệu USD: Tòa xử sai thẩm quyền?".
Chúng ta xem kỹ lại các quy định về vấn đề này như thế nào.
Khoản 3 Điều 33 Bộ luật Tố tụng dân sự viết: Những tranh chấp, yêu cầu quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này mà có đương sự hoặc tài sản ở nước ngoài hoặc cần phải uỷ thác tư pháp cho cơ quan Lãnh sự của Việt Nam ở nước ngoài, cho Toà án nước ngoài không thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án nhân dân cấp huyện.
Trong khi đó, Nghị quyết số01/2005/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao hướng dẫn “đương sự ở nước ngoài” như sau: “Đương sự là cá nhân không phân biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam mà không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm tòa án thụ lý vụ việc dân sự; đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài hoặc người nước ngoài không ở Việt Nam có mặt tại Việt Nam để nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự hoặc đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại tòa án”.
Như vậy, chúng ta hiểu thế nào cho đúng, ít ra về mặt câu chữ, đối với hai quy định nêu ở trên?
Hướng dẫn của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao gồm có hai vế:
-
Đương sự là cá nhân không phân biệt là người nước ngoài hay người Việt Nam mà không có mặt tại Việt Nam vào thời điểm tòa án thụ lý vụ việc dân sự; và,
-
Đương sự là người Việt Nam định cư, làm ăn, học tập, công tác ở nước ngoài hoặc người nước ngoài không ở Việt Nam có mặt tại Việt Nam để nộp đơn khởi kiện vụ án dân sự hoặc đơn yêu cầu giải quyết việc dân sự tại tòa án.
Trong vế thứ nhất, thuật ngữ "người Việt Nam" cần được hiểu bao gồm công dân Việt Nam hiện cư trú trên đất nước Việt Nam và người Việt Nam định cư ở nước ngoài hiện cư trú hợp pháp tại Việt Nam; từ ngữ "có mặt" chỉ có nghĩa là "sự hiện diện" của một người. Vì nguyên nhân nào đó, họ trở thành đương sự trong một vụ việc dân sự tại một tòa án cấp huyện có thẩm quyền. Sau đó, họ đi ra nước ngoài và tạm vắng tại Việt Nam cho đến ngày tòa án thụ lý vụ việc dân sự của họ mà họ vẫn chưa trở về Việt Nam sau đó.
Một vấn đề có tính nguyên tắc là việc tạm vắng tại Việt Nam của họ phải được đăng ký tại công an nơi họ cư trú. Nếu có chứng cứ về việc đăng ký tạm vắng của họ, tòa án cấp huyện đã thụ lý vụ việc dân sự phải chuyển hồ sơ vụ việc của họ lên tòa án cấp tỉnh. Nếu không có chứng cứ nêu trên, tòa án cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm. Xin lưu ý, khái niệm "cư trú" bao hàm ba nội dung là thường trú, tạm trú và lưu trú.
Tương tự, đối với người nước ngoài, họ sang Việt Nam vì mục đích nào đó và cư trú hợp pháp tại Việt Nam, dài hạn hoặc ngắn hạn. Sau khi trở thành đương sự trong một vụ việc dân sự tại Việt Nam, họ cần phải trở về nước của họ cho đến ngày tòa án thụ lý vụ việc mà họ vẫn chưa trở lại Việt Nam sau đó. Trường hợp này, tòa án cấp huyện đã thụ lý vụ việc cũng chuyển hồ sơ của họ lên tòa án cấp tỉnh.
Tại vế thứ hai, tư cách đương sự được giới hạn ở phạm vi hẹp hơn: là người khởi kiện vụ án dân sự hoặc người yêu cầu giải quyết việc dân sự. Trường hợp đương sự đang cư trú và có mặt hợp pháp ở nước ngoài vì một hay nhiều lý do trở về hoặc đến Việt nam để nộp đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu thì thuộc thẩm quyền giải quyết vụ việc dân sự của tòa án cấp tỉnh.
Vậy thì, trường hợp nào áp dụng vế thứ nhất, trường hợp nào áp dụng vế thứ hai? Trở lại vấn đề của ông Ly Sam được xem là ví dụ điển hình. Ông vừa là công dân Việt Nam vừa là công dân Mỹ; tham gia tố tụng dân sự với tư cách là người khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận 1.
Theo thông tin trên báo Pháp luật TP. HCM ngày 14/1/2013 (bài báo Vụ kiện 55,5 triệu USD: Tòa xử sai thẩm quyền?), ông Ly Sam có quốc tịch Mỹ nhưng về Việt Nam kinh doanh, được phép cư trú tại Việt Nam. Khi nộp đơn khởi kiện và trong quá trình tòa thụ lý, ông Ly Sam vẫn tạm trú tại Việt Nam.
Như vậy, thẩm quyền của tòa án cấp nào giờ đây đã rất rõ ràng: THUỘC THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN NHÂN DÂN QUẬN 1 (áp dụng vế thứ nhất, dù ông Ly Sam được xem là công dân Việt Nam hay công dân Mỹ).
Giả sử, sau khi Tòa án quận 1 nhận đơn kiện của ông Ly Sam xong, ông có việc phải trở lại Mỹ và tạm vắng tại Việt Nam cho đến ngày tòa án thụ lý vụ kiện mà vẫn chưa trở về thì lúc này thẩm quyền xét xử sơ thẩm mới thuộc về Tòa án nhân dân TP. HCM.
Cũng giả sử, ông Ly Sam chỉ về Việt Nam thăm thân nhân một thời gian theo thời hạn visa. Trong thời gian này, ông đến chơi trò chơi có thưởng tại câu lạc bộ Palazzo và xảy ra tranh chấp như thông tin đã biết. Hai bên thương lượng không thành và sau đó ông phải trở về Mỹ vì visa hết hạn. Vẫn còn trong thời hiệu khởi kiện, ông bay về Việt Nam để khởi kiện vụ án dân sự đối với Palazzo. Lúc này, thẩm quyền xét xử sơ thẩm sẽ thuộc về Tòa án nhân dân TP. HCM (áp dụng vế thứ hai, dù ông Ly sam được xem là công dân Việt Nam hay công dân Mỹ)./.
Cập nhật bởi quoctranllc ngày 15/01/2013 06:53:35 CH
Luật sư Trần Đình Bảo Quốc
(Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh)
DĐ: 098 3600737
____________________________________________
CÔNG TY LUẬT TNHH TRẦN QUỐC - QUOC TRAN PLLC
Head Office:
464 Lạc Long Quân
Phường 5, Quận 11
TP. Hồ Chí Minh
Tel: (+84 8) 3975 1734
Fax: (+84 8) 3975 5681
E-mail: quoctranpllc@gmail.com