Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 01/9/2022 về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi cản trở hoạt động tố tụng. Trong đó, Điều 13 Pháp lệnh quy định về chế tài xử lý đối với các hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ.
Theo đó, tại nội dung của Điều 13 Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 luật sư có hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ có thể bị phạt lên tới 40 triệu đồng.
(1) Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 1 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
- Người tham gia tố tụng khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật, trừ người bị buộc tội;
- Người tham gia tố tụng từ chối khai báo hoặc từ chối thực hiện nghĩa vụ cung cấp tài liệu, đồ vật, trừ người bị buộc tội.
(2) Phạt tiền từ 1-7 triệu đồng đối với người tham gia tố tụng làm giả hoặc hủy hoại chứng cứ gây trở ngại cho việc giải quyết vụ án, vụ việc.
(3) Phạt tiền từ 7-15 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
- Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người bị hại tham gia tố tụng hoặc buộc người bị hại khai báo gian dối, trừ trường hợp tại mục (5);
- Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người làm chứng ra làm chứng hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối, trừ trường hợp tại mục (5);
- Người giám định, người định giá tài sản từ chối kết luận giám định, định giá tài sản mà không vì lý do bất khả kháng hoặc không do trở ngại khách quan.
(4) Phạt tiền từ 15- 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi:
- Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nhằm ngăn cản người phiên dịch, người dịch thuật thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người phiên dịch, người dịch thuật dịch gian dối;
- Người tham gia tố tụng lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực nham ngăn cản người giám định, người định giá tài sản thực hiện nhiệm vụ hoặc buộc người giám định, người định giá tài sản kết luận sai với sự thật khách quan;
- Người giám định, người định giá tài sản kết luận gian dối.
(5) Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với luật sư lừa dối, đe dọa, mua chuộc hoặc sử dụng vũ lực buộc người bị hại khai báo gian dối hoặc buộc người khác ra làm chứng gian dối.
Bên cạnh việc bị phạt tiền, người có hành vi vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính.
Ngoài hành vi cản trở hoạt động xác minh, thu thập chứng cứ, Pháp lệnh 02 còn quy định về chế tài xử phạt với hành vi tiết lộ bí mật điều tra đối người vi phạm là luật sư.
Phạt tiền từ 8-15 triệu đồng đối với luật sư tiết lộ bí mật điều tra mặc dù đã được Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên hoặc Kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật;
Phạt tiền từ 15-30 triệu đồng đối với luật sư tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra.
Bên cạnh đó, Pháp lệnh còn quy định biện pháp khắc phục hậu quả như:
- Buộc thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu, vật có chứa bí mật điều tra;
- Buộc gỡ bỏ thông tin, tài liệu, dữ liệu có chứa bí mật điều tra;
- Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra.
Cũng theo Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15, mức phạt tiền tối đa đối với mỗi hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cá nhân là 40 triệu đồng, của tổ chức là 80 triệu đồng.