Lấy tiền trong ví của người khác phạm tội cướp giật hay tội công nhiên chiếm đoạt tài sản?

Chủ đề   RSS   
  • #525344 09/08/2019

    shinichi45

    Female
    Mầm

    Bến Tre, Việt Nam
    Tham gia:05/11/2015
    Tổng số bài viết (62)
    Số điểm: 805
    Cảm ơn: 52
    Được cảm ơn 90 lần


    Lấy tiền trong ví của người khác phạm tội cướp giật hay tội công nhiên chiếm đoạt tài sản?

    Lấy tiền trong ví của người khác phạm tội cướp giật hay tội công nhiên chiếm đoạt tài sản?

    >>> Phân biệt tội Cướp tài sản, Cướp giật tài sản và Cưỡng đoạt tài sản

    Trong thời gian gần đây, dư luận đang băn khoăn về vụ việc một người chạy xích lô dùng lí do xin thêm tiền công rồi rút số tiền 2,4 triệu đồng từ ví của người khách Nhật, sau đó bỏ chạy đã phạm phải tội gì?

    Với hành vi công khai chiếm đoạt tài sản này của người đạp xích lô, hiện nay có hai quan điểm khác nhau về việc định tội danh với người này:

    - Một là, tội cướp giật tài sản;

    - Hai là, tội công nhiên chiếm đoạt tài sản.

    Bởi hai tội này có nhiều dấu hiệu định tội giống nhau nên dễ gây ra khó khăn khi xác định tội danh với hành vi này.

    Căn cứ vào Điều 171 và Điều 172 Bộ luật Hình sự 2015 thì tội cướp giật tài sản và tội công nhiên chiếm đoạt tài sản mặc dù có nhiều dấu hiệu giống nhau như:

    - Về khách thể: đều xâm phạm đến quyền sở hữu tài sản của người khác;

    - Về mặt khách quan: đều có hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách công khai, và gây ra thiệt hại

    - Người thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp với mục đích chiếm đoạt tài sản của người khác.

    Tuy nhiên, ta có thể phân biệt được hai tội này nhờ dấu hiệu sau:

    - Tội cướp giật tài sản: phải có sự nhanh chóng: người thực hiện hành vi lợi dụng sơ hở của người khác hoặc do mình tạo ra để thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản một cách nhanh chóng và nhanh chóng tẩu thoát làm cho người sở hữu, người trực tiếp quản lý tài sản bị bất ngờ, không thể kịp thời phản ứng để ngăn chặn hành vi phạm tội của mình và không có ý định dùng bất cứ thủ đoạn nào khác để đối phó với chủ sở hữu, người trực tiếp quản lý tài sản.

    - Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản: lợi dụng hoàn cảnh không có khả năng ngăn cản của chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản như thiên tai, địch họa, tai nạn, sức khỏe... để chiếm đoạt tài sản. Do đó, người này không cần và không có ý định dùng bất cứ thủ đoạn nào đối phó với người có trách nhiệm về tài sản, không cần dùng vũ lực hoặc thủ đoạn khác để uy hiếp tinh thần chủ tài sản; và cũng không cần chạy trốn, nhanh chóng tẩu thoát…

    Như vậy, đối chiếu với hành vi thực tế của người chạy xích lô mà chúng ta được biết thông qua phương tiện truyền thông thì theo mình người này phạm tội cướp giật tài sản, bởi vì:

    Thứ nhất, theo Tuổi trẻ Online “Do thấy ông Oki rút tiền chậm nên ông Dũng thò tay phải rút hết số tiền còn lại trong ví là 4 tờ 500.000 đồng và 2 tờ 200.000 đồng rồi chạy đi.” Theo đây, ta thấy người chạy xích lô đã nảy sinh ý định cướp giật tiền của khách khi thấy ông khách sơ hở, không hề phòng bị mà chậm chạp lấy tiền trong ví để nhanh chóng lấy tiền và bỏ chạy.

     Thứ hai, việc người chạy xích lô lấy tiền từ trong ví của khách là hành vi được thực hiện một cách nhanh chóng. Bởi vì để thực hiện việc giao nhận tiền công thì khoảng cách giữa hai người đang gần nhau, người chạy xích lô có thể dễ dàng nhìn thấy tiền trong ví của khách. Do đó, việc thò tay lấy tiền này là diễn ra thuận lợi và nhanh chóng mà không tốn nhiều thời gian.

    Thứ ba, người chạy xích lô sau khi lấy được tiền đã nhanh chóng chạy xích lô đi. Điều này được xem như thỏa mãn dấu hiệu nhanh chóng tẩu thoát trong tội cướp giật tài sản. Nhanh chóng tẩu thoát ở đây thể hiện qua việc:

    + Một, người khách là người Nhật không am hiểu về hoàn cảnh, tình hình tại Việt Nam nên bị bất ngờ trước hành vi của người chạy xích lô nên không thể kịp thời phản lại.

    + Hai, ông khách đã lớn tuổi nên không đủ sức khỏe để tự mình đuổi theo người chạy xích lô mà ông lại gặp vấn đề khó khăn về ngôn ngữ giao tiếp với người Việt Nam nên không thể nhanh chóng nhờ người giúp đỡ.

    + Ba, người chạy xích lô dùng xích lô để chạy thoát, mặc dù so về tốc độ với các phương tiện khác thì tốc độ xích lô là không nhanh, nhưng nếu so với thời gian mà người bị hại phản ứng lại và tìm được giúp đỡ như phân tích trên thì người xích lô có thể dễ dàng chạy thoát và được xem là nhanh chóng chạy thoát.

    Trên đây là quan điểm của mình sau khi tìm hiểu về vụ việc này, còn quan điểm của các bạn là gì? Hãy cùng chia sẻ nhé.

     
    7765 | Báo quản trị |  
    2 thành viên cảm ơn shinichi45 vì bài viết hữu ích
    admin (09/08/2019) ThanhLongLS (09/08/2019)

Like DanLuat để cập nhật các Thông tin Pháp Luật mới và nóng nhất mỗi ngày.

Thảo luận