Có vẻ như môi trường mạng không còn an toàn như trước đây nhiều người vẫn nghĩ, bởi trong thực tế diễn ra vừa qua thì có rất rất nhiều mối nguy hại xảy ra từ hệ thống mạng, từ câu chuyện trang mạng của hàng không bị hack tại sân bay Tân Sơn Nhất, cho đến câu chuyện lừa đảo nhau qua facebook…
Do vậy, việc thiết lập hàng lang pháp lý dành cho tất cả các chủ thể tham gia hoạt động trong môi trường mạng là điều cần thiết, từ đó, Dự thảo Luật an ninh mạng ra đời.
Tại Dự thảo Luật an ninh mạng, nghiêm cấm các hành vi sau đây:
- Sử dụng không gian mạng xâm phạm chủ quyền, lợi ích, an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
- Đăng tải chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.
- Xâm nhập, chiếm đoạt trái phép thông tin, tài liệu.
- Tấn công mạng.
- Khủng bố mạng.
Tùy theo mức độ vi phạm mà cá nhân, tổ chức có thể bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, trong trường hợp gây thiệt hại thì phải bồi thường.
Đáng chú ý, Dự thảo Luật an ninh mạng còn hướng dẫn xử lý các thông tin kích động tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự trên không gian mạng hoặc chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng, cụ thể:
- Đối với thông tin kích động tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự trên không gian mạng:
+ Yêu cầu chủ thể đăng tải thông tin gỡ bỏ bài viết;
+ Ngăn chặn, xóa bỏ thông tin;
+ Tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc rút giấp phép hoạt động của trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử đăng tải thông tin;
+ Điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Lưu ý: Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng xử lý thông tin kích động tụ tập đông người gây rối an ninh, trật tự trên không gian mạng.
- Đối với thông tin chống nhà nước CHXHCN VN, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng:
Chi tiết bao gồm các thông tin sau:
+ Xuyên tạc sự thật lịch sử, phủ nhận thành tựu cách mạng, phá hoại khối đại đoàn kết dân tộc;
+ Xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân;
+ Bịa đặt, gây hoang mang trong nhân dân;
+ Gây chiến tranh tâm lý, kích động chiến tranh xâm lược, gây thù hận giữa các dân tộc và nhân dân các nước;
+ Truyền bá tư tưởng phản động;
+ Xúc phạm dân tộc, danh nhân, anh hùng dân tộc;
+ Bịa đặt hoặc lan truyền, tán phát những điều biết rõ là sai sự thật nhằm xúc phạm nhân phẩm, danh dự hoặc làm nhục, vu khốngtổ chức, cá nhân;
+ Hướng dẫn, xúi giục thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật;
+ Thông tin xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.
Cách thức xử lý:
+ Yêu cầu chủ thể đăng tải thông tin gỡ bỏ bài viết;
+ Ngăn chặn, xóa bỏ thông tin;
+ Tạm đình chỉ, đình chỉ hoặc rút giấp phép hoạt động của trang thông tin điện tử, cổng thông tin điện tử đăng tải thông tin;
+ Điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ quan chủ quản hệ thống thông tin, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông, internet có trách nhiệm áp dụng biện pháp kỹ thuật để ngăn chặn hiển thị và xóa bỏ thông tin chống nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục trên không gian mạng.
Mời các bạn xem chi tiết Dự thảo Luật an ninh mạng kèm theo Tờ trình tại file đính kèm bên dưới.