Vào khoảng 0h30 ngày 24/5, Tàu hỏa mang số hiệu SE19 chở 400 hành khách đang di chuyển theo hướng bắc - nam, khi đi qua đường ngang có gác chắn tại khu gian ga Khoa Trường, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa đã đâm thẳng vào xe tải hiệu Howo chở đá biển số Nghệ An. Vụ tai nạn đã khiến đầu máy 927 của tàu hỏa bị đổ và 6 toa xe bị trật bánh khỏi đường sắt, ôtô tải bị hư hỏng. Lái tàu và phụ lái tàu bị kẹt trong cabin đầu máy và đã tử vong, 13 hành khách bị thương.
Sau thời gian điều tra, làm rõ vụ việc, ngày 25/5/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa thống nhất với Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Thanh Hóa ra quyết định khởi tố vụ án hình đối với hai nhân viên gác barie chắn đường ngang của Công ty đường sắt Thanh Hóa gồm: Nguyễn Văn Hùng (SN 1983) và Phạm Văn Vui (SN 1978), cùng trú tại thôn Khoa Trường, xã Trường Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, đồng thời ra lệnh tạm giam 3 tháng đối với 2 bị can này.
Bàn về sự việc này, luật sư Quách Thành Lực (Đoàn luật sư TP. Hà Nội) nhận định, đây là một vụ tai nạn nghiêm trọng gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản. Nếu nhân viên gác đường ngang đã không thực hiện đúng nhiệm vụ được giao, không kéo rào chắn ngăn các phương tiện đi qua đường sắt khi có tàu tới thì người này có thể chịu trách nhiệm về hành vi Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường sắt theo Điều 267 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 với khung hình phạt cao nhất lên đến 15 năm tù. Hoặc người gác đường ngang có thể phải chịu trách nhiệm theo điều Điều 360 về Tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng với mức phạt tù cao nhất từ 7 năm đến 12 năm.
Tuy nhiên, trong sự việc này cũng không loại bỏ trách nhiệm của người lái xe tải. Luật sư Quách Thành Lực cho biết, người lái xe tải trong trường hợp này có dấu hiệu của tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 của Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Quy định của Luật giao thông đường bộ yêu cầu lái xe phải quan sát khi cho phương tiện băng qua đường sắt, đảm bảo an toàn mới được phép đi qua. Theo luật sư Lực: “Dù rào chắn đường ngang không được kéo theo đúng quy định khi có tàu tới nhưng người lái xe tải hoàn toàn có thể bằng hiểu biết về thời gian chạy tàu, quan sát bằng mắt thường, nhận biết âm thanh để xác định có tàu đang tới nên lái xe tải là người có lỗi để xảy ra vụ tai nạn”. Người lái xe tải đã không tuân thủ quy định. Đây là trường hợp người phạm tội tuy thấy trước hành vi của mình có thể gây ra hậu quả nguy hại cho xã hội nhưng cho rằng hậu quả đó sẽ không xảy ra hoặc có thể ngăn ngừa được, hoặc vô ý vì cẩu thả.