Theo Khoản 19 Điều 3 Luật đa dạng sinh học 2008 thì loài ngoại lai xâm hại là loài ngoại lai lấn chiếm nơi sinh sống hoặc gây hại đối với các loài sinh vật bản địa, làm mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển
1. Tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại
Loài ngoại lai xâm hại bao gồm loài ngoại lai xâm hại đã biết và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại.
Căn cứ Khoản 2, 3 Điều 1 Thông tư 35/2018/TT-BTNMT thì tiêu chí xác định loài ngoại lai xâm hại như sau:
- Đối với loài ngoại lai xâm hại đã biết:
+ Đang lấn chiếm nơi sinh sống, cạnh tranh thức ăn hoặc gây hại đối với các sinh vật bản địa, phát tán mạnh hoặc gây mất cân bằng sinh thái tại nơi chúng xuất hiện và phát triển ở Việt Nam;
+ Được đánh giá là có nguy cơ xâm hại cao đối với đa dạng sinh học và được ghi nhận là xâm hại ở khu vực có khí hậu tương đồng với Việt Nam hoặc qua khảo nghiệm, thử nghiệm có biểu hiện xâm hại.
- Đối với loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại:
+ Có khả năng phát triển và lan rộng nhanh, có biểu hiện cạnh tranh thức ăn, môi trường sống và có khả năng gây hại đến các loài sinh vật bản địa của Việt Nam;
+ Được ghi nhận là xâm hại tại khu vực có khí hậu tương đồng với Việt Nam;
+ Được đánh giá là có nguy cơ xâm hại cao đối với đa dạng sinh học của Việt Nam.
Như vậy, tùy thuộc vào tình trạng của loài đã xâm nhập vào Việt Nam hay chưa, đã có biểu hiện xâm hại hay chưa mà từ đó có thể sắp xếp loài ngoại lai vào nhóm loài ngoại lai xâm hại đã biết hoặc có nguy cơ xâm hại.
Danh mục loài ngoại lai xâm hại và Danh mục loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại được quy định cụ thể tại Phụ lục I, Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư 35/2018/TT-BTNMT.
2. Kiểm soát việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại
Theo Điều 52 Luật đa dạng sinh học 2008 thì việc kiểm soát việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại thực hiện như sau:
- Việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học và được UBND cấp tỉnh cấp phép.
- Việc nuôi trồng, phát triển loài ngoại lai trong khu bảo tồn chỉ được tiến hành sau khi có kết quả khảo nghiệm loài ngoại lai đó không có nguy cơ xâm hại đối với đa dạng sinh học của khu bảo tồn và phải được UBND cấp tỉnh cấp phép.
Nhìn chung việc nuôi trồng loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại chỉ được thực hiện khi đã có kết quả khảo nghiệm về tính an toàn và đã được UBND cấp tỉnh cấp phép.
3. Kiểm soát sự lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại
Căn cứ Điều 53 Luật đa dạng sinh học 2008 thì việc kiểm soát sự lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại thực hiện như sau:
- Nhà nước đầu tư, khuyến khích tổ chức, cá nhân đầu tư thực hiện các chương trình cô lập và diệt trừ loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại.
- UBND cấp tỉnh tổ chức điều tra, xác định khu vực phân bố, lập kế hoạch cô lập và diệt trừ loài thuộc Danh mục loài ngoại lai xâm hại tại địa phương.
- Tổ chức, cá nhân phát hiện loài ngoại lai xâm hại phải thông báo ngay với UBND cấp xã nơi gần nhất.
- Sau khi nhận được thông báo, UBND cấp xã phải kịp thời báo cáo với cơ quan cấp trên trực tiếp hoặc cơ quan chuyên môn của UBND cấp tỉnh để có biện pháp kiểm soát.
Như vậy, để kiểm soát sự lây lan, phát triển của loài ngoại lai xâm hại thì cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Nhà nước với người dân.
UBND các cấp cần có biện pháp để phổ biến đến người dân biết được các loài nào trong Danh mục loài ngoại lai xâm hại và loài ngoại lai có nguy cơ xâm hại, khuyến khích người dân tự giác trình báo khi phát hiện loài nghi ngờ là loài ngoại lai để từ đó có biện pháp xử lý kịp thời tránh lây lan trên diện rộng.