Chào bạn.
Căn cứ vào thông tin mà câu hỏi của bạn cung cấp, tôi xin góp ý như sau:
Có hai vấn đề cần làm rõ trong câu hỏi của bạn:
- Những tác phẩm như thế nào sẽ được bảo hộ quyền tác giả? Việc trích dẫn ra sao cho hợp lý và không vi phạm bản quyền?
- Thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Thứ nhất, căn cứ khoản 7, khoản 8 Điều 4 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi, bổ sung năm 2009:
“7. Tác phẩm là sản phẩm sáng tạo trong lĩnh vực văn học, nghệ thuật và khoa học thể hiện bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào.
8. Tác phẩm phái sinh là tác phẩm dịch từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác, tác phẩm phóng tác, cải biên, chuyển thể, biên soạn, chú giải, tuyển chọn”
Điều 25 của luật này quy định
“1. Các trường hợp sử dụng tác phẩm đã công bố không phải xin phép, không phải trả tiền nhuận bút, thù lao bao gồm:
a) Tự sao chép một bản nhằm mục đích nghiên cứu khoa học, giảng dạy của cá nhân;
b) Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh họa trong tác phẩm của mình;
c) Trích dẫn tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để viết báo, dùng trong ấn phẩm định kỳ, trong chương trình phát thanh, truyền hình, phim tài liệu;
d) Trích dẫn tác phẩm để giảng dạy trong nhà trường mà không làm sai ý tác giả, không nhằm mục đích thương mại;…”
Theo như thông tin bạn cung cấp thì trường hợp của bạn có thể thuộc điểm b của Điều này. Nhưng như thế nào được coi là “trích dẫn hợp lý”?
Điều 24 Nghị định số 100 ngày 21 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số quy định của Bộ luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả và quyền liên quan, trong đó, trích dẫn hợp lý phải là:
1. Trích dẫn hợp lý tác phẩm mà không làm sai ý tác giả để bình luận hoặc minh hoạ trong tác phẩm của mình quy định tại điểm b khoản 1 Điều 25 của Luật Sở hữu trí tuệ phải phù hợp với các điều kiện sau:
a. Phần trích dẫn chỉ nhằm mục đích giới thiệu, bình luận hoặc làm sáng tỏ vấn đề được đề cập trong tác phẩm của mình;
b. Số lượng và thực chất của phần trích dẫn từ tác phẩm được sử dụng để trích dẫn không gây phương hại tới quyền tác giả đối với tác phẩm được sử dụng để trích dẫn; phù hợp với tính chất, đặc điểm của loại hình tác phẩm được sử dụng để trích dẫn.
Như vậy, việc trích dẫn ngoài việc không làm sai ý của tác giả, không gây phương hại đến quyền tác giả và phù hợp với đặc điểm của tác phẩm được sử dụng để trích dẫn thì việc trích dẫn đó phải không nhằm mục đích thương mại.
Thứ hai, về thời hạn bảo hộ quyền tác giả
Điều 27. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả
1. Quyền nhân thân quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 19 của Luật này được bảo hộ vô thời hạn.
2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:
a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, sân khấu, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên. Trong thời hạn năm mươi năm, kể từ khi tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu được định hình, nếu tác phẩm chưa được công bố thì thời hạn được tính từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả được xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;
b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trong trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;
c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả.
Trường hợp những tác phẩm là thơ, sách…thì thuộc điểm b của Điều này, trừ các quyền nhân thân được bảo hộ suốt đời quy định tại khoản 1, 2 và 4 của Điều 19 bao gồm: đặt tên cho tác phẩm; đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng; bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.
Như vậy, nếu tác phẩm còn thời hạn bảo hộ thì tùy trường hợp và mục đích bạn cần xin phép tác giả và trả thù lao hoặc không trong Điều 25. Nếu tác phẩm đã hết thời hạn bảo hộ thì bạn được phép sử dụng tuy nhiên không được thay đổi tên, bút danh và sự toàn vẹn của tác phẩm đó.
Hiện tại, do các thông tin bạn cung cấp còn hạn chế, nên tôi chỉ có thể trả lời sơ bộ cho bạn như vậy.Để có thể có được câu trả lời chính xác hơn, bạn nên liên hệ trực tiếp với luật sư để cung cấp thêm những thông tin cụ thể, cũng như trao đổi để tìm ra phương án giải quyết tốt nhất.
Trân trọng,
Chuyên viên tư vấn Ngô Thị Phúc
BỘ PHẬN TƯ VẤN PHÁP LUẬT SỞ HỮU TRÍ TUỆ | CÔNG TY LUẬT VIỆT KIM
M: (+84-4) 32.123.124; (+84-4) 32.899.888 - E: cle.vietkimlaw@gmail.com; luatvietkim@gmail.com - W: www.vietkimlaw.com
Ad: Trụ sở chính - Tầng 5, Tòa nhà SHB, 34 Giang Văn Minh, Ba Đình, HN | VPGD - Tầng 5, Nhà C, 236 Hoàng Quốc Việt, Cầu Giấy, HN.