1. Những điểm mới về giám hộ trong Bộ luật dân sự năm 2005 (BLDS 2005)
Giám hộ là chế định quan trọng trong Bộ luật dân sự
(BLDS) nhằm mục đích để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền và lợi
ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân
sự.
Chế định giám hộ được quy định ở mục 4, Chương III
Phần thứ nhất BLDS năm 2005 với 16 điều (từ Điều 58 đến Điều 73), với
những sửa đổi bổ sung quan trọng so với các điều của tương tự của BLDS
1995.
1.1. Khái niệm giám hộ
Điều 58 BLDS 2005 đã đưa ra khái niệm giám hộ:
“ Giám hộ là cá nhân, tổ chức (sau đây gọi chung là
người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc
chăm sóc và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi ( NLHV) dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ)
So với khái niệm giám hộ quy định tại Điều 67 BLDS
1995 thì khái niệm giám hộ nêu ở Điều 58 BLDS 2005 ngoài việc sửa đổi
từ ngữ còn sửa nội dung câu “người bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh
khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình” bằng câu “người mất NLHV dân sự”.
Việc thay đổi này làm cho điều luật vừa ngắn ngọn
vừa thể hiện được sự chặt chẽ và chính xác hơn. Vì khái niệm mất NLHV
dân sự đã được quy định tại Điều 24 BLDS 1995, Điều 22 BLDS 2005. Vì
vậy điều luật không cần mô tả lại những biểu hiện của người mất NLHV
dân sự.
1.2 Giám sát việc giám hộ
Giám sát việc giám hộ quy định tại Điều 59 BLDS 2005 so với Điều 68 BLDS 1995 thì được sửa đổi, bổ sung sau.
Điều 59 BLDS 2005 quy định:
1. Người thân thích của người giám hộ có trách nhiệm cử người đại diện làm người giám sát việc giám hộ để theo dõi đôn đốc kiểm tra người giám hộ trong việc thực hiện giám hộ, xem xét giải quyết kịp thời những đề nghị, kiến nghị của người giám hộ liên quan đến việc giám hộ.
2. Trong trường hợp không có người giám hộ
thân thích của người được giám hộ hoặc những những người thân thích
không cử được người giám sát việc giám hộ thì Uỷ ban nhân dân xã,
phường, thị trấn nơi cư trú của người giám hộ cử người giám sát việc
giám hộ.
Quy định trên đây của Điều 59 BLDS 2005 hợp lý hơn so với quy định tại Điều 68 BLDS 1995.
Điều 68 BLDS 1995 quy định: Uỷ ban nhân dân xã,
phường, thị trấn nơi người giám hộ cư trú và người cử người giám hộ có
trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, kiểm tra người giám hộ trong việc thực
hiện giám hộ.
Quy định của Điều 68 BLDS 1995 không phân biệt rõ
được trách nhiệm giám sát việc giám hộ của Uỷ ban nhân dân cấp xã với
người cử người giám hộ. Do đó không thể không xảy ra tình trạng Uỷ ban
tưởng đã có người cử người giám hộ giám sát việc giám hộ, ngược lại
người cử người giám hộ lại cho rằng đã có Uỷ ban giám sát hoặc tình
trạng đùn đẩy trách nhiệm cho nhau.
Hơn nữa việc giám hộ chỉ đặt ra đối với những cá
nhân cụ thể, do đó trách nhiệm giám sát việc giám hộ trước hết phải là
của những người thân của người được giám hộ, đây là vấn đề đạo lý của
cuộc sống, chỉ khi không có người thân của người được giám hộ làm được
việc đó, mới đòi hỏi đến trách nhiệm của cộng đồng mà Uỷ ban nhân dân
cấp xã là người đại diện.
Điều 59 BLDS 2005 còn dùng từ “kiến nghị” của người
giám hộ thay cho từ “khiếu nại” ở Điều 68 BLDS 1995. Tuy chỉ là một sửa
đổi nhỏ nhưng rất chính xác và làm rõ được bản chất của sự việc.
Ngoài ra, Điều 59 BLDS 2005 còn bổ sung thêm khái niệm người thân thích “Người
thân thích của người được giám hộ là vợ, chồng, cha, mẹ, con của người
được giám hộ; nếu không có ai trong số những người này thì người thân
thích của người được giám hộ là ông, bà, anh ruột, chị ruột, em ruột
của người được giám hộ; nếu cũng không có ai trong số những người này
thì người thân thích của người được giám hộ là bác, chú, cậu, cô, dì
của người được giám hộ” và “người giám sát việc giám hộ phải là người có NLHV dân sự đầy đủ”
Đây là những bổ sung quan trọng, tránh được tình trạng sau khi có luật lại phải chờ văn bản hướng dẫn mới thi hành được.
1.3 Điều kiện của cá nhân người làm giám hộ.
Điều 60 BLDS 2005 quy định:
Cá nhân có đủ các điều kiện sau đây có thể làm người giám hộ:
1. Có NLHV dân sự đầy đủ
2. Có tư cách đạo đức tốt, không phải là người đang
bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc người bị kết án nhưng chưa được
xoá án tích về một trong các tội cố ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ,
danh dự, nhân phẩm, tài sản của người khác.
3. Có điều kiện cần thiết bảo đảm việc giám hộ.
So với quy định tại Điều 69 BLDS 1995 thì Điều 60
BLDS 2005 đã bỏ tiêu chí “đủ 18 tuổi trở lên” và bổ sung tiêu chí quy
định tại khoản 2.
Việc bỏ tiêu chí “đủ 18 tuổi trở lên” là chính xác
vì với tiêu chí “có NLHV dân sự đầy đủ” là đã bao hàm tiêu chí “đủ 18
tuổi trở lên”.
Việc bổ sung tiêu chí quy định về đạo đức, phẩm chất
của người được cử làm giám hộ quy định tại khoản 2 Điều 60 là rất cần
thiết để bảo đảm được quyền và lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.
1.4 Người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên
Điều 61 BLDS 2005 so với Điều 70 BLDS 1995 có sửa
đổi bổ sung nhỏ, ngoài việc sửa đổi hoặc thêm từ cho chính xác thì có
mở rộng thêm diện người giám hộ. Cụ thể:
Khoản 2 Điều 61 BLDS năm 2005 đã quy định: “Trong
trường hợp không có anh, chị, em ruột hoặc anh, chị, em ruột không có
đủ điều kiện làm người giám hộ, thì ông, bà nội, ông, bà ngoại là người
giám hộ. Nếu không có ai trong số người thân thích này có đủ điều kiện làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì làm người giám hộ.
Việc mở rộng diện người làm giám hộ này là cần thiết và phù hợp với phong tục tập quán của người Việt Nam.
1.5 Cử người giám hộ.
Điều 63 BLDS 2005 quy định: Trong trường hợp người chưa thành niên, người mất NLHV dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhiệm việc giám hộ.
So với Điều 72 BLDS 1995 thì Điều 63 BLDS 2005 ngoài
việc thay cụm từ “người mất NLHV dân sự” cho cụm từ “người bị bệnh tâm
thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành
vi của mình”, còn bỏ quy định: “những người thân thích của người được
giám hộ cử một người trong số họ làm người giám hộ; nếu không có ai
trong số những người thân thích có đủ điều kiện làm người giám hộ, thì
họ có thể cử một người khác làm người giám hộ”.
Việc bỏ quy định nêu trên là chính xác, vì Điều 61
và Điều 62 BLDS 2005 đã quy định cụ thể người giám hộ đương nhiên của
người chưa thành niên và của người mất NLHV dân sự trong đó quy định rõ
thứ tự những người thân thích của người được làm giám hộ sẽ đảm nhiệm
việc làm giám hộ.
Hơn nữa theo quy định của Điều 72 BLDS 1995 những
người thân thích của người được giám hộ nếu không có ai đủ điều kiện
làm giám hộ thì họ có thể cử một người khác làm giám hộ. Quy định này
là không thực tế vì những người thân thích của người được giám hộ có
quyền gì để cử người khác làm giám hộ và cử ai, luật lại không quy định.
1.6. Quản lý tài sản của người được giám hộ.
Điều 69 BLDS 2005 quy định việc quản lý tài sản của
người được giám hộ, ngoài việc sửa đổi bổ sung từ ngữ, câu chữ, khoản 3
Điều 69 BLDS 2005 bổ sung quy định: “Các giao dịch dân sự giữa
người giám hộ với người được giám hộ có liên quan đến tài sản của người
được giám hộ không bị coi là vô hiệu nếu giao dịch đó được thực hiện vì
lợi ích của người được giám hộ và có sự đồng ý của người giám sát việc
giám hộ”.
Khoản 3 Điều 79 BLDS 1995 không có quy định này.
Việc bổ sung quy định này là cần thiết và hợp lý. Quy định này không
những không làm hại đến quyền và lợi ích của người được giám hộ, mà lại
bảo đảm được sự bình đẳng giữa người giám hộ với những người khác trong
các giao dịch dân sự và phù hợp với đạo lý của người Việt Nam.
1.7 Chuyển giao giám hộ của người giám hộ được cử.
Điều 71 BLDS 2005 quy định chuyển giao giám hộ của
người giám hộ được cử, so với Điều 81 BLDS 1995 thì Điều 71 BLDS 2005
bổ sung khoản 4 mà Điều 81 BLDS 1995 không có. Đó là “Việc chuyển giao giám hộ phải được Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người giám hộ mới công nhận”
Quy định này phù hợp với quy định về đăng ký hộ
tịch. Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn là cơ quan đăng ký hộ tịch
có thẩm quyền xác nhận sự kiện sinh, tử, kết hôn, ly hôn, giám hộ, nuôi
con nuôi…Hơn nữa theo Điều 63 BLDS 2005 thì việc cử người giám hộ là do
Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi cư trú của người được giám hộ
cử người giám hộ nên việc chuyển giao giám hộ của người giám hộ được cử
cần phải có sự công nhận của Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn người
giám hộ mới.
1.8. BLDS 2005 bỏ quy định về “việc giám hộ của cơ quan lao động, thương binh và xã hội”.
Theo Điều 73 BLDS 1995 thì “Trong trường hợp không
có người giám hộ đương nhiên và cũng không có người giám hộ, thì cơ
quan lao động thương binh và xã hội nơi cư trú của người được giám hộ
nhận việc giám hộ”.
Quy định như trên là mâu thuẫn với quy định về “cử
người giám hộ” (Điều 72 BLDS 1995, Điều 63 BLDS 2005), vì các Điều luật
này quy định “Trường hợp những người thân thích của người được giám hộ
cử người giám hộ, nếu không có những người thân thích hoặc không cử
được thì Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người được giám hộ cư
trú có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị tổ chức từ thiện đảm
nhận việc giám hộ”. Với quy định này thì không thể xảy ra trường hợp Uỷ
ban nhân dân xã không cử được người giám hộ. Hơn nữa hiện nay cơ quan
lao động, thương binh và xã hội chỉ có từ cấp huyện trở lên, trong khi
đó người được giám hộ lại cư trú, sinh sống ở đơn vị thôn, xã làm sao
cơ quan lao động, thương binh và xã hội biết tới.
Mặt khác, BLDS 2005 đã quy định cụ thể người làm
giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên (Điều 60) và của người
mất NLHV dân sự (Điều 62) và quy định rõ trường hợp cử người giám hộ
khi không có người giám hộ đương nhiên (Điều 63) vì vậy bỏ quy định
việc giám hộ của cơ quan lao động, thương binh và xã hội là hợp lý.
2. Những điểm mới về đại diện trong BLDS 2005.
Đại diện là việc một người nhân danh và vì lợi ích của người khác xác lập, thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện.
Chế định đại diện được quy định trong Chương VII,
Phần thứ nhất BLDS 2005 với 10 điều từ Điều 139 đến Điều 148, trong đó
có 8 điều sửa đổi, bổ sung, 2 điều giữ nguyên so với quy định tương ứng
tại BLDS 1995, đó là Điều 140 (Đại diện theo pháp luật) và Điều 141
(người đại diện theo pháp luật). Sau đây là những điểm sửa đổi bổ sung
quan trọng:
2.1 Về khái niệm đại diện
Khoản 1 Điều 139 BLDS 2005 quy định: “Đại diện là việc một người (sau đây được gọi là người đại diện) nhân danh và vì lợi ích của người khác (sau đây gọi là người được đại diện) xác lập thực hiện giao dịch dân sự trong phạm vi đại diện”.
So với khoản 1 Điều 148 BLDS 1995 thì khoản 1 Điều 139 BLDS 2005 bổ sung thêm không lớn nhưng đã nhấn mạnh được trách nhiệm
của người đại diện, phản ánh đúng bản chất của đại diện, từ đó có cơ sở
pháp lý để giải quyết những trường hợp người đại diện xác lập, thực
hiện các quan hệ dân sự không xuất phát từ lợi ích của người được đại
diện.
Ngoài ra Điều 139 BLDS 2005 còn thêm khoản 5 “người
đại diện phải có NLHV dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại khoản
2 Điều 143 của bộ luật này”
2.2 Đại diện theo uỷ quyền.
Điều 142 BLDS 2005 có một sửa đổi nhỏ về hình thức
ủy quyền như sau: “Hình thức uỷ quyền do các bên thoả thuận, trừ trường
hợp pháp luật quy định việc uỷ quyền phải lập thành văn bản”. So với
khoản 2 Điều 151 BLDS 1995 thì quy định về hình thức uỷ quyền ở Điều
142 BLDS 2005 rộng hơn, nó không bắt buộc “Việc uỷ quyền phải được lập
thành văn bản” như khoản 2 Điều 151 BLDS 1995.
2.3 Người đại diện theo uỷ quyền.
Điều 143 BLDS 2005 quy định: “người đủ mười lăm tuổi
đến chưa đủ mười tám tuổi có thể là người đại diện theo uỷ quyền, trừ
trường hợp pháp luật quy định giao dịch dân sự phải do người từ đủ mười
tám tuổi trở lên xác lập thực hiện” thay cho khoản 2 Điều 152 BLDS 1995
“người chưa thành niên, người mất NLHV dân sự hoặc bị hạn chế NLHV dân
sự không được làm người đại diện theo uỷ quyền”
Từ 2 điều luật trên ta thấy, khoản 2 Điều 143 BLDS
2005 quy định những người được làm đại diện theo uỷ quyền, còn khoản 2
Điều 152 BLDS 1995 lại quy định những người không được làm đại diện
theo uỷ quyền.
Điều 143 BLDS 2005 đã mở rộng phạm vi người được đại
diện theo uỷ quyền. Người đại diện theo uỷ quyền không nhất thiết cứ
phải là người đã thành niên như quy định tại Điều 152 BLDS 1995 mà cả
những người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi trừ trường hợp
những giao dịch dân sự pháp luật quy định bắt buộc phải do người đủ 18
tuổi trở lên xác lập. Quy định như Điều 143 BLDS 2005 là phù hợp với
quy định về NLHV dân sự của người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến vừa
đủ 18 tuổi (khoản 2 Điều 20 BLDS 2005)
2.4 Hậu quả giao dịch do người không có quyền đại diện xác lập, thực hiện.
Khoản 1 Điều 154 BLDS 1995 quy định “giao dịch dân
sự do người không có thẩm quyền đại diện xác lập thực hiện không làm
phát sinh quyền nghĩa vụ với người được đại diện. Trừ trường hợp người
được đại diện chấp thuận…” . Quy định này không đúng trong trường hợp
người được đại diện là người mất NLHV dân sự, vì không thể đòi hỏi có
sự đồng ý của người được đại diện. Để khắc phục tình trạng trên khoản 1
Điều 145 BLDS 2005 bổ sung thêm trường hợp không được “người đại diện” chấp thuận.
Ngoài ra khoản 1 Điều 145 BLDS 2005 còn bổ sung quy
định trách nhiệm cho người đã giao dịch với người không có quyền đại
diện đó là: “người đã giao dịch với người không có quyền đại diện
phải thông báo cho người được đại diện hoặc người đại diện của người đó
để trả lời trong thời hạn ấn định; nếu hết thời hạn này mà không trả
lời thì giao dịch đó không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ đối với người
được đại diện…”
2.5 Hậu quả của giao dịch dân sự do người đại diện xác lập thực hiện vượt quá phạm vi đại diện.
Khoản 1 Điều 146 BLDS 2005 quy định “giao dịch dân sự do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại diện không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của người được đại diện đối với phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện, trừ trường hợp người được đại diện đồng ý hoặc biết mà không phản đối,
nếu không được sự đồng ý thì người đại diện phải thực hiện nghĩa vụ đối
với người đã giao dịch với mình về phần giao dịch vượt quá phạm vi đại diện”
So với khoản 1 Điều 155 BLDS 1995, quy định này có một số sửa đổi bổ sung như sau:
Thay cụm từ : “vượt quá thẩm quyền đại diện”, bằng cụm từ “vượt quá phạm vi đại diện” và bổ sung thêm cụm từ “đối với phần giao dịch thực hiện quá phạm vi đại diện”
mà Điều 155 BLDS 1995 không có. Theo Điều 153 BLDS 1995 và Điều 144
BLDS 2005 thì thẩm quyền đại diện (hay quyền đại diện) là thẩm quyền
(hay quyền) xác lập thực hiện các giao dịch dân sự vì lợi ích của người
được đại diện. Chỉ đối với đại diện theo uỷ quyền thì người đại diện
mới phải thực hiện quyền đại diện trong phạm vi được uỷ quyền, nên dùng
cụm từ vượt quá phạm vi được uỷ quyền là chính xác.
Mặt khác khoản 1 Điều 146 BLDS 2005 bổ sung thểm cụm từ “phần giao dịch được thực hiện vượt quá phạm vi đại diện”
làm cho Điều luật chặt chẽ và chính xác, theo quy định này, chỉ phần
giao dịch vượt quá phạm vi được uỷ quyền mới không làm phát sinh quyền
và nghĩa vụ với người được uỷ quyền. Điều 155 BLDS 1995, làm cho người
ta có thể hiểu không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người được
đại diện về toàn bộ giao dịch do người đại diện xác lập.
Đặc biệt Điều 146 BLDS 2005 không những quy định người được đại diện đồng ý mà còn quy định bổ sung thêm hoặc biết mà không phản đối thì
giao dịch do người đại diện xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi đại
diện vẫn làm phát sinh quyền và nghĩa vụ đối với người được đại diện.
Bổ sung thêm quy định này là hết sức cần thiết tránh được các tình
trạng đã xảy ra là người được đại diện biết giao dịch do người đại diện
xác lập, thực hiện vượt quá phạm vi được đại diện, nhưng không phản
đối, sau một thời gian thực hiện thấy bất lợi cho mình, lúc đó lấy cớ
chưa có ý kiến gì về việc xác lập, thực hiện giao dịch đó để dũ bỏ
trách nhiệm.
2.6 Chấm dứt đại diện của pháp nhân.
Chấm dứt đại diện của pháp nhân được quy định tại
Điều 148 BLDS 2005. So với Điều 157 BLDS 1995 thì điểm b, điểm c của
khoản 2 Điều 148 BLDS 2005 có sửa đổi bổ sung như sau:
Điểm b khoản 2 Điều 157 BLDS 1995 chỉ quy định chấm
dứt đại diện của pháp nhân khi “người đại diện theo pháp luật của pháp
nhân huỷ bỏ việc uỷ quyền”. Điểm b khoản 2 Điều 148 BLDS 2005 bổ sung
thêm “hoặc người được uỷ quyền từ chối việc uỷ quyền”
Bổ sung quy định này là phù hợp với thực tế, vì có
nhiều trường hợp do lý do chủ quan hoặc khách quan người được uỷ quyền
không thể tiếp tục làm đại diện, do đó luật pháp phải quy định cho họ
quyền từ chối làm đại diện.
Điểm c khoản 2 Điều 157 BLDS 1995 chỉ quy định “pháp
nhân chấp dứt”, điểm c khoản 2 Điều 148 BLDS 2005 bổ sung thêm các
trường hợp “hoặc người được uỷ quyền chết, bị Toà án tuyên bố mất NLHV dân sự, bị hạn chế NLHV dân sự, mất tích hoặc đã chết”.
“Khi chấm dứt đại diện theo uỷ quyền, người
đại diện phải thanh toán xong các nghĩa vụ tài sản với pháp nhân uỷ
quyền hoặc pháp nhân kế thừa”
Việc bổ sung điểm c khoản 2 Điều 148 BLDS 2005 như
trên là phù hợp với thực tế, đặc biệt việc bổ sung trách nhiệm thanh
toán nghĩa vụ tài sản của người được uỷ quyền với pháp nhân hoặc pháp
nhân kế thừa là hết sức cần thiết, nó là cơ sở pháp lý để buộc người
được uỷ quyền hoặc người thừa kế của người được uỷ quyền (trường hợp
người được uỷ quyền chết) hoặc người đại diện của người được uỷ quyền
(trường hợp người được uỷ quyền mất NLHV dân sự), có trách nhiệm thanh
toán các nghĩa vụ tài sản đối với pháp nhân.
3. Việc áp dụng chế định giám hộ, đại diện trong tố tụng dân sự.
Trong tố tụng dân sự Chế định giám hộ, đại diện được áp dụng khá phổ biến
Theo Điều 57 Bộ luật Tố tụng dân sự (BLTTDS) thì:
- Năng lực hành vi tố tụng dân sự (NLHVTTDS) là khả
năng tự mình thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng dân sự hoặc uỷ quyền
cho người đại diện tham gia tố tụng dân sự.
- Đương sự là người từ đủ mười tám tuổi trở lên có
đầy đủ NLHVTTDS, trừ người mất NLHV dân sự, người bị hạn chế NLHV dân
sự hoặc pháp luật có quy định khác.
- Đương sự là người chưa đủ sáu tuổi hoặc người mất
NLHV dân sự thì không có NLHVTTDS. Việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp cho những người này tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ
thực hiện.
- Đương sự là người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười
lăm tuổi thì việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho những người này
tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
- Đương sự là người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ
mười tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc dân sự
bằng tài sản riêng của mình được tự mình tham gia tố tụng về những việc
có liên quan đến quan hệ lao động hoặc quan hệ dân sự đó. Trong trường
hợp này, Toà án có quyền triệu tập người đại diện hợp pháp của họ tham
gia tố tụng. Đối với những việc khác, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp
pháp của họ tại Toà án do người đại diện hợp pháp của họ thực hiện.
- Đương sự là cơ quan, tổ chức do người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng.
Điều 73 BTTDS quy định: người đại diện theo pháp
luật và người đại diện theo uỷ quyền được quy định trong BLDS là người
đại diện theo pháp luật trong tố tụng dân sự, trừ trường hợp bị hạn chế
quyền đại diện theo quy định của pháp luật.
Vấn đề đặt ra là giám hộ và đại diện có gì giống nhau và khác nhau? Và, chế định giám hộ có được áp dụng trong tố tụng dân sự?
Điều 141 BLDS 2005 quy định: người đại diện theo pháp luật bao gồm:
-
Cha mẹ đối với con chưa thành niên
-
Người giám hộ với người được giám hộ
-
Người được Toà án chỉ định đối với người bị hạn chế NLHV dân sự
-
Người đứng đầu pháp nhân theo quy định của điều lệ hoặc quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền
-
Chủ hộ gia đình đối với hộ gia đình
-
Tổ trưởng tổ hợp tác đối với tổ hợp tác
-
Những người khác theo quy định của pháp luật.
Với quy định trên thì “giám hộ” là một trong bảy
loại đại diện theo pháp luật. Ngoài ra đại diện còn có loại đại diện
theo uỷ quyền. Vì vậy nói đến đại diện là bao gồm cả đại diện theo pháp
luật (trong đó có loại đại diện là người giám hộ) và đại diện theo uỷ
quyền. Còn nói đến người giám hộ là chỉ cụ thể một loại đại diện theo
pháp luật. Do đó trong tố tụng dân sự khi nói đến người đại diện phải
chỉ rõ đại diện theo pháp luật hay đại diện theo uỷ quyền. Nếu là đại
diện theo pháp luật đối với người chưa thành niên phải nói rõ người đó
là cha, mẹ hay người giám hộ của người chưa thành niên.
3.1 Đại diện theo pháp luật đối với cá nhân
Những người không có NLHVTTDS (bao gồm người chưa đủ
sáu tuổi, người mất NLHV dân sự), người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười
lăm tuổi tham gia tố tụng dân sự phải thông qua hành vi của người đại
diện theo pháp luật. Đại diện theo pháp luật có toàn quyền khởi kiện để
bảo vệ lợi ích cho người được đại diện. Trường hợp người đại diện theo
pháp luật vì lợi ích của người được đại diện để khởi kiện, thì trong
bản án phải xác định người được đại diện là nguyên đơn chứ không phải
người đại diện là nguyên đơn. Trên thực tế không ít bản án đã xác định
nguyên đơn là người đại diện.
Ví dụ 1: vụ án tranh chấp về bảo hiểm xã hội có nội dung như sau:
Bà Nguyễn Thị S và ông Nguyễn Văn C có một con chung là cháu Nguyễn Thị D sinh năm 1988. Năm 1990 ông C và bà S ly hôn.
Tháng 3/1995 ông C chết. Bảo hiểm tỉnh B đã giải
quyết tiền mai táng phí cho anh Nguyễn Thế A (con riêng ông C và là
người trực tiếp lao mai táng cho ông C) với số tiền bằng 8 tháng lương
của ông C là 960.000đ và lập sổ trợ cấp tuất hàng tháng cho cháu Nguyễn
Thị D nhưng do anh A đứng tên trong sổ và lãnh tiền.
Bà S khởi kiện Bảo hiểm xã hội tỉnh B, yêu cầu được nhận số tiến tuất hàng tháng của ông C mà cháu D được hưởng.
Với vụ án trên, người được hưởng quyền lợi là cháu D
con bà S và ông C. Bà S là người đại diện cho D kiện Bảo hiểm xã hội
tỉnh B để đòi quyền lợi, do đó trong bản án phải xác định cháu D là
nguyên đơn do bà S – mẹ của cháu D là người đại diện. Song bản án sơ
thẩm số 01/2004/LĐ-ST ngày 09/12/2004 của Toà án nhân dân tỉnh YB lại
xác định: nguyên đơn là bà S, bị đơn là Bảo hiểm xã hội tỉnh B.
Do xác định sai tư cách đương sự (nguyên đơn) nên
bản án đã quyết định: buộc Bảo hiểm xã hội tỉnh B trả cho bà S số tiền
tuất hàng tháng mà cháu D được hưởng.
Quyết định như trên là không chính xác, vì quyết
định như trên bà S sẽ là người được sở hữu số tiền mà cháu D được
hưởng. Trường hợp này cần phải quyết định: buộc Bảo hiểm tỉnh B trả cho
cháu D tiền tuất hàng tháng của ông C mà cháu D được hưởng đến khi 18
tuổi. Vì theo Điều 32 Điều lệ bảo hiểm xã hội ban hành kèm theo Nghị
định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính Phủ thì “Con chưa đủ 15 tuổi
(bao gồm con đẻ, con nuôi hợp pháp, con ngoài giá thú được pháp luật
công nhận, con đẻ mà khi ngưồi chồng chết người vợ mang thai) nếu còn
đi học thì được hưởng tiền tuất hàng tháng đến khi 18 tuổi”.
Theo Điều 611 BLDS 1995, Điều 606 BLDS 2005 quy định
về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và theo Nghị quyết số
01/2004/NQ-HĐTP ngày 28/04/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn
một số quy định của Bộ luật dân sự 1995 về bồi thường thiệt hại có thể
rút ra: người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi, người mất NLHV dân sự
thì người đại diện theo pháp luật (cha mẹ người chưa thành niên, cá
nhân, tổ chức giám hộ người mất NLHV dân sự) là bị đơn trong vụ án. Vì
người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi, người mất NLHV dân sự, là
những người chưa có hoặc không có khả năng nhận thức về hành vi gây
thiệt hại của họ do đó họ không có lỗi trong việc gây thiệt hại, nên
cha mẹ hoặc người giám hộ phải chịu trách nhiệm về hành vi gây thiệt
hại của những người này.
Đối với người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười
tám tuổi đã tham gia lao động theo hợp đồng lao động hoặc giao dịch dân
sự bằng tài sản của mình thì theo khoản 6 Điều 57 BLTTDS họ được tự
mình tham gia tố tụng trong những việc có liên quan đến quan hệ lao
động hoặc quan hệ dân sự đó. Vì vậy, nếu những người này khởi kiện
trong các quan hệ trên thì họ có quyền độc lập tham gia tố tụng với tư
cách là nguyên đơn. Ví dụ: A 16 tuổi ký hợp đồng lao động với doanh
nghiệp X, bị doanh nghiệp X sa thải, nếu A cho rằng kỷ luật sa thải là
trái pháp luật thì A hoàn toàn tự mình đứng ra khởi kiện với tư cách
nguyên đơn, không cần phải thông qua hành vi của người đại diện. Tuy
nhiên để bảo vệ lợi ích của những người này Toà án có quyền triệu tập
người đại diện theo pháp luật tham gia tố tụng.
Trường hợp những người này gây thiệt hại cho người
khác thì theo khoản 2 Điều 611 BLDS 1995 cũng như khoản 2 Điều 606 BLDS
2005 thì họ phải bồi thường phần còn thiếu.
Từ quy định trên của Luật, Nghị quyết số
01/2004/NQ-HĐTP nêu trên quy định trong trường hợp này người gây thiệt
hại là bị đơn, cha mẹ của người gây thiệt hại là người có quyền lợi
nghĩa vụ liên quan.
Theo điểm a khoản 1 Điều 156 BLDS 1995, Điều 147
BLDS 2005 thì đại diện theo pháp luật của cá nhân chấm dứt khi “người
được đại diện đã thành niên hoặc NLHV dân sự đã được khôi phục”.
Từ quy định trên của BLDS, luật HNGĐ quy định “cha
mẹ có nghĩa vụ và quyền cùng nhau chăm sóc, nuôi dưỡng con chưa thành
niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất NLHV dân sự, không có khả
năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình” (khoản 1 Điều 36
Luật HNGĐ năm 2000). Và, “khi ly hôn, cha hoặc mẹ không trực tiếp nuôi
con chưa thành niên hoặc con đã thành niên bị tàn tật, mất NLHV dân sự,
không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình có nghĩa
vụ cấp dưỡng nuôi con” (Điều 56 Luật HNGĐ).
Với những quy định trên của pháp luật thì nghĩa vụ
cấp dưỡng của cha hoặc mẹ chỉ đặt ra khi con chưa thành niên hoặc đã
thành niên nhưng bị mất NLHV dân sự…”. Con đã thành niên và không bị
mất NLHV dân sự thì chấm dứt đại diện, do đó cũng chấm dứt nghĩa vụ cấp
dưỡng của cha, mẹ. Do đó trong các vụ án giải quyết về cấp dưỡng nuôi
con chưa thành niên, cần phải ghi rõ thời gian cấp dưỡng từ ngày,
tháng, năm đến ngày, tháng, năm hoặc đến ngày người con được cấp dưỡng
đủ 18 tuổi. Thực tế đã có những bản án ghi: buộc bên không nuôi con
phải cấp dưỡng “cho đến hết thời gian theo học đại học” hay “cho đến
khi con trưởng thành tự lập kinh tế”. Cách ghi như trên của bản án dẫn
đến tình trạng con đã đủ 18 tuổi nhưng đang đi học hoặc không tự lập
được kinh tế vẫn buộc cha hoặc mẹ là người đại diện và có nghĩa vụ cấp
dưỡng là không đúng với các quy định của BLDS về đại diện theo pháp
luật (khoản 1 Điều 150 BLDS 1995 và Điều 141 BLDS 2005) và không đúng
với các quy định của Luật HNGĐ về nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi
dưỡng con cái (khoản 1 Điều 36 LHNGĐ) và nghĩa vụ cấp dưỡng của cha, mẹ
đối với con khi ly hôn (Điều 56 LHNGĐ)
Thực tế đã có đương sự 23 tuổi, người bình thường
đang học đại học khởi kiện buộc bố phải cấp dưỡng. Song các bản án sơ
thẩm và phúc thẩm đuề quyết định buộc người bố phải cấp dưỡng cho đến
khi người con đã học xong đại học.Quyết định như trên là không đúng.
1.2 Đại diện theo pháp luật đối với tổ chức.
Chỉ những tổ chức có NLHVPL tố tụng và NLHV tố tụng
mới được tham gia tố tụng. Nhưng tổ chức là một thực thể pháp lý nên
việc tham gia tố tụng của tổ chức phải thông qua hành vi của người đại
diện. Vì vậy trong mọi trường hợp dù người đại diện theo pháp luật của
tổ chức đó khởi kiện hay bị khởi kiện thì bản án cũng phải xác định tổ
chức đó là nguyên đơn hay bị đơn chứ không thể xác định người đại diện
theo pháp luật của tổ chức đó là nguyên đơn hay bị đơn.
Thực tế, nhiều bản án đã xác d dịnh không đúng tư cách đương sự của các tổ chức khi các tổ chức này tham gia tố tụng.
Ví dụ 1: Vụ án tranh chấp về kỷ luật sa thải, có nội dung như sau:
Bà Đinh Thị T là trạm trưởng trạm chế biến sản xuất
dịch vụ lâm sản thuộc công ty Lâm sản BT, đã có hành vi như tạm ứng
tiền cá nhân chưa hoàn trả là 77.000.000đ và làm mất khả năng thanh
toán là 300.000.000đ vì vậy bị giám đốc công ty Lâm sản BT ra quyết
định sa thải.
Bà T cho rằng quyết định sa thải của công ty đối với
bà T là trái pháp luật, nên khởi kiện yêu cầu Toà án huỷ quyết định sa
thải, nhận bà trở lại làm việc, bồi thường những ngày không được làm
việc.
Trong vụ án trên bà T là người lao động cảu công ty
Lâm sản BT. Công ty Lâm sản BT là người sử dụng lao động do ông Đinh
Khắc H giám đốc công ty là người đại diện theo pháp luật. Vì vậy, trong
vụ án này, bản án phải xác định bị đơn là công ty Lâm sản BT nhưng bản
án sơ thẩm số 01/LĐST ngày 13/12/2002 của TAND huyện ĐH lại xác định:
Nguyên đơn: bà Đinh Thị T
Bị đơn: ông Đinh Khắc H, giám đốc công ty Lâm sản BT
Việc xác định bị đơn như trên là không đúng. Do xác
định không đúng tư cách đương sự (bị đơn) nên dẫn đến quyết định cũng
không chính xác:
- Huỷ quyết định số 48 ngày 12/07/2002 về việc kỷ luật sa thải đối với bà Đinh Thị T của giám đốc công ty Lâm sản BT
- Buộc công ty Lâm sản BT nhận bà Đinh Thị T trở lại
công ty Lâm sản BT, bố trí công tác và khôi phục mọi quyền lợi vật chất
cho bà T từ tháng 08/1999 đến nay
Đúng ra trong quyết định của bản án phải viết: Huỷ quyết định sa thải số 48 ngày 12/07/2002 của Công ty Lâm sản BT đối
với bà T. Vì công ty là người sử dụng lao động mới có quyền ra quyết
định sa thải. Còn giám đốc chỉ là người đại diện thực hiện quyền của
công ty. Công ty Lâm sản mới là chủ thể (bị đơn) của vụ án, giám đốc
chỉ là người đại diện tố tụng theo pháp luật.
Quyết định như bản án sơ thẩm trên sẽ dẫn đến trường
hợp giám đốc công ty chuyển công tác khác, thì ai thực hiện quyết định
đó. Hơn nữa, do xác định không chính xác tư cách đương sự (bị đơn) nên
trong quyết định của bản án không có sự thống nhất tuyên huỷ quyết định
của gáim đốc công ty, nhưng lại buộc công ty nhận người lao động, mà
không buộc giám đốc nhận người lao động trở lại làm việc.
Ví dụ 2: Vụ án về đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động có nội dung như sau:
Bà Lê Thị Huỳnh M làm việc tại công ty dược phẩm y
tế Cửu Long nay là công ty cổ phần Cửu Long từ tháng 10 năm 1979. Năm
1999 bà M xin nghỉ việc 3 tháng để điều trị bệnh. Hết 3 tháng bà M nghỉ
luôn đến năm 2002. Bà M xin trở lại làm việc, nếu không bà xin nghỉ
theo chính sách dôi dư.
Ngày 01/04/2003 Tổng giám đốc công ty cổ phần Cửu
Long ra quyết định số 10/QĐNV cho bà m nghỉ việc theo đơn và được hưởng
trợ cấp nghỉ việc 11,5 tháng lương cơ bản của công ty.
BÀ M khởi kiện cho rằng bà đã bị công ty đơn phương
chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, vì bà M không có đơn xin
nghỉ việc. Bà M yêu cầu được trở lại làm việc.
Với vụ án trên, bản án sơ thẩm số 01/2005/LĐST ngày
22/07/2005 của TAND thị xã VL và bản án phúc thẩm số 01/2005/LĐPT ngày
29/09/2005 của TAND tỉnh VL đều xác định:
Nguyên đơn: bà Lê Thị Huỳnh M
Bị đơn: ông Nguyễn Văn H – Tổng giám đốc công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long
Người đại diện hợp pháp của bị đơn: ông Đỗ Thanh P – chuyên viên, theo văn bản uỷ quyền ngày 26/09/2003.
Việc xác định tư cách đương sự (bị đơn) trong vụ án
trên là không đúng. Dù Tổng giám đốc công ty ra quyết định cho bà M
nghỉ việc, xong việc tranh chấp lao động ở đây là tranh chấp giữa người
lao động (bà M) với người sử dụng lao động (công ty), Tổng giám đốc chỉ
là người đại diện theo pháp luật. Vì vậy phải xác định bị đơn là Công
ty cổ phẩn dược phẩm Cửu Long do ông Nguyễn Văn H – Tổng giám đốc công
ty đại diện. Do xác định không đúng tư cách bị đơn, nên quyết định của
bản án sơ thẩm và phúc thẩm cũng không chính xác. Cụ thể án sơ thẩm,
phúc thẩm đã quyết định:
- Buộc Tổng giám đốc công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long nhận bà M trở lại làm việc
- Buộc Tổng giám đốc công ty cổ phần dược phẩm Cửu Long bồi thường cho bà M 12.632.400đ.
- …
Với quyết định như trên Toà án đã chuyển trách nhiệm của Công ty đối với bà M cho cá nhân Tổng giám đốc là không đúng.
3.3 Đại diện theo uỷ quyền.
Theo khoản 3 Điều 73 BLTTDS: “người đại diện theo uỷ
quyền trong BLDS là người đại diện theo uỷ quyền trong tố tụng dân sự.
Đối với việc ly hôn đương sự không được uỷ quyền cho người khác thay
mình tham gia tố tụng”.
Điều 142 BLDS 2005 quy định:
Đại diện theo uỷ quyền là đại diện được xác lập theo sự uỷ quyền giữa người được đại diện và người đại diện.
Từ khái niệm trên chúng ta thấy khác với đại diện
theo pháp luật, người đại diện theo pháp luật có quyền thực hiện mọi
giao dịch dân sự và thực hiện mọi hành vi tố tụng (kể cả khởi kiện) vì
lợi ích của người được đại diện, trừ trường hợp pháp luật có quy định
khác. Còn người đại diện theo uỷ quyền chỉ
có quyền giao dịch và thực hiện các hành vi tố tụng trong phạm vi được
uỷ quyền. Việc khởi kiện phải do người uỷ quyền quyết định, người đại
diện theo uỷ quyền chỉ đại diện cho người uỷ quyền tham gia tố tụng khi
đã có đơn khởi kiện của người uỷ quyền. Vì vậy, nếu cá nhân khởi kiện
phải ký tên trong đơn khởi kiện. Nếu tổ chức khởi kiện, người đại diện
theo pháp luật của tổ chức phải ký tên đóng dấu. Người đại diện theo uỷ
quyền có thể thay người uỷ quyền viết đơn khởi kiện nhưng không được
thay người uỷ quyền ký đơn khởi kiện.
Người đại diện theo uỷ quyền cho cá nhân hay cho tổ chức không bao giờ là nguyên đơn, bị đơn trong vụ án.
Văn phòng, chi nhánh của pháp nhân tham gia các giao
dịch dân sự, kinh tế, lao động một cách độc lập theo điều lệ hoặc được
uỷ quyền trực tiếp, nhưng nếu xảy ra tranh chấp thì văn phòng, chi
nhánh của pháp nhân không phải là đương sự, mà pháp nhân mới là đương
sự và người đại diện hợp pháp của pháp nhân mới là người đại diện theo
pháp luật, còn người đứng đầu văn phòng, chi nhánh của pháp nhân, nếu
tham gia tố tụng chỉ là người đại diện theo uỷ quyền.
Thực tế không ít bản án, trên cơ sở đơn khởi kiện
của đương sự để xác định tư cách đương sự và tư cách người đại diện mà
không làm rõ tổ chức bị kiện đó có tư cách đương sự hay không, từ đó để
xác định tư cách người đại diện theo pháp luật hay người đại diện theo
uỷ quyền.
Ví dụ: Công ty kim khí vật tư tổng hợp miền trung
(gọi tắt là bên B) do ông Huỳnh Trung Q chức vụ giám đốc làm đại diện
đã ký hợp đồng kinh tế số 31/HĐ mua bán thép với Công ty xây lắp vật tư
thiết bị sông Đà 16 Quy Nhơn thuộc Tổng công ty xây dựng sông Đà (gọi
tắt là bên A) do ông Đặng Văn H chức vụ giám đốc làm đại diện.
Trong quá trình thực hiện hợp đồng, 2 bên phát sinh tranh chấp, bên B kiện bên A ra toà.
Bản án sơ thẩm và phúc thẩm đều xác định:
Nguyên đơn: Công ty kim khí vật tư tổng hợp miền trung do ông Huỳnh Trung Q – giám đốc đại diện
Bị đơn: Công ty thiết bị sông Đà 16 do ông Đặng Văn H – giám đốc đại diện
Trong vụ án trên, mặc dù Công ty kim khí vật tư tổng
hợp miền trung khởi kiện Công ty thiết bị sông Đà 16 là người trực tiếp
giao kết hợp đồng kinh tế, nhưng công ty này là đơn vị trực thuộc của
Tổng công ty xây dựng sông Đà vì vậy, phải xác định Tổng công ty xây
dựng sông Đà là bị đơn mới đúng. Giám đốc Công ty thiết bị sông Đà 16
tham gia tố tụng chỉ với tư cách là người đại diện theo uỷ quyền, đòi
hỏi phải có giấy uỷ quyền của Tổng giám đốc Tổng công ty xây dựng sông
Đà.
Mình cho bạn coi tài liệu này bạn tự so sánh, chắc sẽ hiểu ngay thôi
Cập nhật bởi giaminh_law vào lúc 02/04/2010 15:44:13