Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có Thông bạch 204/TB-HĐTS ngày 15/7/2024 về việc tổ chức Đại lễ Vu lan Báo hiếu PL.2568 - DL.2024. Trong đó có đề nghị không đốt vàng mã trong dịp này.
Xem thêm: Vu lan báo hiếu năm 2024 là ngày nào?
Lễ Vu Lan báo hiếu 2024: GHPGVN có Thông bạch đề nghị không đốt vàng mã
Tại Thông bạch 204/TB-HĐTS ngày 15/7/2024, Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) đã đề nghị Ban, Viện T.W, Ban Trị sự GHPGVN các cấp và các chùa, cơ sở tự viện, Tăng Ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử thực hiện tốt các nội dung trong công tác tổ chức như sau:
- Thời gian tổ chức: Các ngày trong tháng Bảy âm lịch năm Giáp Thìn; chính lễ, ngày Rằm tháng Bảy năm Giáp Thìn (tức 18/8/2024).
- Địa điểm tổ chức: Tại các cơ sở tự viện của GHPGVN; tưởng niệm, tri ân, cầu siêu anh linh anh hùng liệt sỹ tại các nghĩa trang. Trong trường hợp tổ chức tại các địa điểm văn hóa, nơi sinh hoạt cộng đồng phải được sự chấp thuận của chính quyền các cấp.
- Nội dung chương trình:
Tích cực tham gia các hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa”; thăm và tặng quà tượng người có công với đất nước, bà mẹ Việt Nam anh hùng, các thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ trên địa bàn; tổ chức đại lễ cầu siêu, thắp nến tưởng niệm, tri ân các anh hùng liệt sĩ tại các nghĩa trang; tụng kinh Vu lan, kinh Báo hiếu Phụ mẫu, kinh Mục Liên Sám pháp, kinh A Di Đà... cầu siêu tiến anh linh anh hùng liệt sỹ, cửu huyền thất tổ; thuyết giảng ý nghĩa Vu lan - Báo hiếu; nghi thức Bông hồng cài áo tri ân công đức sinh thành của cha mẹ; nghi thức thắp nến tri ân và truyền hoa đăng tưởng niệm anh linh anh hùng liệt sỹ và cửu huyền thất tổ; chương trình nghệ thuật công cha nghĩa mẹ (nếu có).
- Tổ chức thực hiện:
Ban Trị sự GHPGVN tỉnh, thành phố có kế hoạch hướng dẫn, giúp đỡ các cơ sở tự viện trong công tác tổ chức Đại lễ Vu lan - Báo hiếu.
Ban Tổ chức lễ Vu lan - Báo hiếu đăng ký chương trình, nhân sự thuyết giảng với Ban Trị sự địa phương để nhận được sự giúp đỡ tổ chức.
Ban Hoằng pháp T.Ư chủ động hỗ trợ nhân sự giảng sư thuyết giảng và chủ đề Vu lan - Báo hiếu Phật lịch 2568.
Đồng thời, GHPGVN cũng có những lưu ý trong khâu tổ chức mua sắm lễ như sau:
Tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh và các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống; không đốt vàng mã. Nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người có hoàn cảnh khó khăn để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu Tổ tiên và cha mẹ; thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy.
Như vậy, theo Thông bạch của GHPGVN thì bên cạnh hướng dẫn tổ chức, GHPGVN đã đề nghị Ban, Viện T.W, Ban Trị sự GHPGVN các cấp và các chùa, cơ sở tự viện, Tăng Ni, tín đồ, cư sĩ Phật tử không đốt vàng mã, nên làm từ thiện cứu giúp người và thực hiện tốt công tác phòng cháy chữa cháy dịp Đại Lễ Vu Lan báo hiếu 2024.
Xem toàn văn Thông bạch 204/TB-HĐTS ngày 15/7/2024 của GHPGVN: https://cdn.thuvienphapluat.vn/uploads/danluatfile/2024/8/15/thong-bach-ghpgvn-le-vu-lan.docx
Cha mẹ có quyền gì đối với con cái?
Theo Điều 69 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về nghĩa vụ và quyền của cha mẹ như sau:
- Thương yêu con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập, giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ, đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội.
- Trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Giám hộ hoặc đại diện theo quy định của Bộ luật dân sự 2015 cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự.
- Không được phân biệt đối xử với con trên cơ sở giới hoặc theo tình trạng hôn nhân của cha mẹ; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động; không được xúi giục, ép buộc con làm việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.
Như vậy, cha mẹ sẽ có các quyền và đồng thời cũng là nghĩa vụ đối với con cái theo quy định trên.
Cha mẹ nuôi có quyền và nghĩa vụ như thế nào đối với con nuôi?
Theo Điều 78 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 quy định về quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi và con nuôi như sau:
- Cha nuôi, mẹ nuôi, con nuôi có quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ, con được quy định Luật Hôn nhân và gia đình 2014 kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi được xác lập theo quy định của Luật nuôi con nuôi 2010.
Trong trường hợp chấm dứt việc nuôi con nuôi theo quyết định của Tòa án thì quyền, nghĩa vụ của cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi chấm dứt kể từ ngày quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật.
- Quyền, nghĩa vụ của cha đẻ, mẹ đẻ và con đã làm con nuôi của người khác được thực hiện theo quy định của Luật nuôi con nuôi 2010.
- Quyền, nghĩa vụ giữa cha đẻ, mẹ đẻ và con đẻ được khôi phục kể từ thời điểm quan hệ nuôi con nuôi chấm dứt.
Trong trường hợp cha đẻ, mẹ đẻ không còn hoặc không có đủ điều kiện để nuôi con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình thì Tòa án giải quyết việc chấm dứt nuôi con nuôi và chỉ định người giám hộ cho con theo quy định của Bộ luật dân sự 2015.
Như vậy, cha mẹ nuôi cũng có quyền và nghĩa vụ như cha mẹ ruột đối với con, kể từ thời điểm xác lập mối quan hệ nuôi con nuôi.