Theo quy định của Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 01/8/2024, các trường hợp nào người dân sẽ bị thu hồi sổ đỏ (Giấy chứng nhận QSDĐ)? Quy định này có gì khác biệt so với Luật Đất đai 2013 hiện hành? Bài viết sau đây sẽ giải đáp các vấn đề trên.
Các trường hợp người dân bị thu hồi sổ đỏ theo Luật Đất đai 2024
Theo Khoản 2 Điều 152 Luật Đất đai 2024, Nhà nước thu hồi giấy chứng nhận đã cấp trong những trường hợp sau đây:
Trường hợp 1:
Nhà nước thu hồi toàn bộ diện tích đất ghi trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp;
Quy định này tương tự so với quy định hiện hành, tuy nhiên đối tượng bị thu hồi được quy định chi tiết hơn, cụ thể:
- Giấy chứng nhận theo Luật Đất đai 2013 chỉ bao gồm Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất
- Giấy chứng nhận theo Luật Đất đai 2024 ngoài loại trên còn các loại như: Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp;
Trường hợp 2:
Cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đã cấp;
Quy định này cũng tương tự so với Luật Đất đai 2013, tuy nhiên phần đối tượng cũng được mở rộng hơn như đã phân tích.
Trường hợp 3:
Người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất đăng ký biến động đất đai, tài sản gắn liền với đất mà phải cấp mới Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất;
Quy định này vẫn giữ nguyên so với Luật Đất đai 2013.
Trường hợp 4:
Giấy chứng nhận đã cấp không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng sử dụng đất, không đúng diện tích đất, không đủ điều kiện được cấp, không đúng mục đích sử dụng đất hoặc thời hạn sử dụng đất hoặc nguồn gốc sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai tại thời điểm cấp giấy chứng nhận;
Quy định này so với quy định hiện hành có sự khác biệt, cụ thể:
- Theo Luật Đất đai 2013 quy định Nhà nước sẽ thu hồi khi Giấy chứng nhận đã cấp không đúng các tiêu chí trên, trừ trường hợp người được cấp Giấy chứng nhận đó đã thực hiện chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định của pháp luật đất đai, không nhắc tới thời điểm xác định.
- Theo Luật Đất đai 2024, Nhà nước sẽ thu hồi khi Giấy chứng nhận được cấp không đúng các tiêu chí trên, tuy nhiên thời điểm xác định các tiêu chí là thời điểm cấp giấy chứng nhận.
Có thể thấy, việc xác định thời điểm theo Luật Đất đai 2024 sẽ bao quát hơn, bao gồm luôn cả trường hợp loại trừ của Luật Đất đai 2013.
Trường hợp 5:
Giấy chứng nhận đã cấp bị Tòa án có thẩm quyền tuyên hủy;
Trường hợp 6:
Trường hợp đấu giá, giao quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với đất theo yêu cầu của Tòa án, cơ quan thi hành án mà người phải thi hành án không nộp giấy chứng nhận đã cấp.
Hai trường hợp 5 và 6 này hoàn toàn mới so với Luật Đất đai 2013.
Như vậy, có thể thấy các trường hợp thu hồi sổ đỏ (giấy chứng nhận QSDĐ) tại Luật Đất đai 2024 so với quy định Luật đất đai 2013 hiện hành có sự thay đổi, bao quát hầu hết các trường hợp thu hồi theo quy định hiện hành và nhằm hoàn thiện, rõ ràng hóa các quy định pháp lý liên quan đến việc thu hồi sổ đỏ.
Khi nào phải đính chính sổ đỏ theo Luật Đất đai 2024?
Theo Khoản 1 Điều 152 Luật Đất đai 2024, Cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất quy định tại Điều 136 Luật Đất đai 2024 có trách nhiệm đính chính giấy chứng nhận đã cấp có sai sót trong các trường hợp sau đây:
- Có sai sót thông tin của người được cấp giấy chứng nhận so với thông tin tại thời điểm đính chính;
- Có sai sót thông tin về thửa đất, tài sản gắn liền với đất so với hồ sơ kê khai đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất đã được tổ chức đăng ký đất đai kiểm tra xác nhận hoặc được thể hiện trong văn bản có hiệu lực của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết tranh chấp đất đai.
Như vậy, sổ đỏ (giấy chứng nhận QSDĐ) sẽ được cơ quan Nhà nước đính chính trong các trường hợp trên.
Ai có thẩm quyền cấp sổ đỏ?
Theo Điều 136 Luật Đất đai 2024 thẩm quyền cấp sổ đỏ (Giấy chứng nhận QSDĐ) như sau:
Đăng ký lần đầu
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất lần đầu đối với các trường hợp đăng ký lần đầu mà có nhu cầu cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất và trường hợp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo phương án góp quyền sử dụng đất, điều chỉnh lại đất đai được phê duyệt được quy định như sau:
- Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất bao gồm: Tổ chức trong nước; Tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc; Tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao; Người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài; Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài.
Ủy ban nhân dân cấp tỉnh được ủy quyền cho cơ quan có chức năng quản lý đất đai cùng cấp cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất đối với trường hợp này;
- Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất bao gồm: Cá nhân trong nước, người Việt Nam định cư ở nước ngoài là công dân Việt Nam; Cộng đồng dân cư.
Đăng ký biến động
Thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, xác nhận thay đổi đối với trường hợp đăng ký biến động được quy định như sau:
- Tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức trong nước, tổ chức tôn giáo, tổ chức tôn giáo trực thuộc, tổ chức nước ngoài có chức năng ngoại giao, tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài; cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất cho chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài;
- Chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai hoặc tổ chức đăng ký đất đai thực hiện cho người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất là cá nhân, cộng đồng dân cư, người gốc Việt Nam định cư ở nước ngoài;
- Tổ chức đăng ký đất đai, chi nhánh của tổ chức đăng ký đất đai được sử dụng con dấu của mình để thực hiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc xác nhận thay đổi vào giấy chứng nhận đã cấp.
Như vậy, thẩm quyền cấp sổ đỏ sẽ được chia thành hai trường hợp, đối với đăng ký lần đầu và đối với đăng ký biến động đất đai.
Xem thêm các quy định mới tại: Luật Đất đai 2024 có hiệu lực từ 01/8/2024