a. Phân tích tình huống:
- Ca sỹ X ký hợp đồng với công ty Bến Thành Audio Video theo đó công ty có quyền sản xuất băng đĩa chọn lọc giọng hát của ca sỹ X và ca sỹ X được nhận thù lao theo thỏa thuận. Như vậy việc ký hợp đồng giữa ca sỹ X và công ty Bến Thành là căn cứ phát sinh dẫn đến việc công ty Bến Thành trở thành nhà sản xuất và được hưởng các quyền liên quan của nhà sản xuất đối với tác phẩm do ca sỹ X biểu diễn.
- Công ty Bến Thành sau đó cho công ty F là chủ sở hữu của website âm nhạc tên là nhacso.net được sử dụng bản ghi âm của họ, đồng thời ký hợp đồng cho phép một số nhà mạng viễn thông được sử dụng bản ghi âm để làm nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại. Việc cho phép công ty F và các công ty truyền thông sử dụng bản ghi âm với mục đích thương mại và thu lợi nhuận là hành động phân phối các tác phẩm đến công chúng bằng những hình thức khác nhau, cụ thể ở đây là hình thức bán và thu lợi ích vật chất từ đó. Ở đây cần làm rõ rằng công ty Bến Thành cho các công ty này sử dụng bản ghi âm đĩa nhạc chọn lọc của ca sỹ X do công ty Bến Thánh sản xuất chứ không phải bản ghi âm từng bài hát đơn lẻ của ca sỹ X.
- Ca sỹ X yêu cầu công ty F và các công ty truyền thông phải trả thủ lao cho việc sử dụng bản ghi âm có giọng hát của ca sỹ vào hoạt động thương mại. Yêu cầu này dựa trên lý lẽ cho rằng cô X là ca sỹ hát những bản ghi âm này, khi sử dụng các bản ghi âm có giọng hát của cô vào mục đích thương mại cần phải trả một khoản phí hợp lý là quyền của cô đối với bản ghi ấm.
b. Quan điểm và hướng giải quyết:
Vụ việc liên quan đến vấn đề quyền của tác giả và quyền liên quan (cụ thể ở đây là quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình)
- Thứ nhất, giả sử rằng hợp đồng được ký giữa ca sỹ X và công ty Bến Thành là hợp pháp thì đây là căn cứ hợp pháp để phát sinh quyền liên quan của công ty Bến Thành với các bản ghi âm để sản xuất băng đĩa chọn lọc của ca sỹ X. Vì vậy công ty Bến Thành sẽ có những quyền lợi hợp pháp theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2013.
- Thứ hai, theo quy định tại Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2013 về quyền của nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình, nhà sản xuất có các quyền:
1. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình có độc quyền thực hiện hoặc cho phép người khác thực hiện các quyền sau:
a, Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp bản ghi âm, ghi hình của mình;
b, Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được.
2. Nhà sản xuất bản ghi âm, ghi hình được hưởng quyền lợi vật chất khi bản ghi âm, ghi hình của mình được phân phối đến công chúng.
Như vậy việc Công ty Bến Thành sau đó cho công ty F là chủ sở hữu của website âm nhạc tên là nhacso.net được sử dụng bản ghi âm của họ, đồng thời ký hợp đồng cho phép một số nhà mạng viễn thông được sử dụng bản ghi âm để làm nhạc chuông, nhạc chờ điện thoại là việc phân “Nhập khẩu, phân phối đến công chúng bản gốc và bản sao bản ghi âm, ghi hình của mình thông qua hình thức bán, cho thuê hoặc phân phối bằng bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào mà công chúng có thể tiếp cận được” theo Điểm a Khoản 1 Điều 30 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung năm 2013 và được thu lợi nhuận hợp pháp theo Khoản 2 của điều này. Việc sử dụng các băng đĩa của công ty Bến Thành sản xuất của các công ty trên không hề vi phạm quyền tác giả của ca sỹ X. Vì vậy họ chỉ cần trả khoản tiền đối với công ty Bến Thành mà không cần trả khoản phí dành cho cô ca sỹ X. Ngay từ khi ký hợp đồng với công ty Bến Thành, cô X nên xem xét đến những khoản lợi nhuận mà công ty Bến Thành có thể thu được từ việc sản xuất đĩa nhạc chọn lọc giọng hát của cô để thỏa thuân một khoản hợp lý thù lao nhận được trong hợp đồng.
Nguyễn Thị Thu Trang
SĐT: 0988076166 | email: nguyentttrang95@gmail.com